Bóng đá

Bóng đá Việt Nam và “mỏ vàng” chưa được khai phá

22/03/2021, 06:30

Các đội bóng Việt Nam chưa chú trọng tới việc kinh doanh áo đấu, vật phẩm trong hệ sinh thái bóng đá.

img

Hà Nội FC và Thanh Hóa cùng được tài trợ trang phục bởi nhãn hàng Jogarbola của Công ty Cổ phần Động Lực. Ảnh: VPF

Bán áo đấu, vật phẩm liên quan tới đội bóng là một trong những mũi nhọn kinh doanh của các đội bóng lớn trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mảnh đất màu mỡ này lại đang bị bỏ hoang, chưa hề được khai phá.

Vì sao không kinh doanh áo đấu?

Kể từ khi HLV Park Hang-seo sang làm việc, bóng đá Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt ở cấp độ đội tuyển quốc gia.

Thành công liên tiếp ở đấu trường quốc tế của thày trò ông Park đem đến những hiệu ứng tích cực cho công tác tìm kiếm tài trợ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Hai năm gần đây, mỗi năm VFF đều thu về trên 200 tỷ đồng từ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp (DN), tổ chức.

Không chỉ vậy, các giải bóng đá quốc nội cũng dễ dàng thủ hút các nhà tài trợ. Lần đầu tiên sau nhiều năm, Cúp Quốc gia có nhà tài trợ ba mùa liên tiếp (Bamboo Airways). V-League và Giải hạng Nhất cũng chứng kiến thương hiệu LS (Hàn Quốc) hai năm liền đồng hành. Ngoài ra, nhiều đội bóng ở V-League nhận được sự đầu tư lớn từ nhiều nhãn hàng khác nhau.

Tuy nhiên, khá đáng tiếc khi cả ở cấp đội tuyển quốc gia lẫn CLB vẫn chưa thực sự chủ động ở một mảng kinh doanh quan trọng - bán áo đấu, vật phẩm lưu niệm như mũ, linh vật, móc chìa khóa…

Ở các nền bóng đá phát triển, hay ngay như Thái Lan, đại đa số các CLB đều có cửa hàng giới thiệu, bày bán áo thi đấu, vật phẩm ngay tại sân vận động hoặc những địa điểm phù hợp.

Ngược lại, theo tìm hiểu của Báo Giao thông, đội tuyển quốc gia và 100% các CLB Việt Nam đều chưa có cửa hàng chính thức để giới thiệu sản phẩm thuộc hệ sinh thái bóng đá.

Một lãnh đạo VFF cho biết, tổ chức này cũng đã tính tới việc kinh doanh áo đấu, linh vật và các món quà lưu niệm liên quan tới đội tuyển Việt Nam.

Tuy nhiên, thời điểm này mới chỉ dừng lại ở việc phối hợp cùng nhà tài trợ áo đấu của đội tuyển đưa các sản phẩm chính hãng tới tay người hâm mộ. Trong tương lai, khi nhận thấy thời cơ phù hợp, VFF có thể kết hợp với một DN nào đó thực hiện việc kinh doanh các vật phẩm mang thương hiệu đội tuyển quốc gia.

Trong khi đó, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng cho rằng, việc bán áo đấu chính hãng tại Việt Nam rất khó vì bị nhiều đơn vị làm nhái, mẫu mã gần như tương tự nhưng giá rất rẻ. Thêm vào việc người hâm mộ chưa thực sự có ý thức ủng hộ đội bóng nên họ sẵn sàng mua áo nhái để mặc cổ vũ.

Ông Tống Đức Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Midomax, đơn vị sở hữu hai thương hiệu Mizuno và Kamito tài trợ áo đấu cho 4 CLB V-League (HAGL, Bình Định, Bình Dương, SHB Đà Nẵng) chia sẻ: “Thực sự không thể địch được với hàng giả, hàng nhái. Chúng tôi tài trợ cho các CLB nhiều năm qua nhưng gần như không bán được chiếc áo nào. Chỉ tới năm nay mọi thứ mới có chút tiến triển”.

Mặc dù vậy, theo Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh, ngoài việc đổ lỗi cho người hâm mộ, bản thân các đội bóng cũng chưa thực sự có ý thức kinh doanh áo đấu: “Nhìn chung các đội bóng chưa có tư duy thị trường. Bản thân CLB SLNA cũng vậy, bộ phận kinh doanh hoạt động kém hiệu quả và chắc chắn trong tương lai gần phải thay đổi”.

Đồng quan điểm, ông Mai Thế Hưng, Giám đốc đối ngoại Công ty CP Động Lực, đơn vị cũng đang tài trợ áo đấu cho nhiều CLB tại V-League (Hà Nội FC, Thanh Hóa, SLNA, Hải Phòng) nhận định, bản thân các đội bóng hiện tại cần phải thực sự quyết liệt mới mong có biến chuyển.

“Các đội bóng nước ngoài đều có Giám đốc kinh doanh, bộ phận marketing đông đảo để lo việc kinh doanh. Ở ta chưa hình thành được điều này và hầu hết CLB đều chỉ lo công tác chuyên môn, bỏ bẵng mảng kinh doanh”, ông Hưng nhận xét.

Cần một chiến lược cụ thể

Theo ông Trần Thanh Trung, đại diện Grand Sport Việt Nam, đơn vị 6 năm qua tài trợ áo đấu cho đội tuyển Việt Nam, muốn bán được áo đấu trước hết các đội bóng phải có định hướng, chiến lược rõ ràng.

“Khi đã có chiến lược thì sản phẩm phải tốt, giá thành phù hợp với đại đa số người hâm mộ. Bản thân các đội cũng cần thổi hồn vào chiếc áo đấu, giúp chúng mang nét đặc trưng của CLB. Ngoài ra, người hâm mộ cũng nên hình thành thói quen mua áo đấu chính hãng để ủng hộ đội bóng”, ông Trung phân tích.

Ông Tống Đức Thuận thì nhận định, các CLB nên chăm chút hơn trong việc xây dựng hình ảnh. “Hình ảnh ở đây bao gồm cả thành tích trên sân cỏ và những yếu tố liên quan như bộ nhận diện thương hiệu, các hoạt động bên lề, công tác tổ chức trận đấu… Khi hình ảnh CLB tạo được ấn tượng với cổ động viên, tôi tin họ sẽ cảm thấy tự hào khi mang trên mình chiếc áo đấu chính hãng”, ông Thuận nói.

Liên quan tới việc xây dựng hình ảnh CLB, ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ VFF gợi mở, các đội bóng nên tận dụng hình ảnh các ngôi sao để quảng bá thương hiệu mạnh mẽ hơn.

“Vài năm qua, bóng đá Việt Nam xuất hiện nhiều cầu thủ được yêu mến nhưng CLB lại không biết khai thác hình ảnh của họ. Tôi lấy ví dụ Quang Hải kết hợp một nhãn hàng làm bộ sưu tập giày bán rất chạy, Tuấn Anh cũng tương tự. Vậy CLB tại sao không làm được điều tương tự?”, ông Thành chia sẻ.

Ở góc nhìn rộng hơn, ông Phan Huy Hoàng, người từng làm cố vấn cho nhiều nhãn hàng thể thao nổi tiếng đánh giá, thực tế việc kinh doanh áo đấu cũng như các vật phẩm trong hệ sinh thái bóng đá phản ánh sự phát triển của một nền bóng đá.

“Nói gì thì nói, các đội bóng Việt Nam chưa phải là thương hiệu mạnh để có thể tự kinh doanh hiệu quả. Thế nên, câu chuyện bán áo đấu không thể thay đổi một sớm một chiều. Nền bóng đá Việt Nam vẫn cần có lực đẩy để đi lên còn đội bóng phải tiếp tục nâng cao thương hiệu. Đương nhiên, CLB cũng như nhãn hàng cần chăm chút hơn cho sản phẩm áo đấu, không ngừng cải tiến công nghệ nhằm đem lại trải nghiệm tốt cho khách hàng”, ông Hoàng nói.

Các CLB trên thế giới kiếm bộn tiền từ áo đấu

Theo tờ Goal, hầu hết các CLB lớn trên thế giới đều có hai nguồn thu nhập từ áo đấu. Thứ nhất, họ bán áo đấu và chia phần trăm với nhà sản xuất. Thứ hai, mỗi năm những CLB hàng đầu đều nhận vài chục triệu tới cả trăm triệu tiền tài trợ áo đấu từ nhãn hàng. Đây thực chất cũng là phần ăn chia khi nhãn hàng bán sản phẩm liên quan tới đội bóng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.