Trong bối cảnh internet phát triển, việc bảo vệ tác quyền âm nhạc trên môi trường số trở thành vấn đề nhức nhối khi mỗi ngày, tình trạng vi phạm bản quyền vẫn diễn ra tràn lan.
Hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM (gọi tắt là MCM) ra đời từ sự khát khao làm sao để các nhạc sĩ có thể sống được bằng nghề, bảo vệ được những đứa con tinh thần của mình. MCM là hệ thống mà nhạc sĩ Lê Minh Sơn cùng những người cộng sự của mình đã tìm tòi, nghiên cứu suốt 3 năm.
Hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM chỉ gắn liền với trực tuyến
Ứng dụng công nghệ bảo vệ bản quyền
Trong buổi ra mắt MCM tại Hà Nội vào ngày 22/2, Lê Minh Sơn cho biết anh bức xúc trước thực trạng các sáng tạo của những người đồng nghiệp cũng như của chính anh bị xâm phạm. “Tôi đã nghĩ, chỉ có công nghệ kết hợp với trái tim và sự nhân văn mới giải quyết được sự tôn trọng dành cho nghệ sĩ”, tác giả của “Chuồn chuồn ớt” chia sẻ.
Theo đó, MCM sử dụng 2 công nghệ” Bảo vệ bản quyền Sigma DRM và Đánh dấu bản quyền Sigma Watermarking.
Công nghệ Sigma DRM tiến hành mã hóa tất cả các bản nhạc, cấp khóa giải mã mỗi khi sử dụng tác phẩm. Mỗi lần cấp khóa, hệ thống sẽ đếm như một lần sử dụng tác phẩm. Việc cấp khóa cho mỗi lần sử dụng có thể ví như một lần xin phép sử dụng tác phẩm. Theo phía MCM, đó là nền tảng để minh bạch số lần sử dụng khi tác phẩm được phân phối trên môi trường internet.
Công nghệ Sigma Watermarking được dùng để đánh dấu (ký số) khi muốn phân phối hay phái sinh một tác phẩm âm nhạc. Từ đó, các tác giả có thể truy vết để dễ dàng kiểm tra nguồn gốc, theo dõi việc phân phối, sử dụng tác phẩm.
Phía MCM khẳng định, giải pháp công nghệ giúp đảm bảo 3 yếu tố là bảo vệ, minh bạch và truy vết khi cung cấp một tác phẩm âm nhạc trên môi trường internet. Công nghệ này sẽ mang tới sự minh bạch về lượt sử dụng tác phẩm, giúp các tác giả biết được đầy đủ các số liệu như thống kê lượt nghe, nền tảng đã phát... Từ đó, các nhạc sĩ có thể dễ dàng theo dõi được lượt sử dụng và doanh thu.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn (giữa) khẳng định, MCM không cạnh tranh với ai
Nhạc sĩ có quyền lợi gì?
Theo ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng Giám đốc Thủ Đô Multimedia – đơn vị đồng hành thực hiện MCM với nhạc sĩ Lê Minh Sơn, việc phát triển và ứng dụng công nghệ sẽ giúp các nhạc sĩ đảm bảo quyền lợi kinh tế, thúc đẩy nền âm nhạc nước nhà phát triển. Điều này phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế khi hầu hết hiện nay đều ứng dụng công nghệ vào việc quản lý, bảo vệ các tác phẩm.
Trước câu hỏi về khác biệt so với những hệ thống quản lý bản quyền trên thị trường, cũng như so với những đơn vị bảo vệ bản quyền âm nhạc khác, ông Hân cho biết, nền tảng của MCM chỉ gắn liền với trực tuyến.
MCM tập trung vào những hướng như: hướng đến các khách hàng có nhu cầu nghe nhạc trực tuyến; Sử dụng các tác phẩm âm nhạc ứng dụng cho lĩnh vực trực tuyến karaoke, online; đưa ra các giải pháp phù hợp với từng cách phân phối.
"Về tỷ lệ trả về cho các đơn vị sở hữu tác phẩm, chúng tôi đề xuất giữ lại 20% và 80% trả lại cho các đơn vị có quyền liên quan”, ông Hân thông tin.
Trong khi đó, nhạc sĩ Lê Minh Sơn khẳng định ở vai trò cũng là nhạc sĩ, nhà sản xuất, anh hiểu tâm tư của các tác giả. Do đó, anh muốn nâng niu những "đứa con tinh thần" của những người nhạc sĩ.
Anh nhấn mạnh: “Chúng tôi không cạnh tranh với ai mà MCM sinh ra để mang lại quyền lợi cho mọi người. Chúng ta có quyền sáng tạo và quyền sáng tạo phải được ghi dấu ấn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận