Những giải đấu thành công liên tiếp ở cấp độ châu lục của bóng đá Việt Nam khiến giới chuyên môn ngỡ ngàng. Liệu đây có phải là sự biến đổi về chất hay đơn thuần chỉ là may mắn?
Nghịch lý ở bóng đá Việt Nam
Đội tuyển Việt Nam đã khép lại hành trình tại Asian Cup 2019 ở vòng tứ kết khi thất bại 0-1 trước đội tuyển Nhật Bản. Dù không thể viết tiếp câu chuyện cổ tích nhưng thày trò HLV Park Hang-seo vẫn để lại ấn tượng mạnh mẽ nhờ lối chơi chặt chẽ, khoa học và không kém phần đẹp mắt. Báo chí châu Á cũng dành cho “những chiến binh sao vàng” nhiều lời khen ngợi. Tờ FOX Sports khẳng định, đội tuyển Việt Nam đủ đẳng cấp để chơi tại đấu trường lớn nhất khu vực. Giới mộ điệu châu Á cũng sửng sốt trước màn trình diễn của đoàn quân áo đỏ, đặc biệt trong trận gặp Nhật Bản tại tứ kết.
Thực tế, không cần đợi đến Asian Cup 2019, bóng đá Việt Nam suốt một năm qua đã tạo ra những tiếng vang cực lớn ở đấu trường châu Á. Hồi tháng 1/2018, U23 Việt Nam vào tới chung kết giải U23 châu Á 2018 và giành ngôi Á quân. Tháng 8/2018, tuyển Olympic Việt Nam với nòng cốt là lứa U23 tiếp tục thi đấu xuất sắc, về thứ tư tại ASIAD 2018. Những thành công liên tiếp giúp vị thế của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên đáng kể. Nói cách khác, bóng đá Việt Nam đang ở trình độ cao chứ không phải phong độ nhất thời.
Nghịch lý ở chỗ, những yếu tố được coi là nền móng của một nền bóng đá, Việt Nam lại thiếu và yếu. Giải Vô địch quốc gia Việt Nam (V-League) tuy hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp hơn 15 năm qua nhưng chưa thực sự chuyên nghiệp. Bằng chứng là nhiều CLB sống lay lắt, thiếu kinh phí hoạt động. Tính ra, số CLB có nền tảng tài chính chủ động chưa đếm hết số ngón trên một bàn tay. Chất lượng chuyên môn của các trận đấu ở V-League cũng chưa đồng đều, nhiều trận cực kỳ yếu kém. Công tác đào tạo trẻ tuy nhiều khởi sắc nhưng còn thiếu đồng bộ. Đó là chưa kể tới yếu tố thể hình, thể lực hạn chế của người Việt.
Chuyên gia Lê Thế Thọ cho rằng, đây là sự mâu thuẫn nhưng không khó lý giải: “Đúng là nền tảng bóng đá Việt Nam còn thấp. Nhưng may mắn là chúng ta lại có những cơ sở làm bóng đá rất bài bản, tạo ra nhiều cầu thủ chất lượng như: HAGL, Hà Nội, SLNA. Các em tập hợp lại thành một đội bóng mạnh. Nếu V-League có nhiều lò đào tạo trẻ chất lượng hơn nữa, tin chắc đội tuyển Việt Nam còn mạnh hơn”.
Trong khi đó, cựu danh thủ Vũ Như Thành lại nhận định, những thành công của bóng đá Việt Nam một năm qua mang tính thời điểm. “Tại sao tôi nói tới thời điểm. Vì thời điểm này chúng ta đang có những cầu thủ xuất sắc, đồng đều, bản lĩnh. Ngoài ra, chúng ta có một HLV giỏi, biết phát huy tối đa nguồn lực để tạo nên sức mạnh”, cựu danh thủ Như Thành nói.
Đã tiến gần nhóm đầu châu Á?
Một câu hỏi đặt ra sau những giải đấu thành công liên tiếp của bóng đá Việt Nam đó là: Liệu chúng ta đã thực sự đạt tới đẳng cấp châu Á? Trả lời câu hỏi này, chuyên gia Lê Thế Thọ khẳng định: “Bóng đá Việt Nam đang ở top đầu châu Á. Tôi nói như vậy không chỉ dựa vào việc Việt Nam lọt top 8 đội mạnh nhất châu Á. Thành công của bóng đá Việt Nam lặp đi lặp lại, mang tính bền vững. Trên tất cả, nhìn vào những gì các đội tuyển Việt Nam thể hiện, ta thấy được tương lai tươi sáng, thấy được hi vọng vào bước tiến lớn hơn. Việt Nam thua Nhật Bản nhưng tôi không thấy buồn vì các em, các cháu thể hiện lối chơi ở trình độ cao. Tiếp tục bồi dưỡng, rèn giũa, lứa này sẽ còn tiến xa. Năm nay khác hoàn toàn năm 2007, hồi đó chúng ta thua, lối chơi không đặc sắc còn hiện tại, tuyển Việt Nam dù thua vẫn khiến người hâm mộ cảm thấy sướng. Cách chơi của tuyển Việt Nam luôn cho tôi cảm giác có thể chiến thắng bất kỳ đối thủ nào”.
Bình luận viên Vũ Quang Huy cũng tán thành quan điểm này và cho rằng những thành công ngày hôm này là cả một quá trình. “Từ năm 2007, chúng ta vào tứ kết Asian Cup. Sau đó, chúng ta vào vòng loại thứ ba Olympic. Hơn 1 năm nay, mọi cấp độ từ U23 đến Olympic và tuyển lớn, Việt Nam đều chơi rất hay, tiến bộ từng ngày khi ra châu lục. Tôi nói đơn cử thế này, nếu như ở giải U23 châu Á, chúng ta gần như chỉ tập trung phòng ngự, trông chờ vào những pha phản công chớp nhoáng và gần như không có những mảng miếng phối hợp bên phần sân đối phương, ít phương án tiếp cận khung thành đối phương. Ngược lại, tại Asian Cup 2019, chúng ta triển khai tấn công nhịp nhàng, đá được nhiều chạm bên phần sân đối phương với nhiều mũi giáp công”, ông Huy phân tích.
Ngoài ra, theo bình luận viên Quang Huy, bóng đá châu Á nhìn chung tiến bộ chậm nên khi Việt Nam có sự thăng tiến thần tốc thời gian qua, khoảng cách đã được thu hẹp đáng kể. Bổ sung cho ý kiến của bình luận viên Vũ Quang Huy, chuyên gia Lê Thế Thọ nhấn mạnh 2 điểm sáng của các đội tuyển Việt Nam trong hơn một năm qua: “Thứ nhất, thể lực cầu thủ cực tốt, nhiều trận đá 120 phút nhưng không ai bị chuột rút. Thể lực đóng vai trò cực quan trọng, không có thể lực thì không thể thực hiện đấu pháp chiến thuật. Thứ hai, tinh thần thi đấu vững vàng. Dù trước đối thủ mạnh đến mấy, trong hoàn cảnh khó khăn đến mấy, cầu thủ Việt Nam vẫn giữ vững được thế trận, không nao núng”.
Tuy nhiên, cựu danh thủ Vũ Như Thành lại có cái nhìn khác về vị thế của bóng đá Việt Nam tại châu Á. Theo nhà vô địch AFF Cup 2008, trình độ bóng đá Việt Nam mới chỉ ở mức trung bình khá chứ chưa thể nói đang ở top đầu châu Á. “Đẳng cấp của một nền bóng đá phải nhìn nhận trong cả quá trình chứ không phải qua vài giải đấu hay vài trận đấu tốt. Ví dụ như Hàn Quốc dù thua Qatar nhưng họ vẫn là ông lớn. Việt Nam sau trận thua Iran thì ai cũng thấy khoảng cách trình độ rất chênh lệch. Bóng đá Việt Nam xứng đáng là một trong 8 đội mạnh nhất tại Asian Cup 2019 nhưng top đầu châu Á thì vẫn còn khá xa”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận