Showbiz

Bóng đen đáng sợ của các ngôi sao Việt

06/11/2018, 07:22

Nổi tiếng, được tung hô dưới ánh hào quang sân khấu, các ngôi sao trong nước phải đối diện với những áp lực...

17

Gần đây, Hương Tràm liên tục có những biểu hiện tiêu cực về tâm lý

“Bệnh của ngôi sao” và những con số đáng sợ

Thống kê của Bộ Y tế vào năm 2017, tại Việt Nam, có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Còn theo báo cáo của Viện Sức khỏe tâm thần có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Bác sĩ Hoàng Thuý Hải cho biết, đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu nào về tình trạng, tỷ lệ các nghệ sĩ bị trầm cảm. Tuy nhiên, có thể thấy, số lượng nghệ sĩ bị stress, trầm cảm xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ. Mới đây nhất, ca sĩ Hương Tràm bất ngờ chia sẻ hình ảnh đôi bàn tay trầy xước, da tay bong tróc. Đại diện của cô cho biết, thời gian gần đây Tràm liên tục rơi vào trạng thái stress, căng thẳng đến mất ngủ nên mới có những hành động tự huỷ hoại bản thân như vậy.

Còn nhớ, hồi tháng 4/2018, nam ca sĩ Rocker Nguyễn bị rơi vào tình trạng trầm cảm nặng sau hàng loạt những tin đồn và phản ứng tiêu cực từ cộng đồng mạng. Vì quá áp lực, anh buộc phải tuyên bố ngừng hoạt động để lấy lại tinh thần. Hoa hậu chuyển giới Hương Giang cũng từng mắc bệnh trầm cảm sau khi phẫu thuật chuyển giới cách đây 7 năm. Theo đó, thay vì hạnh phúc khi được sống đúng với giới tính, Hương Giang trở nên sống khép kín, tâm trạng luôn nặng nề và từng nghĩ đến cái chết.

Nữ ca sĩ Văn Mai Hương từng không muốn tiếp xúc với những người xung quanh, cô ngại ngần giao tiếp với người khác, lẳng lặng làm mọi thứ một mình. Cô phải huỷ bỏ và đền bù hơn 20 show diễn ký trong tháng 3 vì tình trạng sức khỏe không tốt.

Sau khi đăng quang Tuyệt đỉnh tranh tài, Hoàng Tôn cũng rơi vào tình trạng ăn không ngon, ngủ không được và mất cảm giác với âm nhạc trong một thời gian dài. Nam ca sĩ cho biết, thời điểm đó anh tìm cách giải trí bằng những trò tiêu khiển như xem phim, du lịch nhưng cũng không cải thiện được tình trạng sức khoẻ.

Là một nghệ sĩ hàng đầu trong showbiz Việt, Hoài Linh cũng không tránh khỏi những lúc bế tắc, muốn từ bỏ mọi thứ vì căn bệnh trầm cảm nặng. Danh hài gốc Quảng Nam cho biết, vì quá nhiều áp lực trong công việc và từ phía công chúng nhưng lại không có người chia sẻ, giãi bày nên mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn. Thậm chí có thời điểm những bế tắc cứ chồng chất trong lòng, khiến anh từng nghĩ tới chuyện tự tử. Có thể thấy, stress, trầm cảm đều là những áp lực đáng sợ phía sau hào quang sân khấu và là nỗi ám ảnh của hầu hết các ngôi sao dù ở bất cứ quốc gia nào. Đó là những hệ luỵ tất yếu của những cạnh tranh khốc liệt trong ngành giải trí, những tin đồn ác ý dễ khiến các nghệ sĩ rơi vào tuyệt vọng. Và là mặt trái của đỉnh cao danh vọng, sự nổi tiếng.

4.0 hay “góc chết” của nghệ sĩ

Chuyên gia tâm lý của Trung tâm Y tế Asan, Seoul, (Hàn Quốc), Kim Byung Soo - người đã từng điều trị cho nhiều nghệ sĩ gặp vấn đề tâm lý cho biết trên The Korea Herald: Nguyên nhân chính dẫn tới chứng trầm cảm ở các ngôi sao nổi tiếng do cảm xúc của họ dễ bị thay đổi. “Những nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng nghệ sĩ, với sức sáng tạo nghệ thuật, luôn có nguy cơ mắc chứng trầm cảm cao hơn người bình thường”. Bởi họ thường xuyên bị tác động đột ngột về mặt tâm lý, mà điều này liên hệ trực tiếp tới chứng trầm cảm”, bác sĩ Kim trả lời.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh trầm cảm cướp đi trung bình 850.000 mạng người mỗi năm. Đến năm 2020, trầm cảm sẽ là căn bệnh xếp hạng 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu, với 121 triệu người mắc bệnh. Nhưng chỉ khoảng 25% trong số đó được điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Điều đáng lo ngại, 48% số người trầm cảm có ý tưởng tự sát và 24% những người toan tự sát được báo cáo không nhận được sự hỗ trợ điều trị trước đó. Ở Việt Nam, ước tính năm 2015 có khoảng 3,6 triệu người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4% dân số.

Ông Kim Byung Soo cũng cho biết thêm, nghệ sĩ là người của công chúng và họ sẽ có 2 “cá thể” cùng tồn tại. Một mặt, họ là một người đứng trước công chúng, một mặt, họ chỉ biểu hiện ra với những người thân thiết hoặc chỉ khi ở một mình. Đến khi khoảng cách hai cá thể này bị đẩy ra xa, dẫn đến sự mất cân bằng. Khi đó, con người đứng trước công chúng chiếm ưu thế hơn cái tôi riêng tư của họ, dẫn đến những sang chấn tâm lý.

Bên cạnh những áp lực tự thân, trong thời đại công nghệ 4.0 bùng nổ như hiện nay, không ít ngôi sao chia sẻ từng bị ảnh hưởng nặng nề vì những bình luận ác ý trên mạng xã hội. Điều này dễ đẩy những nghệ sĩ đến hố sâu tuyệt vọng.

Đại diện ca sĩ Hương Tràm cho biết, Hương Tràm quá cầu toàn và đòi hỏi cao trong công việc. Mỗi lần tự đặt ra áp lực cho mình như vậy, Quán quân Giọng hát Việt mùa đầu tiên đều tự mình bóc da tay để cảm thấy thoải mái hơn. Thậm chí, có khi không làm chủ được, Hương Tràm còn liên tục bóc da tay đến mức rỉ máu. Hay trường hợp của ca sĩ Rocker Nguyễn, chứng trầm cảm xuất phát từ việc trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn anh là người đồng tính, cặp kè với mẹ nuôi đại gia để có tiền tiêu xài. Quản lý truyền thông của anh từng cho biết, quãng thời gian đó nam ca sĩ cảm thấy cả thế giới như quay lưng lại với mình: Gia đình không ủng hộ làm nghệ thuật, bị chấm dứt hợp đồng với công ty quản lý cũ, chia tay người yêu và liên tục bị kẻ xấu bêu riếu, thêu dệt những tin đồn khủng khiếp.

Bác sĩ Hoàng Thuý Hải phân tích thêm, nghệ sĩ dễ bị chi phối bởi cảm xúc, thường phản ứng tức thời, khả năng làm chủ của họ kém hơn người khác nhưng lại chịu rất nhiều áp lực, đó là sự tung hô, ném đá của thời đại 4.0 hiện nay, trong đó có cả tích cực và tiêu cực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.