Người biểu tình ủng hộ Tổng thống Dilma Rousseff - người bị đình chỉ chức vụ chờ luận tội |
Hôm qua (12/6), khủng hoảng chính trị tại Brasil lại bị đẩy thêm một mức nữa, khi 23/27 bang đồng loạt nổ ra các cuộc biểu tình phản đối Chính phủ và kêu gọi Tổng thống lâm thời Michel Temer từ chức.
Quan chức đua nhau từ chức và vào tù
Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu ủng hộ Tổng thống Dilma Rousseff - người đang bị Quốc hội đình chỉ chức vụ để chờ luận tội.
Trong số những người xuống đường biểu tình có cả cựu Tổng thống Lula da Silva. Ông này tuyên bố những gì đang diễn ra tại Brasil là một cuộc đảo chính và khẳng định khả năng sẽ tranh cử Tổng thống năm 2018. Đồng thời, thủ lĩnh Phong trào những người lao động không có đất (MTST) Guilherme Boulos cho biết, các cuộc biểu tình vẫn chưa kết thúc.
Sau khi bà Dilma Rousseff bị Quốc hội đình chỉ chức vụ Tổng thống trong 180 ngày để xem xét luận tội về những cáo buộc che giấu tình trạng thâm hụt ngân sách trong bầu cử năm 2014, Chính phủ lâm thời đã lên cầm quyền từ ngày 12/5.
Tuy nhiên, Chính phủ lâm thời ra mắt chưa được 3 tuần, 2 bộ trưởng đã phải từ chức bởi dính líu tới vụ bê bối tham nhũng khổng lồ ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras. Cuối tuần trước, Viện Kiểm sát Brasil cũng ra lệnh bắt 4 chính trị gia cao cấp: Chủ tịch Thượng viện Eduardo Cunha, Chủ tịch Hạ viện Renan Calheiros, cựu Tổng thống Jose Sarney, cựu Bộ trưởng Kế hoạch Romero Juca với cáo buộc nhận hối lộ hàng triệu USD trong vụ bê bối tham nhũng tại Petrobras.
Tổng công tố Brasil Rodrigo Janot cáo buộc 4 quan chức nêu trên cố tình cản trở điều tra. Theo tờ O Globo, việc bắt giữ những người này có thể gây tác động không nhỏ; Bởi cả 4 người đều thuộc Đảng Phong trào dân chủ (PMDB) của Tổng thống lâm thời Michel Temer và đang thúc đẩy tiến trình luận tội Tổng thống Brasil Dilma Rousseff.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Tổng công tố yêu cầu bắt giữ một cựu Tổng thống. Đến chiều tối qua, Tòa án Tối cao Brasil chưa đưa ra bình luận về thông tin trên. Theo luật, Tòa án Tối cao phải phê chuẩn mọi hành động pháp lý nhằm vào các thành viên Quốc hội.
Giải pháp bầu cử sớm
Hôm qua là lần đầu tiên Chính phủ lâm thời đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối. Trước đó, theo AP, các kết quả khảo sát do Viện MDA tiến hành cho thấy, gần 30% người dân Brasil phản đối Chính phủ lâm thời và đa phần ủng hộ tổng tuyển cử sớm.
Thứ sáu tuần trước, Tổng thống bị đình chỉ Rousseff cũng yêu cầu trưng cầu dân ý nhằm tổng tuyển cử sớm. Các chuyên gia phân tích cho rằng, dù Hiến pháp không quy định, nhưng đề xuất của bà Rousseff có thể là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng tại nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này.
Ngoài ra, 54,8% người tham gia cho rằng, không có sự khác biệt giữa hai Chính phủ của ông Temer và của bà Dilma Rousseff, không có thay đổi rõ ràng nào tại nước này. Kết quả điều tra cũng cho thấy, 51% người Brasil muốn tiến hành tổng tuyển cử ngay trong năm 2016 để sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Brasil xảy ra đúng lúc nước này đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế với một loạt vấn đề bao gồm: Tăng trưởng âm, thâm hụt ngân sách cao, chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, đồng real mất giá, lạm phát trên 10%...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận