Bóng đá

Bóng đá nữ Việt Nam bao giờ hết cảnh đìu hiu?

26/09/2019, 06:35

Bóng đá nữ Việt Nam nhiều năm qua luôn chịu thiệt thòi trên mọi phương diện so với bóng đá nam.

img
Giải bóng đá nữ VĐQG 2019 đang diễn ra nhưng nhận được ít sự quan tâm của người hâm mộ. Ảnh: TSB

Nếu không có sự đột phá, các cô gái đá bóng sẽ tiếp tục phải hi sinh vì đam mê. Tuy nhiên, sự đột phá đến từ đâu là câu hỏi rất khó tìm câu trả lời.

Từ những khán đài trống trơn

Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia 2019 đang bước vào những vòng đấu cuối cùng. Cuộc đua vô địch giữa TP HCM I, Phong Phú Hà Nam và Than Khoáng sản Việt Nam cực kỳ hấp dẫn, khiến cho giai đoạn nước rút trở nên kịch tính. Nghịch lý ở chỗ, các trận đấu của giải luôn diễn ra giữa bốn khán đài trống trơn khán giả. Số ít người có mặt trên sân là cầu thủ dự giải hoặc các cầu thủ trẻ của Trung tâm Huấn luyện bóng đá Hà Nam. Nhưng đây không phải chuyện lạ bởi nó đã diễn ra rất nhiều năm, lặp đi lặp lại từ mùa này sang mùa khác.

Không chỉ thiệt thòi về mặt tinh thần, các cô gái đá bóng còn thiếu thốn về mặt vật chất. Nhiều đội bóng dự Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia 2019 thậm chí không có lương mà chỉ có tiền ăn và tiền công tập luyện, tập ngày nào hưởng ngày đó. Theo tìm hiểu, ở đội TNG Thái Nguyên, bên cạnh phụ cấp 100 nghìn đồng tiền ăn, cầu thủ nhận 60 nghìn tiền công mỗi ngày. Hai tuần trước giải, tiền ăn tăng lên thành 150 nghìn đồng, khi thi đấu là 200 nghìn đồng. Tương tự, cầu thủ nữ Sơn La có chế độ tiền ăn là 150 nghìn kèm 80 nghìn đồng tiền công mỗi ngày. Mức cho cầu thủ trẻ là 120 nghìn và 40 nghìn đồng. TP HCM do phải duy trì 2 đội song song nên mức đãi ngộ cũng chỉ cao hơn chút đỉnh.

Ngay cả những đội bóng vốn được coi là “giàu” như Hà Nội, Than Khoáng sản Việt Nam hay Phong Phú Hà Nam, tiền lương cũng chỉ gồm tiền công tập luyện cộng thêm chút hỗ trợ, trung bình mỗi cầu thủ nhận khoảng 3 triệu đồng/tháng. Con số này nếu đem so với mức lương của cầu thủ nam tại V-League thì quá chênh lệch. Một cầu thủ trung bình đang chơi ở giải đấu cao nhất Việt Nam cũng đã nhận mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng.

Ở CLB chịu thua thiệt đã đành nhưng ngay cả khi lên tuyển, mang vinh quang về cho Tổ quốc, các cô gái áo đỏ cũng vẫn phải ngước nhìn đồng nghiệp nam. Theo thống kê, sau chức vô địch AFF Cup 2018, đội tuyển nam Việt Nam nhận tổng cộng gần 30 tỷ đồng tiền thưởng. Trước đó, với thành tích về nhì giải U23 châu Á 2018, thày trò ông Park nhận gần 50 tỷ đồng từ các mạnh thường quân. Nhưng mới đây, khi đánh bại Thái Lan để lên ngôi tại AFF Cup nữ 2019, tuyển nữ Việt Nam chỉ nhận hơn 2 tỷ đồng, trong đó 500 triệu là hiện vật.

“Thực sự là khi nhìn chị em cầu thủ thi đấu, cống hiến nhưng đáp lại chỉ là sự thờ ơ của xã hội thì không chỉ tôi mà nhiều người cũng rất cảm thông. Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, bóng đá nữ ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, kể cả những quốc gia nữ quyền cao cũng không thể so sánh với bóng đá nam. Đặt trong bối cảnh điều kiện còn hạn chế của bóng đá Việt Nam, nữ cầu thủ đương nhiên càng thiệt thòi”, bình luận viên Vũ Quang Huy chia sẻ.

Trong khi đó, ông Trần Anh Tú, Thường trực VFF, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thái Sơn Nam, đơn vị nhiều năm đồng hành cùng bóng đá nữ Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chính khiến bóng đá nữ Việt Nam chưa thể chuyển mình là bởi thiếu sự chung tay của toàn xã hội: “Bóng đá nữ Việt Nam hiện nay gần như đều dựa vào kinh phí của địa phương, theo khung chế độ nhà nước nên rất thấp. Mức độ quan tâm của xã hội với bóng đá nữ chưa cao nên doanh nghiệp dè dặt khi đầu tư vào”.

Đâu là giải pháp?

Qua phần đầu bài viết, có thể khẳng định nguyên nhân cơ bản nhất khiến bóng đá nữ Việt Nam gặp nhiều khó khăn là do chưa thể xã hội hóa giống như bóng đá nam. Các đội bóng mạnh ở V-League đều có ít nhất một doanh nghiệp giàu tiềm lực đứng phía sau. Một số đội nữ như Hà Nam, Quảng Ninh cũng nhận được hỗ trợ từ doanh nghiệp nhưng con số rất hạn chế. Điều này cũng không thể trách các doanh nghiệp bởi họ đầu tư thì phải tính tới hiệu quả.

“Muốn bóng đá nữ đi lên, theo tôi là việc cực kỳ khó bởi lẽ bản thân người hâm mộ không muốn tới sân theo dõi các trận đấu thì không doanh nghiệp nào muốn rót tiền cả. Thế nên, để giải quyết căn cơ vấn đề thì trước mắt VFF phải duy trì được hệ thống các giải đấu, duy trì các đội bóng và từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn, hình ảnh, từ đó kéo khán giả tới sân. Khi có khán giả thì doanh nghiệp tự nhiên sẽ chú ý đến thị trường bóng đá nữ. Nhưng quá trình này không thể đòi hỏi hiệu quả trong một sớm một chiều”, ông Tú phân tích.

Nói là vậy nhưng bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng không dễ để thay đổi ý thức của cả xã hội về bóng đá nữ. “Chúng ta lâu nay vẫn cảm thán cho bóng đá nữ nhưng từ suy nghĩ tới hành động là khoảng cách rất xa. Ngay như giới truyền thông cũng có sự phân biệt giữa bóng đá nam và bóng đá nữ. Người hâm mộ cũng vậy, họ sẵn sàng bỏ hơn 10 triệu đồng mua vé chợ đen xem Quang Hải thi đấu nhưng Tuyết Dung chơi trên sân mở cửa tự do cũng không ai vào. Thế mới thấy, nếu muốn bóng đá nữ Việt Nam tốt lên thì cần sự chung tay của toàn xã hội”, ông Huy nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, cựu Quả bóng vàng nữ Việt Nam Đỗ Thị Ngọc Châm chia sẻ: “Bóng đá nữ muốn tốt lên buộc phải có khán giả - cơ sở để những nhà làm bóng đá khai thác tài trợ. Tuy nhiên, để bóng nữ hút người xem thì tôi chưa nhìn ra giải pháp nào, trừ khi có một cú hích thật mạnh như dự World Cup và tiến sâu tại giải đấu này”. Từ thực tế như vậy, Ngọc Châm khuyên các nữ cầu thủ nên chủ động nâng cao kiến thức, tìm tòi công việc phù hợp để có thể chủ động cho cuộc sống không bóng đá.

Về phần Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Tổng Thư ký Lê Hoài Anh cho biết, với điều kiện hiện tại, VFF khó lòng giúp đỡ về mặt tài chính cho tất cả các CLB. Tuy nhiên, trong thời gian tới, VFF sẽ cố gắng hỗ trợ các CLB nữ trong việc xây dựng hình ảnh đội bóng, hình ảnh cầu thủ chuyên nghiệp hơn, từ đó thu hút thêm sự quan tâm từ xã hội. “Ngoài ra, VFF cũng sẽ kết hợp với các địa phương nhằm tạo đầu ra ổn định cho các nữ cầu thủ sau khi giải nghệ”, ông Hoài Anh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.