Bình luận

Bóng đá Việt Nam phát triển không đồng bộ

13/06/2019, 07:00

Không phải chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan tại King’s Cup 2019, cũng không phải thắng lợi của U23 Việt Nam trước Myanmar...

img
Đình Trọng (trái) và Tuấn Anh

Không phải chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan tại King’s Cup 2019, cũng không phải thắng lợi của U23 Việt Nam trước Myanmar trong trận giao hữu tại Phú Thọ, Trần Đình Trọng chấn thương mới là tin tức đáng chú ý nhất suốt những ngày qua. Trung vệ Hà Nội bị đứt dây chằng đầu gối phải trong trận gặp HAGL tại vòng 12 V-League 2019 và dự kiến phải nghỉ từ 6 - 8 tháng. Đó là trong trường hợp mọi thứ diễn biến suôn sẻ. Bằng không, ngày trở lại của Trọng “ỉn” còn xa lắc.

Đình Trọng từng sang Hàn Quốc phẫu thuật chấn thương bàn chân sau AFF Cup 2018. Anh mới trở lại ở đầu mùa giải năm nay nhưng chỉ chưa đầy nửa năm, cầu thủ quê Gia Lâm lại sắp phải bước lên bàn mổ. Cựu trung vệ đội tuyển quốc gia Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng, Đình Trọng được phẫu thuật tốt, chăm sóc tốt ở nước ngoài nhưng khi trở về Việt Nam mọi thứ đã thay đổi. Cụ thể, y học thể thao Việt Nam chưa phát triển, thiếu trang thiết bị hiện đại và bác sĩ giỏi đủ khả năng theo dõi tổng quát, chính xác quá trình hồi phục của VĐV, dẫn tới nhiều chẩn đoán sai lầm.

Ngoài ra, vì áp lực thành tích nên các CLB gần như phải nhắm mắt trước tình hình sức khỏe của cầu thủ. Nhiều cầu thủ bị đau nhẹ vẫn ra sân, dẫn tới chấn thương trầm trọng. Với Đình Trọng, có thể hiểu anh chưa hồi phục hoàn toàn sau phẫu thuật nhưng vẫn ra sân đều đặn, cày ải liên tục. Khi nền tảng thể lực sa sút, chấn thương ập đến là điều khó tránh khỏi. Thiếu vắng Đình Trọng chắc chắn là thiệt thòi lớn cho U23 Việt Nam trong hành trình chinh phục HCV SEA Games 2019.

Nhìn Đình Trọng, hẳn nhiều người sẽ nhớ tới Tuấn Anh, tiền vệ tài hoa của bóng đá Việt Nam, người vừa trở lại đội tuyển sau gần 2 năm vắng mặt do chấn thương liên miên. Vấn đề của Tuấn Anh gặp phải giống hệt Đình Trọng, được chăm sóc và hồi phục tốt ở nước ngoài nhưng về Việt Nam thì mọi thứ không thể đáp ứng được yêu cầu, từ thiết bị cho tới nhân sự. Thế mới có chuyện cầu thủ này phải phẫu thuật hai lần liên tiếp để xử lý dây chằng đầu gối, một lần ở Singapore, một lần ở Hàn Quốc.

Đình Trọng, Tuấn Anh được xem là hàng hiếm bóng đá Việt Nam sản sinh ra nhưng lại đứng trước thử thách cực kỳ nghiệt ngã. Nếu không chấn thương, Tuấn Anh có thể đã trở thành ngôi sao sáng giá nhất nhì ở V-League và đội tuyển Việt Nam. Sau đây, chẳng ai khẳng định được Đình Trọng sẽ chơi ra sao khi trở lại.

Những năm qua, tốc độ phát triển của bóng đá Việt Nam cực kỳ ấn tượng. Nhưng xem ra nền bóng đá ở vùng trũng của thế giới lại thiếu sự đồng bộ. Y học thể thao chắc chắn là điểm khuyết rất lớn. Ngoài cấp độ đội tuyển, các CLB gần như thiếu hụt bác sĩ thể thao đủ giỏi để chăm sóc cầu thủ. Thế nên, không chỉ Tuấn Anh hay Đình Trọng, bóng đá Việt Nam từng chứng kiến nhiều cầu thủ khốn khổ vì chấn thương. Và cũng không quá khó hiểu tại sao tuổi nghề của cầu thủ Việt Nam thường ngắn hơn mức trung bình thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.