Tình huống Phan Thế Hưng (Nam Định) đạp vào đầu gối Nguyễn Công Thành (Sài Gòn FC)
V-League 2021 đang diễn ra hấp dẫn với nhiều cuộc đọ sức gay cấn. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố chuyên môn, giải đấu số 1 bóng đá Việt Nam cũng trở nên xấu xí bởi lối chơi bạo lực tại không ít đội bóng.
Những pha vào bóng rợn người
Vòng 5 V-League 2021 chứng kiến tình huống vào bóng cực kỳ thô bạo của Ngô Hoàng Thịnh (CLB TP HCM) với Đỗ Hùng Dũng (Hà Nội FC). Cú đạp bằng cả hai chân Hoàng Thịnh nhắm vào Hùng Dũng khiến cầu thủ Hà Nội gãy cổ chân, phải nghỉ ít nhất 6 tháng.
Tiền vệ gốc Nghệ An sau đó bị cấm thi đấu tới hết năm 2021, đồng thời nộp phạt 40 triệu đồng và bồi thường chi phí chữa trị cho nạn nhân theo quy định.
Những tưởng án phạt này sẽ là lời răn đe dành cho các cầu thủ có xu hướng chơi quyết liệt quá mức cần thiết. Tuy nhiên, những vòng đấu gần đây, sân cỏ V-League 2021 lại tiếp tục chứng kiến thêm nhiều pha bóng mang tính chất thô bạo, phản cảm.
Tại vòng 6, cầu thủ Phan Thế Hưng (Nam Định) có tình huống đạp thẳng vào đầu gối Nguyễn Công Thành (Sài Gòn FC). Cũng tại vòng này, Hoàng Vũ Samson (Đông Á Thanh Hóa) còn đạp vào ngực thủ thành Nguyễn Tuấn Mạnh (SHB Đà Nẵng).
Tới vòng 7, Bùi Hoàng Việt Anh (Hà Nội FC) có hành động xấu xí khi anh đã sút bóng thẳng vào bụng Ibou Kebe (SHB Đà Nẵng) trong tình huống đối phương đang nằm sân sau va chạm và trọng tài đã thổi còi tạm ngừng trận đấu.
Cũng ở trận đấu với SHB Đà Nẵng, Nguyễn Văn Quyết (Hà Nội FC) đã bất ngờ có pha bay người đạp thẳng vào đùi Janclesio (SHB Đà Nẵng) làm cho cầu thủ này nằm sân. Rất may, cú đạp của Văn Quyết không đi chính diện, bằng không sẽ có một ca chấn thương nặng.
Ở trận giữa Hải Phòng và HAGL trên sân Lạch Tray, Đồng Văn Trung (Hải Phòng) chủ động dùng cánh tay đánh thẳng vào mặt Kim Dong-su (HAGL). Sang tới vòng 8, Phạm Đức Huy (Hà Nội FC) có pha đánh cùi chỏ nhằm mặt Nguyễn Hữu Thắng (Viettel).
Bình luận viên Vũ Quang Huy đánh giá, một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng bạo lực gia tăng là do thể thức thi đấu căng thẳng. “Các đội đá mật độ dày, trận nào cũng căng thẳng nên dễ ức chế tâm lý và bộc phát lối chơi quyết liệt quá mức cần thiết”.
Theo cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng, vấn đề bạo lực trên sân cỏ bóng đá Việt Nam chủ yếu xuất phát từ ý thức thiếu chuyên nghiệp của cầu thủ và sự non kém của trọng tài.
“Các cầu thủ không có ý thức giữ chân cho đồng nghiệp, không được đào tạo đầy đủ về đạo đức nghề nghiệp nên khi đặt vào những trận đấu căng thẳng, tình huống bất lợi thì dễ cay cú, dẫn tới hành vi không đúng mực. Trong khi đó, trọng tài cho thấy khả năng phân tích đưa ra quyết định rất yếu. Nhiều tình huống đáng thẻ đỏ mười mươi thì chỉ rút thẻ vàng, thậm chí bỏ qua”, ông Hùng phân tích.
“Ở trận SHB Đà Nẵng gặp HAGL, một cầu thủ Đà Nẵng dùng cả cẳng tay đánh vào đầu Công Phượng. Dù Phượng vô tình tránh được nhưng trọng tài đứng gần nhẽ ra phải rút thẻ đỏ trực tiếp, không thể chấp nhận hành vi như vậy tồn tại trong bóng đá”, ông Hùng ví dụ.
Cần làm gì để giảm bạo lực?
Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch CLB SLNA, giải pháp để giải quyết trực trạng bạo lực ở V-League cần phải xử lý từ gốc.
Cụ thể, ông Thanh cho rằng, các CLB cần phải tăng cường giáo dục cầu thủ ngay từ các lứa trẻ, nghiêm khắc kỷ luật với các cầu thủ khi có biểu hiện chơi lệch chuẩn. Giáo dục cần toàn diện, giúp cầu thủ ý thức được trách nhiệm với bản thân, đồng nghiệp, đội bóng.
Cuối mùa giải năm ngoái tới đầu mùa giải này, VFF đã sửa đổi quy định về xử phạt các vi phạm trên sân theo hướng nghiêm khắc hơn rất nhiều, đặc biệt là với các hành vi xâm phạm thân thể người khác. Án phạt cấm 8 tháng thi đấu với Hoàng Thịnh là án cao nhất từ trước tới nay, không thể nói Ban Kỷ luật nương tay. Ngoài ra, những cầu thủ phạm lỗi nghiêm trọng dù không nhận thẻ đỏ hay đã nhận thẻ đỏ đều phải nhận thêm án phạt “nguội” từ Ban Kỷ luật. Thời gian tới, VFF sẽ yêu cầu các trọng tài xử lý kiên quyết hơn trên sân khi cầu thủ có biểu hiện chơi thô bạo. Các bộ phận khác như Giám sát trận đấu, Giám sát trọng tài cần chặt chẽ hơn để đảm bảo hành vi xấu xí không bị bỏ lọt.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực VFF
Ông Thanh cũng khẳng định, kéo giảm bạo lực thì nhất thiết cần tăng nặng chế tài xử lý.
“Chúng ta thấy uống rượu bia lái xe sẽ bị phạt cực nặng, bị tước bằng. Nhờ vậy, ý thức của người tham gia giao thông đã cao hơn hẳn. Bóng đá cũng thế, anh đá bậy, đá láo thì cứ phạt thật nặng thì cầu thủ sẽ sợ, từ chỗ sợ sẽ không dám chơi bạo lực. Tất nhiên khó triệt tiêu toàn bộ nhưng một vài sai số là chấp nhận được”, ông Thanh nêu ý kiến.
Về phía Ban Trọng tài VFF, Trưởng ban Dương Văn Hiền chia sẻ, Ban Trọng tài sẽ tiếp tục quán triệt tới đội ngũ cầm cân nảy mực cần phải quyết liệt hơn trong xử lý các tình huống phạm lỗi có tính chất thô bạo.
Nhưng ông Nguyễn Hồng Thanh cho rằng, ngay cả với trọng tài, nếu điều hành không quyết đoán, lọt lỗi thì cũng cần xử lý nghiêm, thậm chí treo còi chứ không thể dừng làm nhiệm vụ một vài trận rồi đâu lại vào đó.
Đồng quan điểm, nhưng cựu HLV Nguyễn Thành Vinh nhấn mạnh thêm, VFF cần có những sự bổ sung về mặt quy chế để có các chế tài đủ sức răn đe cầu thủ: “Cầu thủ mà phạm lỗi thô bạo nhiều lần liên tiếp, kể cả chỉ phải nhận thẻ vàng thì cho nghỉ luôn tới hết mùa. Làm như vậy tôi tin cầu thủ sẽ phải ý thức hơn mỗi khi có ý định vào bóng theo kiểu triệt hạ”, ông Vinh cho hay.
Về phần mình, bình luận viên Vũ Quang Huy nhìn nhận, các đội bóng phải chú trọng tới công tác làm tư tưởng để giải tỏa áp lực không cần thiết cho cầu thủ.
“Bóng đá là cuộc chơi của những người đàn ông, không thể tránh được va chạm nhưng mọi thứ cần có chừng mực. Muốn vậy, tâm lý cầu thủ khi vào sân phải thoải mái, có thể ăn thua nhưng không bằng mọi giá giành điểm. Ở các đội bóng lớn trên thế giới, họ có chuyên gia tâm lý còn bóng đá Việt Nam thì không nên vai trò của HLV trưởng trong tình huống này càng trở nên quan trọng”, ông Huy nói.
Dù tồn tại nhiều pha bóng thô bạo nhưng tính tới trước vòng 9, các trọng tài mới chỉ rút 8 thẻ đỏ (56 trận). Chế tài trên sân chưa thực sự triệt để, án phạt nguội từ Ban Kỷ luật VFF cũng thiếu nhất quán và chưa đủ sức răn đe. Ví như tình huống Đồng Văn Trung đánh thẳng vào mặt Kim Dong-su nhưng chỉ bị treo giò 2 trận. Việc Hoàng Thịnh bị cấm thi đấu hết năm theo nhiều ý kiến cũng chưa tương xứng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận