Showbiz

BTV Thúy Hằng: “Làm truyền hình, phải hy sinh nhan sắc”

21/06/2018, 18:45

Dù phải hy sinh nhan sắc nhưng với BTV Thúy Hằng, nghề báo cho cô những điều không phải ai cũng có.

10_65740

Dù phải hy sinh nhan sắc nhưng với BTV Thúy Hằng, nghề báo cho cô những điều không phải ai cũng có.

Gần 15 năm trong nghề, BTV Thúy Hằng đã trải qua nhiều vị trí và quen thuộc với khán giả qua nhiều chương trình như Thời sự 19h, Sáng Phương Nam, Toàn cảnh 24h… Nữ BTV đã có những trải lòng về công việc mà mình hết lòng theo đuổi.

Nhờ nghề, tôi hiểu thêm về cuộc sống

Nhiều người nghĩ bước chân vào đài truyền hình thì phải có mối quan hệ rất tốt, hoặc có nhiều tiền. Còn chị thì sao?

Chuyện như bạn nói là thực tế trong xã hội hiện nay, nhưng không hẳn là tất cả. Tôi là con em trong ngành, mẹ tôi cũng có quá trình mấy chục năm làm việc ở VTV cho đến tuổi nghỉ hưu, cho nên đó là bước đệm đầu tiên khá thuận lợi để tôi bén duyên với truyền hình. Thế nhưng để đứng được trong hàng ngũ của VTV không đơn giản.

Khởi đầu, tôi chỉ là cộng tác viên, sau vài năm và trải qua các đợt thi tuyển mới có thể được ký hợp đồng. Tôi cũng như nhiều người khác, qua rất nhiều lần hợp đồng từ ngắn hạn, có thời hạn, dài hạn rồi mới được chính thức đứng vào hàng ngũ VTV. Quá trình đó mất nhiều năm, và đương nhiên là cũng phải đủ năng lực và đủ cống hiến.

Trong lĩnh vực này, nếu không đáp ứng được yêu cầu công tác, sự đổi mới liên tục của ngành nghề thì đồng nghĩa bạn đã tự loại mình ra khỏi bộ máy. Tôi không còn quá trẻ nhưng vẫn ở độ tuổi tiếp cận được cái mới. Và chúng tôi vẫn phải liên tục đi học các lớp bồi dưỡng chuyên môn để tự nâng cao năng lực đáp ứng công việc.

thuyhang

 

Hơn 10 năm làm truyền hình, công việc này mang tới cho chị những gì?

Truyền hình là nghề thú vị và cũng là công việc chính thức đầu tiên của tôi. Tôi thấy mình trưởng thành hơn, được trải nghiệm, học hỏi nhiều hơn từ những người đi trước. Tôi cũng được gặp gỡ nhiều nhân vật, nhiều đối tượng ở những hoàn cảnh khác nhau và hiểu hơn về nhiều góc độ của cuộc sống. Kỹ năng giao tiếp và vốn sống của tôi được tích luỹ từng ngày như thế.

Tuổi thơ của tôi khá êm đềm, không có dịp tiếp xúc với nhiều mảnh đời. Thời mới bước vào nghề, tôi làm chương trình “Những ước mơ xanh” và có cơ hội cùng êkip giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Tôi biết được nhiều câu chuyện, hiểu thêm những mảnh đời và có cơ hội san sẻ với họ. Cũng từ đó, tôi thấy công việc này có ý nghĩa và rất thực tế, không viễn vông, và mình lại có thể là nhịp cầu kết nối những tấm lòng đến với những mảnh đời như vậy. Nếu chỉ một mình, chắc chắn tôi không đủ sức làm điều đó.

Được nhiều thế, vậy chị có mất nhiều không?

Thực sự, theo nghề báo, tôi thấy mình được nhiều hơn mất. Tôi từng trải qua nhiều vị trí từ trợ lý, phóng viên, biên tập, dẫn chương trình. Trong quá trình đó, tôi phải liên tục trau dồi, tiếp cận với những cái mới. Tôi được cả mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, được môi trường làm việc chuyên nghiệp, được rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống.

unnamed (3)

 

Có mất chỉ là mất thời gian. Tôi làm khối nội dung, thời gian không phải giờ hành chính. Những dịp Lễ Tết, sự kiện quan trọng thì mình phải đi làm trong khi người ta được ở nhà với gia đình. Nhưng đó là đặc thù của nghề, nghề nào cũng có những đặc thù riêng mình buộc phải chấp nhận.

Phải tranh thủ ngủ khi trang điểm

Theo chị, phụ nữ có nhan sắc có lợi thế và yếu thế như thế nào khi làm truyền hình?

Không chỉ là công việc truyền hình đâu, tôi thấy trong hầu hết các ngành nghề hiện đại, người có hình thức chỉn chu sẽ gặp thuận lợi hơn trong mọi việc. Ở vai trò là BTV lên hình, ngoại hình bắt mắt dễ gây thiện cảm với người xem, nhưng sau đó bạn phải chuyển tải được thông tin rõ ràng và chuẩn xác. Khán giả rất tinh ý, nếu vấp váp không đáng kể thì họ sẵn sàng bỏ qua, nhưng nếu sai sót nghiêm trọng thì khó lòng chấp nhận.

Trong ngần ấy năm dẫn chương trình, chị từng để xảy ra sai sót nào nghiêm trọng chưa?

Tôi thường làm chương trình trực tiếp, sự chuẩn bị và tập trung của cả êkip cho mỗi chương trình trực tiếp phải gấp nhiều lần so với chương trình bình thường. Vì thế, ít có sự cố nghiêm trọng. Thế nhưng cẩn thận thế nào cũng có những điều ngoài ý muốn. Tôi nhớ có lần dẫn chương trình đúng hôm bị cảm. Khi đang lên sóng, đọc được nửa câu thì cơn ho ập tới. Không thể kìm được và cũng không thể nói nốt câu, tôi đành cúi gằm mặt xuống, đạo diễn hiểu ý chuyển băng nên không bị ho sù sụ trên sóng. Tức là thông tin đến khán giả chưa trọn vẹn, sẽ khiến người xem chả hiểu tôi nói gì. Đó là “tai nạn” lớn nhất với tôi.

unnamed ()

 

Khi lên hình, chị mang tới hình ảnh một MC nghiêm túc, chỉnh chu, xinh đẹp. Cái giá phải đánh đổi cho hình ảnh đó ở phía sau hậu trường là gì?

Nói cái giá đánh đổi thì hơi nặng, dùng từ hy sinh nhan sắc có lẽ phù hợp hơn. Có thời gian làm chương trình “Sáng phương Nam”, tôi thường xuyên phải trực đêm. Tôi kết thúc kịch bản buổi tối là 11, 12h đêm và sáng 4h hôm sau phải có mặt ở Đài. Đặc thù của công việc phải trang điểm nhiều, lên hình càng phải cẩn thận hơn nên rất tốn thời gian. Tôi còn thường xuyên tranh thủ ngủ lúc được make up. Thế đấy, chứ không phải thảnh thơi đẹp đẽ, lung linh như người khác nhìn thấy trên ti vi đâu.

Công việc này có đặc thù là lên hình nên cũng được nhiều người biết tới, chứ tôi không cho đó là sự nổi tiếng. Vậy nên, chúng tôi hay nói vui với nhau là mình đã bước được một chân vào showbiz. Thế nhưng, tôi xác định là mình làm nghề. Tôi đã trải qua nhiều vị trí trong nghề, bây giờ làm biên tập dẫn chương trình là yêu cầu của công việc, để truyền tải bản tin thôi.

Tôi được sự thông cảm từ gia đình

Chị đã bao giờ cảm thấy mệt mỏi đến nỗi muốn buông bỏ lại tất cả?

Cũng có lúc! Những người làm bản tin như tôi chịu khá nhiều áp lực mỗi lần lên sóng. Bản thân cũng luôn phải chuẩn bị tâm thế phải xử lý bất cứ điều gì có thể xảy ra. Bạn thấy những bản tin trên ti vi hay những sự kiện trực tiếp trên sân khấu chỉn chu như vậy nhưng phía sau đó là vô số thứ phải xử lý như kịch bản, lỗi kỹ thuật, sự cố băng hình… Có cả một êkip “nín thở” chạy cùng chương trình. Chỉ những người làm nghề mới hiểu điều đó. Thế nhưng đây cũng là cái thú vị của nghề. Sau mỗi bản tin hay, mỗi chương trình thành công là tự mình cũng cảm thấy vui và càng có động lực làm việc.

3

 

Có những lúc làm liên tục cũng đuối, muốn buông xuôi lắm, nhưng nghỉ ngơi vài ngày là tôi lại nhớ việc. Được cái, guồng quay này không phải lúc nào cũng như vậy. Có những lúc quay cuồng, nhưng cũng có những lúc thảnh thơi. Có lúc tôi có thể thảnh thơi ngồi café, shopping… trong giờ mà mọi người phải đi làm.

Chị làm việc này vì kinh tế? 

Không hẳn vậy! Công việc truyền hình chỉ đủ để chi phí sinh hoạt bình thường. Những bạn mới vào nghề, họ không dễ thở với đồng lương truyền hình hiện nay, vì đồng lương truyền hình không đủ cho họ sinh hoạt thoải mái. Tôi làm vì cảm thấy mình yêu nghề và tìm được niềm vui trong nghề.

Bởi đàn bà chịu nhiều áp lực, cuộc sống gia đình sẽ khó vui?

Giờ giấc của tôi không ổn định. Những người phụ nữ làm giờ hành chính có thể chiều nào cũng được ăn cơm với gia đình được. Còn tôi thì bập bõm. Tôi phải tự thu xếp sao cho hài hòa nhất. Khi có thời gian, tôi sẽ bù đắp cho gia đình. Quan trọng là tôi có được sự cảm thông từ gia đình, được hiểu và chấp nhận.

Cảm ơn chị!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.