Mùng 4 Tết năm trước, sau bữa tiệc đầu năm với bạn bè, tôi về nhà lúc 2 giờ sáng, mặc dù chếnh choáng nhưng tôi vẫn hốt hoảng khi thấy gần như cả nhà chưa ai ngủ, trừ lũ trẻ. Cả bố, mẹ, vợ vẫn thức chong chong để đợi.
Thực sự, những lúc như vậy tôi cảm thấy rất tội lỗi, luôn tự hứa với mình rằng, năm sau, năm sau, mình sẽ đón Tết khác đi. Bởi ngay trong chính gia đình, bố tôi đã từng nghiện rượu, đã từng lao xe ra đường không ai cản được khi say. Có những lần cả nhà sợ chết khiếp khi hàng xóm báo, họ tìm thấy xe của ông ở dưới ao, một ông chú họ may mắn đã được vớt lên khi vẫn say mèm, bố tôi thì không thấy đâu. Hóa ra, ông chú họ mượn xe của bố tôi sau cuộc nhậu.
Nhưng năm nay đã khác. Nhiều người đàn ông trong họ nhà tôi không còn ai đụng đến một giọt rượu nếu sau bữa nhậu phải lái xe ra đường.
Mẹ tôi, vợ tôi và những người phụ nữ cũng đỡ vất vả hơn khi cánh đàn ông bớt khề khà, ngồi tâm sự cùng nhau bên chén rượu liên miên trong 3,4 ngày Tết.
Tôi chắc rằng, sự thay đổi này đã và đang diễn ra trong nhiều gia đình. Tết này, dù chưa có thông kê số vụ thương vong do đánh nhau, nhưng tôi tin, năm nay cũng sẽ là một con số không mấy u ám như những năm trước.
Người Việt, đa phần đều hiền lành, tử tế và ôn hòa. Nhưng khi có rượu vào, họ như biến thành con người khác, sẵn sàng rút dao đoạt mạng người đối diện chỉ vì những lý do lãng xẹt.
Năm nay, theo thống kê của Ủy ban ATGT QG, năm nay số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông chưa giảm so với năm trước.
Một số người vin vào lý do này để phản bác và cho rằng, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Nghị định 100 không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Tuy nhiên, đây là sự phản bác vô căn cứ và cố tình không nhìn nhận được những giá trị rất tích cực mà các chính sách này đem lại. Có thể, nếu chỉ nhìn vào riêng 1 đợt Tết, con số thương vong giữa 2 năm chưa có chênh lệch nhiều.
Nhưng nói đi, cũng cần nói lại, nếu Luật mới, nghị định mới không được thực thi kịp thời, trước dịp Lễ thì biết đâu, chúng ta đã phải đón 1 cái Tết với nhiều tai nạn thương tâm hơn. Mỗi năm, lượng ô tô xe máy gia tăng rất nhanh, nhu cầu vận chuyển, đi lại của người dân trong Tết năm sau luôn cao hơn năm trước rất nhiều.
Vì vậy, nếu muốn so sánh cần có một bức tranh toàn cảnh để những con số đặt cạnh nhau không khập khiễng. Khi một chính sách mới ra đời, sẽ luôn cần có 1 khoảng thời gian để đi vào thực tiễn đời sống, gọi nôm na là “độ trễ chính sách”.
Trước đây ít người tin rằng, sẽ có một chính sách, một chế tài nào có thể thay đổi văn hóa uống rượu bia tràn cung mây ở ta. Nhưng từ khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100 có hiệu lực, nhiều người mới vỡ lẽ, hóa ra, thói quen nào cũng có thể thay đổi, tập tục cổ hủ nào cũng có thể điều chỉnh theo hướng tốt lên. Vấn đề chỉ là cách làm.
Cách đánh thẳng vào túi tiền của người vi phạm là một giải pháp phù hợp, đặc biệt “công hiệu” trong bối cảnh hiện nay. Ở những đô thị lớn, nhỏ, gần như không ai dám lái xe sau khi đã uống.
Nhưng tại nông thôn, thì “độ trễ chính sách” dường như kéo dài hơn, lâu hơn. Người ta vẫn thấy những tài xế xe máy mặt đỏ tía tai lái xe đầu trần đi trong nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã. Cũng ở nông thôn, vẫn có nhiều làng xã, rượu bia vẫn được “ép” uống, khích bác nhiệt tình. Và cũng từ nông thôn, nhiều vụ tai nạn cướp đi sinh mạng thanh niên trai tráng vẫn xảy ra.
Cần phải nói thẳng, người dân nông thôn nhiều nơi vẫn giữ lề thói kiểu phép vua thua lệ làng. Nếu việc xử lý vi phạm bị nể nang, buông lỏng thì việc loại bỏ bia rượu trong những ngày Tết và những ngày không Tết tại khu vực này vẫn sẽ là một thách thức rất lớn.
Tôi cho rằng, cùng với việc xử lý mạnh tay, chúng ta cần tuyên truyền nhiều hơn nữa để người dân hiểu, chính sách mới ra nhằm bảo vệ cuộc sống, sức khỏe, sự thịnh vượng an khang cho chính người dân, chứ không phải tăng mức phạt để nhà nước có thêm ngân sách.
Bớt bia rượu vô độ, tùy tiện, một bộ phận nhỏ nào đó có thể mất vui nhưng gia đình họ, xã hội thêm an lành, hạnh phúc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận