Bụi mịn có trong khí thải ô tô, xe máy
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường và tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM), hoạt động giao thông chiếm tỷ lệ phát thải cao nhất tại TP.HCM. Cụ thể: Hoạt động giao thông chiếm đến: 99% trong tổng phát thải CO toàn TP.HCM; chiếm 97% NMVOC (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi không chứa metan); 93% NOx (khí thải hình thành từ quá trình đốt khí Nitơ); 78% SO2 (lưu huỳnh điôxit); 46% bụi; 64% CH4 (metan).
Trong đó, xe gắn máy là phương tiện phát sinh khí thải gây ô nhiễm không khí nhiều nhất với 90% lượng CO, 65,4% NMVOC, 37.7% bụi (bao gồm cả bụi mịn PM2.5) và 29% NOx.
Tại Hà Nội cũng từng ghi nhận ô nhiễm môi trường chủ yếu do bụi mịn PM2.5, có những ngày vượt quá giới hạn so với tiêu chuẩn cho phép.
Một khảo sát của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) cũng chỉ ra rằng, trong 6 nguồn gây ô nhiễm không khí của Hà Nội thì xe máy và ô tô chiếm tới 70% lượng chất độc thải môi trường. Phần lớn lượng khói bụi độc hại phát thải ra môi trường không khí của thành phố bắt nguồn từ hàng triệu chiếc xe máy cũ nát đang ngày ngày lưu thông trên đường.
Theo các chuyên gia môi trường, bụi mịn được tạo ra từ quá trình đốt nhiên liệu trong động cơ xe và là thành phần chính của khí thải từ xe máy, xe ô tô. Tại các thành phố lớn, việc phải thường xuyên tiếp xúc với bụi mịn từ khí thải của xe ô tô, xe máy là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là vào các giờ tan tầm. Bất kể xe chạy bằng gì, xe ô tô hay xe máy cũng phát tán trong không khí hàng triệu hạt mịn với đường kính nhỏ hơn 10 micron (PM10) và 2,5 micron (PM2.5). Bên cạnh bụi mịn, trong khí thải của xe còn chứa khá nhiều các chất ô nhiễm, chất hại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Bụi mịn gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe
ThS.BS Mai Mạnh Tam, Phó Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, dẫn các nghiên cứu cho thấy bụi mịn PM2.5 là nguyên nhân gây ra gần 4 triệu ca tử vong trên toàn cầu do bệnh về tim mạch, nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh phổi mạn tính, ung thư, sinh non... Phơi nhiễm ngắn hạn với PM10 có thể làm nặng thêm các bệnh về đường hô hấp mạn tính, bao gồm hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Người lớn tuổi mắc bệnh tim hoặc bệnh phổi mạn tính (COPD, hen suyễn), trẻ em, trẻ sơ sinh là nhóm có nhiều khả năng bị ảnh hưởng xấu nhất đến sức khỏe khi tiếp xúc với PM10 và PM2.5.
Ngoài ra, bụi mịn còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh bởi nhiều hạt bụi mịn có chứa các chất hóa học độc hại như kim loại nặng, hợp chất hữu cơ và các chất gây ung thư. Khi hít phải bụi mịn, chúng có thể xâm nhập vào hệ thần kinh và gây ra tác động tiêu cực lên hệ thần kinh. Từ đó, gây ra các vấn đề về sức khỏe như giảm chức năng thần kinh, ảnh hưởng tới sự phát triển và học tập cũng như tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hệ thần kinh (đau nửa đầu, trí nhớ giảm sút, mờ mắt...).
Bụi mịn cũng có thể gây tác động lên hệ miễn dịch, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và các vấn đề liên quan đến miễn dịch; đồng thời có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác nhau.
Bụi mịn xuất hiện nhiều vào các giờ cao điểm như 7h - 8h và 18h - 19h. Lượng bụi cũng phụ thuộc lớn vào sự di chuyển của các phương tiện giao thông. BS Tam khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài vào các khung giờ cao điểm, di chuyển vào khu vực có thi công, lưu lượng giao thông đông đúc; hoặc khi cần thiết phải tham gia giao thông cần đeo khẩu trang chống bụi mịn… Việc giảm thiểu lượng bụi mịn trong khí thải của ô tô và xe máy là một việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe con người và cải thiện chất lượng không khí.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận