Tình trạng ùn ứ giao thông xảy ra tại các trạm thu giá BOT. Ảnh minh họa |
Vẫn với những chiêu bài cũ đã từng áp dụng tại BOT Cai Lậy trước đây là trả tiền lẻ, lái xe quay vòng, tụ tập gây rối gây ùn tắc dẫn đến phải xả trạm,... một số lái xe tiếp tục đem ra áp dụng tại hàng loạt các trạm thu giá khác trên tuyến QL1 như: Cần Thơ, Sóc Trăng, T1, T2, QL91, Bình Thuận, Ninh An, Cầu Rác...
Thực tế, những gì đang diễn ra tại BOT Cần Thơ, Sóc Trăng và một số trạm BOT khác khá giống với kịch bản tại BOT Cai Lậy.
Không ít những tài xế kích động, gây rối ở những trạm BOT trên là những gương mặt quen thuộc đã từng ăn chực, nằm chờ nhiều ngày ở BOT Cai Lậy. Thậm chí, không loại trừ những người này được sự “chống lưng” của một thế lực hoặc nhóm người nào đó, cố tình đẩy vấn đề BOT thành điểm nóng để kích động, gây rối trật tự, an ninh.
Đáng nói hơn, những người này còn được cổ súy bởi truyền thông mạng xã hội. Trong khi đó, nhiều địa phương cũng tỏ rõ sự lúng túng, thiếu quyết liệt, thậm chí còn thỏa hiệp trong xử lý bởi ngại dư luận càng khiến tình hình thêm căng thẳng.
Trong tất cả các văn bản và phát ngôn của lãnh đạo các địa phương có trạm BOT bị lái xe phản đối thời gian qua đều khẳng định chủ trương xã hội hóa kêu gọi đầu tư BOT là hoàn toàn đúng đắn trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách khó khăn. Điều này cũng được Quốc hội, Chính phủ và hầu hết các bộ, ngành, cơ quan chức năng khẳng định. Cũng cần nói thêm, hầu hết các dự án BOT đã đầu tư đều do chính các địa phương chủ động đề xuất.
Nhưng khi lái xe phản đối, không ít địa phương lại sẵn sàng đẩy quả bóng sang Bộ GTVT và các bộ, ngành khác. Cuối cùng, chỉ có các nhà đầu tư, đã bỏ cả trăm, nghìn tỷ đồng ra làm BOT là đang lĩnh hậu quả, phải liên tục xả trạm, dừng thu phí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phương án tài chính và đối mặt với nguy cơ phá sản.
Phải thừa nhận, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý về BOT vẫn chưa hoàn thiện và vẫn còn những kẽ hở, bất cập. Điều này đã được Bộ GTVT và các bộ, ngành, cơ quan chức năng thẳng thắn nhìn nhận, rút kinh nghiệm và khắc phục sau 5 năm triển khai. Nghị quyết 437, ngày 21/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có những đánh giá khách quan, chỉ ra những bất cập, thiếu sót.
Thực tế Bộ GTVT đã và đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nỗ lực khắc phục những hạn chế, bất cập của các dự án BOT thông qua việc miễn giảm giá để người dân quanh trạm không bị thiệt thòi; dừng triển khai nhiều dự án BOT trên đường độc đạo; không kêu gọi đầu tư BOT trên những tuyến đường nâng cấp, cải tạo, những tuyến đường mà người dân không có sự lựa chọn... Bộ KH&ĐT cũng đang dự thảo thông tư thay thế Nghị định 15 và Nghị định 30 về đầu tư theo hình thức PPP và hướng dẫn thi hành luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, khắc phục những bất cập về cơ chế chính sách đầu tư PPP trước đây.
Trong một Nhà nước pháp quyền, người dân và tổ chức đều phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, kể cả những quy định đó còn bất cập, chưa phù hợp với cuộc sống. Còn việc nhận ra bất cập và sửa đổi là việc của các cơ quan thực thi. Trong khi chờ các văn bản, chính sách mới vào cuộc sống, những cơ chế, chính sách trước đây đã được ban hành và áp dụng cần được tôn trọng và thực thi đầy đủ.
Chính vì vậy, những vụ việc như ngang nhiên múa lân ăn mừng giữa đường gây ùn tắc tại BOT Sóc Trăng, lái xe đâm hỏng barie trạm thu giá BOT, tụ tập, kích động gây rối nhằm mục đích để trạm thu phí “thất thủ” là những hành vi thực hiện có chủ đích nhằm gây cản trở giao thông, gây mất ANTT có tổ chức cần phải được ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nếu những vụ việc gây rối trên không được xử lý rốt ráo, nghiêm minh, dễ gây hiệu ứng phức tạp dây chuyền. Khi đó, rất có thể từ một vấn đề kinh tế sẽ bị đẩy thành vấn đề chính trị xã hội phức tạp, đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo tại phiên họp về BOT Cai Lậy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận