U15 Việt Nam (phải) vô địch Giải U15 Đông Nam Á 2017 |
Bóng đá trẻ khởi sắc
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, bóng đá trẻ Việt Nam liên tục gặt hái những thành tích khả quan. Mới nhất, ĐT U15 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Vũ Hồng Việt đã lên ngôi tại Giải U15 Đông Nam Á 2017 khi đánh bại U15 Thái Lan trong trận chung kết. Năm 2016, U16 Việt Nam cũng gây ấn tượng khi lần đầu tiên trong lịch sử giành quyền vào chơi ở tứ kết Giải U16 châu Á. Đỉnh cao là chiến công giành vé dự U20 World Cup 2017 của ĐT U20 Việt Nam.
HLV Hoàng Anh Tuấn nhiều lần khẳng định, việc U20 Việt Nam có vé dự ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới lứa tuổi U20 không phải do may mắn. Đó là kết quả của cả quá trình chuẩn bị dài hơi, cũng như thể hiện được sự chuyển biến trong công tác đào tạo trẻ. Trong khi đó, HLV Vũ Hồng Việt đã mạnh dạn đặt mục tiêu giành quyền tham dự U17 World Cup 2019 ngay khi vừa nâng cúp ở Giải Đông Nam Á.
Theo bình luận viên Vũ Quang Huy, cả hai nhà cầm quân trên đều có lý, bởi bóng đá trẻ Việt Nam thực sự đang khởi sắc mà điểm tựa chính là việc các đội bóng đã bắt đầu làm bóng đá trẻ chuyên nghiệp hơn. “Xưa chúng ta có lò SLNA, Thể Công luôn là mỏ cầu thủ chất lượng cho các đội tuyển. Khi hai thế lực này vì nhiều lý do mà phải giải thể (Thể Công), trồi sụt (SLNA), HAGL đã nổi lên như một lá cờ đầu.
Thành quả của HAGL nhanh chóng được đón nhận một cách nhiệt thành từ người hâm mộ. Bằng chứng rõ nhất là lứa Công Phượng có sức hút cực lớn. Con gà tức nhau tiếng gáy và từ đó nhiều lò đào tạo trẻ cũng được đầu tư bài bản như: Hà Nội, Viettel, PVF hay FLC Thanh Hóa. Từ đây, chúng ta có nhiều lựa chọn hơn cho các đội tuyển trẻ, cầu thủ cũng chất lượng hơn nên thành tích đi lên cũng dễ hiểu”, ông Huy phân tích.
Dưới góc nhìn của một nhà quản lý, Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn khẳng định, định hướng tập trung cho bóng đá trẻ của VFF đang đi đúng hướng. Thời gian tới, VFF sẽ tiếp tục có kế hoạch hỗ trợ các CLB đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo trẻ, qua đó xây dựng nguồn lực lâu dài cho bóng đá Việt Nam.
Cần nhiều yếu tố
Trái ngược với thành công của bóng đá trẻ, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, kể cả cấp độ đội tuyển hay CLB vẫn còn nhiều hạn chế. Kể từ sau chức vô địch AFF Cup 2008, bóng đá nam Việt Nam chưa lần nào được hưởng niềm vui chiến thắng. Tại V-League, cầu thủ ngoại, cầu thủ nhập tịch lấn át cầu thủ nội, tình trạng cầu thủ đá “láo”, chơi bạo lực thường xuyên diễn ra. Vậy, đâu là giải pháp để bóng đá Việt Nam có thể tận dụng đà thăng tiến của lớp trẻ để tạo ra sự phát triển toàn diện?.
Bình luận viên Quang Huy cho rằng, cần nhân rộng những mô hình đào tạo trẻ tiên tiến như của HAGL, Viettel, PVF để công tác đào tạo trẻ thực sự sâu, rộng, hiệu quả. Bên cạnh đó, những tài năng trẻ phải được bảo vệ, chăm sóc đúng cách để tiếp tục phát triển. “V-League hiện tại đá quá bạo lực, dễ khiến cầu thủ trẻ chùn chân hoặc hình thành tư duy tiêu cực kiểu “mày đá tao thì tao đá mày”. Thế nên, muốn các cầu thủ trẻ phát triển đúng hướng, buộc phải chấn chỉnh V-League”, ông Huy nói. “Thêm một yếu tố quan trọng là cầu thủ trẻ phải được tin tưởng trao cơ hội, nếu chỉ đào tạo tốt nhưng cầu thủ không được cọ xát thì cũng khó thành tài”, ông Huy nói thêm.
Trong khi đó, nhà báo, Vlogger Nguyễn Minh Hải (Bóng đá TV) lại có sự nhìn nhận tổng quát hơn. “Để một cầu thủ tiềm năng thành tài năng nói tuy đơn giản nhưng lại rất phức tạp. Từ đào tạo nâng cao, chất lượng HLV, cơ sở vật chất, tiếp thu khoa học kỹ thuật, giáo dục nhân cách, tâm lý ở ta đều thiếu và yếu. Để hội đủ những yếu tố này không hề đơn giản, bởi chất xúc tác là tiền mà bóng đá Việt Nam cũng chẳng dư giả”, nhà báo Minh Hải chia sẻ.
Với điều kiện hiện tại của bóng đá Việt Nam, nhà báo Minh Hải cho rằng, chúng ta nên tận dụng chất xám của các chuyên gia ngoại thuê về để ít nhất có những giải pháp tình thế. Còn về lâu dài, bóng đá Việt Nam rất cần một Tổng công trình sư, người đủ khả năng vạch ra chiến lược dài hơi, biết quy hoạch thì mới có thể phát huy được hết những tiềm lực đang có.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận