Bát cơm ăn vội giữa… lòng đất
Sau tiếng kẻng hiệu lệnh vang lên báo đến giờ nổ mìn, tích tắc vài phút sau những tiếng rền vang dội lại khiến những người lần đầu vào giữa hầm xuyên núi trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn như chúng tôi thoáng chốc giật mình.
Phía xa, một nhóm công nhân tụ lại, họ bắt đầu "ăn Tết". Đấy là phần cơm canh được các chị nuôi nấu sẵn ở khu lán trại của nhà điều hành mang đến phục vụ cơm chiều. Mỗi người một khay đồ ăn có đầy đủ cơm, canh, thức ăn.
Do bữa cơm chiều ngay giữa hầm số 2 nên không có bàn ghế hay vật dụng gì kê ngồi dùng bữa, các công nhân thi công cao tốc ngồi chồm hổm, một tay bê khay cơm, một tay cầm thìa ăn cơm ngon lành.
Thấy chúng tôi thoáng giật mình vì tiếng nổ lên từ phía xa vọng lại, anh Thuận Văn Ký, phụ trách mảng điện phục vụ thi công hầm số 2 vừa dùng cơm vừa cười phá lên. Anh Ký bảo: Ai cũng vậy cả, lần đầu vào bên trong hầm đúng giờ "giao thừa" nên "pháo" nổ chưa quen. Còn công nhân như anh thì đã quá quen với những bữa cơm kèm theo tiếng rền vang.
Quê ở tỉnh Ninh Thuận, anh Ký cũng như bao đồng nghiệp khác quá quen với hình ảnh cơm công trường, ngủ lán trại. Trước, anh Ký "đóng quân" ở dự án cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo (tỉnh Khánh Hòa). Dự án thi công xong, anh được công ty rút ra phục vụ cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn.
"Bao năm làm việc bản thân đã quen với bữa cơm công trường rồi. Điều giúp tôi gắn bó lâu dài với công ty CP Tập đoàn Đèo Cả là những đãi ngộ tốt, giờ giấc làm việc và tinh thần chuyên nghiệp. Lãnh đạo đơn vị cũng thường xuyên động viên, quan tâm, chia sẻ cả về tinh thần lẫn vật chất nên khi dự án Cam Lâm-Vĩnh Hảo thi công xong thì tôi ra đây ngay. Xa nhà nhưng ở đây có đồng nghiệp và ban lãnh đạo tốt nên cực khổ vẫn bám công trường làm việc", anh Ký tâm sự.
Ngôi cạnh bên, kỹ sư Tống Phước Huế, quê huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tay cầm khay tay giữ thìa. Chàng trai trẻ ăn vội bữa cơm dưới ánh đèn điện vừa đủ sáng để đảm bảo sức khỏe tiếp tục làm việc.
Anh Huế cho hay, ngày thường công trường đông công nhân, nhưng mấy ngày này nhiều công nhân về quê sum vầy cùng gia đình nên công trường chỉ còn khoảng 50% quân số. Ít người nên khá là buồn, song anh em vẫn động viên nhau xong bữa cơm vội thì bắt tay vào làm việc. Giờ là lúc một người làm bằng hai người nên phải cố gắng vượt khó để đảm bảo tiến độ", anh Huế nói.
Đi dọc theo hai ống hầm trái và phải của hầm số 2, hình ảnh những bữa cơm vội giữa công trường trở nên quen thuộc. Những nhóm công nhân ngồi tựa vào nhau dùng cơm, chia sẻ với nhau trái ớt, thìa canh giữa lòng đất trong niềm vui riêng của đời công nhân.
Gác lại chuyện gia đình vội vã vào ca
Buổi trò chuyện với những công nhân đoạn tầm 15 phút thì cũng là lúc họ dùng xong bữa cơm rồi vội vã vào ca, thoáng chốc một nhóm công nhân khác bước đến, họ chọn những khay cơm trong thùng để ăn. Những ánh mắt tươi vui và cuộc trò chuyện trở nên rôm rả bên bữa cơm công trường.
Anh Trần Thanh Bảo, quê tỉnh Hà Tĩnh vào công trường Quảng Ngãi - Hoài Nhơn gần 1 năm qua chia sẻ: Cuộc sống công trường tất yếu phải khổ cực. Nhưng đã xác định làm việc phải có trách nhiệm. Một phần anh em về quê ăn Tết nên những công nhân như chúng tôi ở lại công trường phải làm việc trách nhiệm hơn nhằm đảm bảo đầu việc.
Bê khay cơm trên tay với đầy đủ thức ăn gồm thịt kho, trứng luộc, cá kho, rau và canh, anh Bảo nói phía nhà ăn chăm lo bữa cơm rất chu đáo và đúng giờ nên không quá lo. "Thực sự phần cơm như này là quá đủ đầy. Dù bữa cơm bưng canh húp nhưng rất yên tâm làm việc. Hôm qua tôi có điện thoại về nhà để trò chuyện với vợ con để vợ hiểu và cảm thông. Ai cũng về quê thì công trường sẽ thế nào nên tôi cùng các công nhân khác tình nguyện ở lại làm việc. Mình gác niềm vui riêng lại để công việc trôi chảy rồi sau đó về thăm gia đình sau", anh Bảo mộc mạc nói..
Bên trong 3 tuyến hầm xuyên núi, những công nhân như anh Bảo, anh Ký vẫn tất bật với công việc sau bữa cơm. Họ không về quê mà quyết bám công trường vì tiến độ thi công của công trình trọng điểm quốc gia.
Có hơn 40 năm kinh nghiệm lái máy khoan đá bên trong hầm sâu, công nhân Nguyễn Đức Tín, quê Hà Nội nói: Từng ấy thời gian làm việc ở hàng trăm công trình khắp cả nước, anh có hơn phân nửa những mùa Tết bám công trường làm việc. Thế nên với anh chuyện ăn Tết ở công trường đã quá đỗi quen thuộc.
"Dự án đang cần gấp đua tiến độ, bản thân mỗi máy khoan chỉ có hai người điều khiển, nếu mình bỏ việc về quê ăn Tết thì ai sẽ làm việc, rồi tiến độ dự án sẽ ra sao. Công ty chăm lo tốt về lương bổng, phúc lợi thì mình cũng phải có trách nhiệm với công ty, với dự án", anh Tín chia sẻ.
Bữa cơm vội vã ngày nghỉ Tết ngay trên công trường hầm cao tốc. Bước chân của những công nhân lại bước vội để tiếp tục với công việc của mình. Niềm vui lớn của những công nhân này là thấy tuyến cao tốc từng ngày nên hình nên hài.
Tập đoàn Đèo Cả huy động tăng ca, kíp thi công cả ngày đêm để đẩy nhanh tiến độ dự án. Đặc biệt, đối với 2 tuyến hầm số 1 và số 2 sau khi được đào thông đã được huy động tối đa lực lượng xử lý các khâu cần thiết để làm đường công vụ và hoàn thiện việc thi công bước còn lại của hầm.
Đến nay, 2 trong số 3 hầm xuyên núi trên cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn đã được đào thông. Công tác thi công hoàn thiện cả hai hầm được phía Tập đoàn Đèo Cả gấp rút thực hiện. Đối với hầm số 3 công tác khoan núi đạt khoảng 900/3.2000m cho cả hai ống hầm.
Kỹ sư Trần Hữu Nghĩa, Chỉ huy trưởng công trình hầm số 2 cho biết, ban điều hành biết những ngày này huy động anh em công nhân bám công trường làm việc là chuyện chẳng đành, nhưng vì công trình trọng điểm quốc gia và vì tiến độ dự án nên qua động viên nhiều công nhân tình nguyện ở lại công trường. Vì thế, tiến độ và khối lượng các đầu việc vẫn trôi chảy, đảm bảo kế hoạch và sản lượng đề ra.
"Những ngày này ban điều hành chỉ đạo anh em công nhân luân phiên thay ca để vừa làm việc vừa vui Tết. Phương châm việc chạy và công nhân vẫn đón được Tết", anh Nghĩa chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận