Biết tin căn nhà cũ của cố nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ nổi tiếng “Màu tím hoa sim” ở thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đã xuống cấp nghiêm trọng, ngay cả lãnh đạo huyện cũng giật mình, còn người hâm mộ thi sĩ thì không tránh khỏi tiếng thở dài xót xa…
Ngày đêm lên núi lấy đá, thồ đất sét về đắp nhà
Những ngày cuối tháng 7, PV Báo Giao thông ghé về thăm ngôi nhà của cố nhà thơ Hữu Loan. Trong con hẻm nhỏ, dưới những tán cây rợp bóng mát là 2 ngôi nhà một mới, một cũ. Căn nhà cũ do chính tay nhà thơ Hữu Loan cùng vợ con xây dựng cách đây hơn 60 năm nằm ở bên phải cổng ngõ đi vào và một căn nhà mới được Hội Văn học nghệ thuật tài trợ xây dựng từ năm 1992.
Kê mấy chiếc ghế ngoài sân, người con trai thứ tư của cố thi sĩ là ông Nguyễn Hữu Vũ (60 tuổi) tâm sự: “Nhà giờ không ai ở cả, chỉ có ngày rằm hay mùng một và lễ lạt thì xuống quét dọn, thắp hương lên bàn thờ”.
Theo ông Vũ, nhà thơ Hữu Loan có 10 người con (4 trai, 6 gái). Là người con thứ tư và cũng là người con trai thứ 2 trong gia đình, ông Vũ không bao giờ quên được tuổi thơ vất vả, khốn khó và hình ảnh bố mẹ lầm lũi kiếm gạo nuôi con. Chỉ về chiếc cối đá nằm ở góc sân, ông Vũ kể: “Để làm chiếc cối này, bố tôi phải lên núi chọn được hòn đá to mang về đục đẽo làm thành để giã gạo cho mẹ tôi lấy bột tráng bánh mang đi bán. Ngày đó khốn khó vô cùng, nhà đông anh em nên bố mẹ rất vất vả”.
“Sau khi về quê, bố làm nghề thồ đá, đẩy xe cút kít rồi xúc tép mang đi bán cùng mẹ nuôi 10 anh em tôi. Dựng được ngôi nhà này, bố tôi ngày đêm lên núi lấy đá, thồ đất sét về đắp mà thành. Cái nhà 8 mái một mình bố làm, một mình bố dựng, tường bao đắp bằng đất sét hết. Nhà nhỏ nhưng có 12 người ở nên cũng chật chội. Hiện nay, ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng nhiều người về đây nói là không được phá, cần phải được giữ lại để bảo tồn làm kỷ niệm”, ông Vũ hồi tưởng.
Dạo một vòng quanh ngôi nhà cũ, PV ghi nhận chỉ còn lại gian nhà phía cửa chính vẫn còn nguyên màu đỏ, mái gác. Còn mái ngói ở hai gian nhà bếp đã bị sập, trơ trọi những bức tường. Cột, kèo, ô cửa sổ do ngày xưa làm bằng tre nên đã bị mối mọt, những lớp đất sét dưới móng cũng dần bị bong tróc. Ngoài vườn, giếng nước, bể chứa được phủ kín bởi cỏ cây. “Một số đồ dùng của bố tôi ngày xưa được đưa ra Bảo tàng Văn hóa nghệ thuật lưu giữ nên hiện nay ngoài căn nhà cũ với vườn cây, ao cá bố mẹ để lại cùng vài tấm ảnh kỷ niệm thì chẳng còn thêm thứ gì”, ông Vũ cho biết thêm.
Theo ông Vũ, căn nhà mới do Hội Văn học - Nghệ thuật xây tặng từ năm 1992 cho gia đình sinh sống giờ là nơi đang thờ phụng cố nhà thơ Hữu Loan cùng 2 người vợ nhưng cũng đã rêu phong, ngả màu.
Nên bảo tồn “di sản” Màu tím hoa sim
Ông Vũ chia sẻ, nhà đông con lại rất nghèo, nhưng cha ông luôn cố gắng cho các con ăn học, dù bản thân phải chịu khổ cực, vất vả. Thuở sinh thời, nhà thơ Hữu Loan cho cả 10 người con đi học lấy cái chữ, với mong ước các con sau này đỗ đạt thành người.
“Trong nhà có anh trai đầu Nguyễn Hữu Cương học rất giỏi thi đỗ đi học Liên Xô nhưng không hiểu vì sao lại không nhận được giấy báo nhập học, đành bỏ dở ước mơ về trồng cao su ở miền Nam. Chị gái thứ hai đỗ sư phạm cũng không có thông báo nên bố tôi lên tận Ty giáo dục tìm và mang giấy báo về cho chị. Sau đó, chị được nhận làm giáo viên ở huyện Nga Sơn, hiện đã nghỉ hưu. Còn tôi, chỉ học hết lớp 7, vì hoàn cảnh khó khăn nên đã lên Điện Biên làm thuê gửi tiền về cho mẹ nuôi các em ăn học. 10 anh chị em có người làm cán bộ, có người lao động tự do, buôn bán nhưng không có ai theo nghiệp bố. Các cháu nội ngoại học văn rất tốt nhưng cũng chỉ thi thoảng đọc vài câu thơ cho vui chứ không viết, không đăng ở đâu cả”, ông Vũ nói.
Được biết, trong số 10 người con của nhà thơ Hữu Loan, anh Nguyễn Hữu Đán (SN 1969, con thứ 8 trong gia đình) là người thành đạt nhất. Tốt nghiệp PTTH, anh ở nhà mở xưởng cơ khí đỡ đần bố mẹ và các anh em. Sau 5 năm làm thợ, anh ôn thi và đỗ vào trường kiến trúc. Bây giờ, anh đã có cả một cơ ngơi và là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Việt.
Khi con cái trưởng thành, có điều kiện muốn làm mua sắm mọi thứ, để bù đắp cho cả cuộc đời thiếu thốn của bố mẹ, nhưng ông Vũ vẫn nhớ, bố mình đã quen dành dụm, chắt chiu, đã quen khổ cực, nên không cho con cái mua sắm, sửa sang gì. “Chú Đán cũng có ý định sưu tầm các kiến trúc để sau này dựng lại ngôi nhà cho ông bà - nơi mà chúng tôi sinh ra nhưng quan điểm của tôi nếu làm thì làm rất đơn giản, vì lúc sống bố tôi không thích phô trương”, ông Vũ cho hay.
Ông Ngô Trường Sơn, Chủ tịch UBND xã Nga Lĩnh, cũng là hàng xóm của cố nhà thơ Hữu Loan cho hay: “Ngày trước, khi cụ còn sống, tôi thường đi qua nhà và được cụ tặng báo Văn nghệ về đọc. Cụ sống rất chan hòa với bà con xóm làng. Bây giờ cụ mất rồi nên căn nhà do người con trai thứ 2 trong gia đình - anh Vũ trông nom vì anh ấy hiện đang làm chủ một công ty may ở trong xã. Do công việc bận rộn nên cứ đến ngày lễ hay có khách thì anh mới xuống quét dọn”.
“Ngày xưa lúc nhỏ tôi hay sang nhà cụ chơi. Lúc đó, ngôi nhà làm đắp bằng vách đất, mái tranh trông liêu xiêu lắm. Cụ cứ chắt góp từng tảng đá một để xây tường, gặp cụ lúc nào cũng vui. Đến những cuối năm 1980 thì dân cư dần đông, mở rộng về phía núi nên cụ mới sửa sang trên nền đất cũ dựng mấy bức tường, lợp mái ngói. Rồi đến năm 1992 mới có ngôi nhà bằng này”, ông Ngô Trường Sơn nhớ lại.
Đề cập đến việc cần thiết phải bảo lưu, trùng tu thành ngôi nhà tưởng niệm cho nhà thơ Hữu Loan - người đã để lại những tuyệt tác và ảnh hưởng rất lớn trong nền thơ ca Việt Nam thì Chủ tịch xã Nga Lĩnh cho rằng: “Chính quyền cũng rất mong muốn nhưng kinh phí không có. Nếu huy động được nguồn vốn hoặc có ai tài trợ thì nên xây nhà tưởng niệm cụ hoặc phục dựng lại căn nhà ngày xưa để làm điểm thăm viếng”.
Khi mang vấn đề này trao đổi với ông Trần Ngọc Quyết - Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn, ông Quyết tỏ ra bất ngờ: “Trước tôi xuống thì chưa thấy vấn đề gì. Mà anh em ở Phòng Văn hóa cũng không thấy báo cáo, tham mưu về căn nhà cũ của cụ. Nếu đúng thực trạng như vậy, tôi sẽ kiểm tra lại. Con cháu của cụ giờ trưởng thành và thành đạt lắm, để tôi nói chuyện với các con của cụ nên trùng tu lại. Ở Nga Sơn rất nhiều điểm đến du lịch như Động Từ Thức, đền thờ Mai An Tiêm, Chùa Vân Hoàn…Việc phục dựng hay trùng tu lại căn nhà cũng là ý tưởng rất hay vì du khách có thể vừa đi du lịch tâm linh vừa đến thăm nơi ở của nhà thơ Hữu Loan”.
Trong khi đó, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Nhà của nhà thơ Hữu Loan không phải là nhà cổ, di tích, không bị chi phối bởi Luật Di sản nên Sở cũng không thể áp dụng Luật Di sản để trùng tu tôn tạo được. Nếu nhà của cụ giờ xập xệ quá thì chính quyền địa phương có đề xuất, kiến nghị lên tỉnh. Chính quyền địa phương phải làm việc này”.
Màu Tím Hoa Sim
Tác giả: Hữu Loan
Nàng có ba người anh
Đi bộ đội
Những em nàng còn chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh.
Tôi là người chiến binh
Xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới,
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân,
Nàng cười xinh xinh
Bên anh chồng độc đáo.
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi!
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng đời chiến chinh
Mấy người đi trở lại
Lỡ khi mình không về
Thì thương người vợ chờ
Bé bỏng chiều quê ...
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con
Đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương
Tàn lạnh vây quanh ...
Tóc nàng xanh xanh
Ngắn chưa đầy búi
Em ơi!
Giây phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được trông thấy nhau một lần.
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa một mình
đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa...
Một chiều rừng mưa
Ba người anh
Trên chiến trường Đông Bắc,
Biết tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng.
Gió sớm thu về
Rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió thu về
Cỏ vàng chân mộ chí.
Chiều hành quân
Qua những đồi sim ..
Những đồi hoa sim ...,
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa.
Áo tôi sứt chỉ đường tà,
Vợ tôi chết sớm mẹ già chưa khâu
Bài thơ Màu Tím Hoa Sim, viết để khóc người vợ đầu tiên của nhà thơ Hữu Loan là Lê Ðỗ Thị Ninh, được nhà thơ Nguyễn Bính công khai cho đăng trên Trăm Hoa ở Hà Nội năm 1956, sau nhiều năm được truyền miệng. Ngoài Màu Tím Hoa Sim, bài Hoa Lúa của ông cũng là một bài thơ tình được ưa thích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận