Bóng đá

Bóng đá Việt lợi gì từ những cái “bắt tay” với nước ngoài?

18/01/2021, 13:00

Nhiều CLB tại V-League chọn cách hợp tác với các đội bóng nước ngoài để nâng tầm công tác đào tạo trẻ.

img

Một buổi tập của các học viên Học viện Juventus tại TP HCM

Tuy nhiên, xu hướng này chưa thực sự giúp ích cho bóng đá Việt Nam, tại sao?

Khó hợp tác nếu chỉ muốn ăn xổi

Trước thềm mùa giải 2021, CLB Sài Gòn công bố dự án kết hợp với CLB Tokyo (Nhật Bản) mở lò đào tạo trẻ tại TP HCM. Đây là đầu việc nằm trong kế hoạch hợp tác toàn diện giữa hai đội bóng này. Dự án trên dự kiến hoàn thành trong năm 2021 với mục tiêu bổ sung cầu thủ chất lượng mang bản sắc Sài Gòn.

Bước đi này nhận nhiều kỳ vọng sẽ đem đến sự đột phá về công tác đào tạo trẻ cho đội bóng từng là hiện tượng ở mùa giải 2021. Tuy nhiên, nếu nhìn vào quá khứ, không phải cứ bắt tay với đại diện nước ngoài là sẽ đem lại thành công. Năm 2003, HAGL trở thành CLB Việt Nam đầu tiên kết hợp với một CLB nước ngoài, thành lập Học viện HAGL Arsenal JMG (tiền thân của Học viện HAGL JMG).

Bước đi của đội bóng phố núi mở ra trào lưu hợp tác giữa bóng đá Việt Nam và các quốc gia khác, gồm cả châu Á lẫn châu Âu. CLB Hà Nội thông qua bầu Hiển nhận sự hỗ trợ từ CLB Man City (Anh); CLB Viettel bắt tay cùng CLB Dortmund (Đức) trong khi CLB TP HCM hợp tác với CLB Juventus (Italia). Ngoài các CLB, Liên đoàn bóng đá TP HCM cũng ký kết thỏa thuận song phương với CLB Lyon (Pháp).

Tuy nhiên, ngoại trừ “người mở đường” HAGL để lại chút dấu ấn với lứa cầu thủ tài năng khóa 1 HAGL JMG gồm Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn… hầu hết sự hợp tác còn lại đều không đem về hiệu quả cao. Tiêu Exal, cầu thủ nổi bật nhất của khóa 1 Học viện Juventus TP HCM không thể tìm chỗ đứng trong đội hình CLB TP HCM.

Theo cựu danh thủ Dương Hồng Sơn, người từng có nhiều năm làm công tác đào tạo trẻ, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc hợp tác giữa đội bóng Việt Nam và nước ngoài chưa hiệu quả nhưng cốt lõi nhất là đôi bên chưa có sự thống nhất 100%.

“Bóng đá Việt Nam làm đào tạo trẻ thích ăn xổi nhưng đối tác nước ngoài lại rất chú trọng quy trình. Đây là sự vênh nhau lớn nhất. Bên cạnh đó, việc hai phía có thực sự dồn tâm huyết, tài lực, vật lực để hợp tác hay không cũng đáng bàn”, ông Sơn nhận định.

Cũng theo ông Sơn, cơ sở vật chất của đa phần các đội bóng Việt Nam còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu cầu về việc đào tạo chất lượng cao. Nói cách khác, giữa hai bên thiếu sự đồng bộ để triển khai các kế hoạch.

“Chúng ta đếm thử sẽ thấy cả nước chỉ có vài trung tâm thực sự hiện đại, đầy đủ. Ngay cả Hà Nội FC dù gặt hái nhiều thành công ở các lứa trẻ, giới thiệu nhiều cầu thủ xuất sắc nhưng không có trung tâm huấn luyện”, cựu thủ môn tuyển Việt Nam cho hay.

Bình luận viên Vũ Quang Huy thì cho rằng, ý tưởng hợp tác là rất tốt nhưng khi đi vào thực hiện lại chệch choạc. “Nói gì thì nói, các CLB Việt Nam nền tảng tài chính yếu, lúc máu me thì tuyên bố làm này làm nọ nhưng lúc hết tiền thì chỉ chăm lo cho đội 1 đã khó chứ nói gì tới đào tạo trẻ chuẩn quốc tế. Mà làm bóng đá trẻ không phải vài ba năm là hái trái, nó đòi hỏi quá trình tích lũy dài lâu nên các đội bóng không kham được”, BLV Quang Huy nói.

Cần thiết nhưng nên chọn lọc yếu tố phù hợp

Nhìn tổng thể, thực trạng hợp tác đào tạo với các đội bóng nước ngoài tại Việt Nam hiệu quả thấp. Tuy nhiên, BLV Vũ Quang Huy cho rằng, đây vẫn là hướng đi cần thiết với bóng đá Việt Nam.

Tôi không dám bàn tới chiến lược của các CLB khác, riêng CLB SLNA chưa bao giờ dư giả tài chính để làm bóng trẻ, cũng không nghĩ tới việc hợp tác nước ngoài. Nhưng chúng tôi tự hào vì vẫn cho ra lò nhiều cầu thủ chất lượng, đóng góp cho đội tuyển quốc gia, có phí chuyển nhượng cả chục tỷ đồng.
Có được thành quả này là nhờ chúng tôi làm việc hết sức tận tâm, từ tìm kiếm nhân tài tới đào tạo, uốn nắn các em. Bên cạnh đó, các kế hoạch, định hướng đào tạo cần phù hợp với thực tế, nguồn lực của đội bóng và tốt nhất trong khả năng.
Ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng giám đốc CLB SLNA


“Hợp tác với họ sẽ giúp chúng ta rút ngắn được giai đoạn, thừa hưởng được những kinh nghiệm quý báu, trình độ khoa học kỹ thuật để tạo ra công nghệ đào tạo trẻ. Về lâu về dài, mô hình này nên nhân rộng ở nhiều địa phương, nhiều đội bóng để có thật nhiều lò luyện cầu thủ đúng nghĩa, từ đó các đội tuyển chắc chắn xuất hiện thêm nhiều lựa chọn với các trường phái khác nhau. Đây chính là tiền đề để thúc đẩy nền bóng đá đi lên”, ông Huy phân tích.

Đồng quan điểm, cựu danh thủ Dương Hồng Sơn nhấn mạnh, sau lứa Quang Hải, bóng đá Việt Nam đang rơi vào tình cảnh khan hiếm tài năng. Nguyên nhân bởi công tác đào tạo trẻ tại Việt Nam vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp, ngoại trừ một vài cái tên cá biệt. “Chính bởi vậy, gia tăng số lượng lẫn chiều sâu trong công tác đào tạo, bao gồm cả kết hợp với các đối tác nước ngoài là điều cần thiết”, ông Sơn nói thêm.

Về giải pháp để nâng cao hiệu quả trong việc hợp tác giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá nước ngoài, bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng, đầu tư là đáng quý nhưng phải đầu tư sao cho phù hợp.

“Các đội bóng ở những nền bóng đá phát triển đương nhiên họ rất tốt. Nhưng cái tốt của họ có phù hợp với mình hay không thì cần nghiên cứu. Nói cách khác, học hỏi phải chọn lọc yếu tố phù hợp với điều kiện và thể trạng cầu thủ Việt Nam, chỉ vậy mới đạt được hiệu quả, tránh tình trạng đầu voi đuôi chuột gây lãng phí”, ông Huy chia sẻ.

Ngoài việc tìm kiếm đối tác và định hướng phù hợp, cựu danh thủ Dương Hồng Sơn khẳng định, điều kiện tiên quyết để việc hợp tác với đội bóng nước ngoài thành công là cơ sở vật chất phải đảm bảo.

“Từng có một số đội bóng sang Việt Nam nghiên cứu mở học viện bóng đá nhưng khi tới CLB, địa phương, họ thấy cơ sở vật chất còn quá sơ sài nên không mặn mà nữa. Điều kiện tập luyện hết sức quan trọng, tác động lớn tới kết quả đào tạo. Hy vọng rằng tương lai sẽ ngày càng có nhiều CLB chú trọng tới việc xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, chỉ như vậy khi bắt tay đối tác nước ngoài mới đem đến hiệu quả”, ông Sơn chốt lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.