Cầu Rạch Miễu được đầu tư theo hình thức BOT |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa báo cáo Quốc hội kết quả giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)”.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2011-2016, Bộ GTVT đã huy động khoảng 171.308 tỷ đồng, trong đó vốn huy động thông qua hình thức hợp đồng BOT là 154.481 tỷ đồng/59 dự án, chiếm khoảng 90,2% (các dự án đường bộ 169.813 tỷ đồng/57 dự án). Đến nay, đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 55 dự án BOT với tổng mức đầu tư 137.819 tỷ đồng (toàn bộ là lĩnh vực đường bộ). Nhiều công trình trọng điểm, có tính kết nối cao giữa các vùng miền đã được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa (mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên...).
Các dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trong thời gian vừa qua đã mang lại những kết quả cụ thể, tạo ra động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, góp phần giảm ùn tắc, TNGT và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế và nguồn ODA thu hẹp dần thì việc huy động vốn đầu tư thông qua hình thức hợp đồng BOT là hướng đi đúng đắn để phát triển giao thông nói riêng, phát triển kinh tế nói chung, đồng thời giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước. Đa số người dân tham gia giao thông được hưởng những dịch vụ, hàng hóa công cộng tốt hơn, đầy đủ hơn với một mức chi phí hợp lý.
Tuy nhiên, việc kêu gọi nhà đầu tư vẫn còn bất cập do các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT thường yêu cầu vốn đầu tư lớn, trong khi tỷ suất lợi nhuận chưa thực sự hấp dẫn. Việc triển khai hình thức đầu tư hợp đồng BOT còn ít kinh nghiệm dẫn đến các quy định pháp luật thời gian qua vẫn chưa bao quát được đầy đủ các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện. Cơ chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT khá phức tạp, phương thức tổ chức thực hiện các dự án chịu sự điều chỉnh của nhiều luật chuyên ngành...
Qua kết quả giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung thực hiện các nhiệm vụ và một số giải pháp chủ yếu như: Tổng kết việc triển khai thực hiện các mô hình đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có hình thức hợp đồng BOT thời gian qua để đánh giá những mặt được và những hạn chế, bất cập, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục hữu hiệu.
Việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu phải thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật. Có giải pháp phù hợp huy động vốn trong nước và nước ngoài cho các dự án có quy mô lớn, dự án chậm tiến độ, khó có khả năng tiếp tục đầu tư. Lựa chọn dự án thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế thu hút nhà đầu tư nước ngoài, trên cơ sở đó đánh giá, hoàn thiện cơ chế chính sách.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận