Bệnh nhân Nhật khi đang được điều trị tại bệnh viện |
Theo chia sẻ của BS. Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, BV ĐK tỉnh Quảng Trị, sau thông tin bệnh nhân ngộ độc rượu được cứu sống "nhờ" truyền 5 lít bia, ông đã rất mệt mỏi khi nhận vô số thắc mắc liên quan đến phương án điều trị này.
Ông Lâm giải thích, bệnh nhân cấp cứu ngộ độc rượu methanol là loại rượu công nghiệp không sử dụng trong ăn uống và bệnh nhân mua phải rượu có chứa cồn methanol gây ngộ độc chứ không phải là bệnh nhân say rượu. Trong phác đồ điều trị ngộ độc rượu được phép sử dụng rượu ethanol để truyền cho bệnh nhân để thải methanol. Do vậy mọi người đừng hiểu lầm uống rượu say rồi uống bia để giải rượu.
Ông Lâm cho biết thêm, đây là lần đầu tiên các bác sĩ của bệnh viện sử dụng bia để giải ngộ độc methanol cho bệnh nhân. Khi quyết định "truyền" bia để giải ngộ độc rượu cho bệnh nhân Nhật, các bác sĩ cũng đã cân nhắc thận trọng lượng bia như thế nào để cân bằng, thải độc tốt cho bệnh nhân.
Về vấn đề này, BS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Phòng chống độc, BV Bạch Mai cũng khẳng định, đó cũng là 1 phác đồ điều trị đối với ngộ độc methanol, tuy nhiên còn cần kèm theo các giải pháp khác chứ không đơn thuần chỉ "truyền" bia.
Như đã thông tin, ngày 25/12/2018, BV ĐK tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, Triệu Phong, Quảng Trị) trong tình trạng hôn mê, nguy kịch.
Trước đó, trong tiệc mừng Giáng sinh, ông Nhật cùng một số người uống rượu. Sau khi về nhà, ông cùng 3 người khác xuất hiện các biểu hiện bất thường. Sau khi nhập viện, ông Nhật được các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm khí máu, soi đáy mắt, chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc Methanol có trong rượu.
Để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ truyền ba lon bia tức gần một lít, vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Mỗi giờ tiếp theo, bệnh nhân được truyền thêm một lon bia. Sau khi truyền tổng cộng 15 lon bia, tức gần 5 lít, bệnh nhân Nhật dần bình phục, tỉnh táo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận