Văn hóa - Giải Trí

Bùng nhùng cấp phép ca khúc trước năm 1975

17/04/2017, 08:21

Trang web của Cục Nghệ thuật biểu diễn công bố danh sách 2.591 bài hát trước năm 1975 được cấp phép nhưng

18

Cơ chế xin phép tổ chức một chương trình nghệ thuật có yếu tố hải ngoại hoặc có ca khúc trước năm 1975 đang gây khó cho đơn vị tổ chức biểu diễn (Trong ảnh: Biểu diễn tiết mục sáng tác trước năm 1975 trong chương trình “Solo cùng Bolero”)

Cá nhân hay tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cần Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đưa ra được Danh mục ca khúc được phép phổ biến hoặc Danh mục ca khúc bị cấm để thuận tiện trong quá trình sử dụng. Chuyện tưởng như đơn giản nhưng đã không được thực hiện đầy đủ trong nhiều năm qua, chưa kể những thủ tục rườm rà và nhiều kẽ hở phát sinh tiêu cực.

Một bài hát cấp phép nhiều lần, một chương trình cần 3 hồ sơ

Trước đây, ngoài Cục NTBD, Nhà xuất bản Âm nhạc và các Sở VH,TT&DL/Sở VH-TT địa phương (sau đây gọi chung là Sở VH) cũng có quyền cho cấp phép phổ biến các ca khúc trước năm 1975. Tuy nhiên, từ tháng 1/2013, khi Nghị định 79/2012 quy định về biểu diễn nghệ thuật có hiệu lực, toàn bộ thẩm quyền cấp phép ca khúc trước năm 1975 và các ca sĩ hải ngoại thuộc về Cục NTBD.

Hiện tại, trên trang web của Cục NTBD đăng tải danh sách 2.591 bài hát trước năm 1975 được cấp phép. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn, một số đơn vị tổ chức sản xuất biểu diễn cho hay, danh mục các ca khúc được cấp phép phải nhiều hơn số đó. Điều này dẫn đến bất cập, một bài hát xin cấp phép đi cấp phép lại nhiều lần. Nhiều trường hợp đơn vị A xin cấp phép cho ca khúc “B”, tuy nhiên, trên web của Cục NTBD chưa cập nhập tên bài hát đó. Khi các đơn vị khác tổ chức chương trình, cần sử dụng ca khúc “B”, họ lại phải làm hồ sơ xin cấp phép từ đầu. Điều đáng ngạc nhiên là: Cục NTBD lại vẫn tiếp nhận hồ sơ để rồi tiếp tục cấp giấy phép. Và trên trang web của cục này vẫn không cập nhật ca khúc “B” đã cấp phép.

Cho nên, một tình trạng bao năm nay vẫn diễn ra: Nhiều đơn vị tổ chức chương trình nghệ thuật biểu diễn gửi hồ sơ xin phép Sở VH, các ca khúc trong chương trình được Sở VH rà soát có trực thuộc danh sách được phổ biến hay không. Việc này khiến Sở VH phải gửi văn bản nhiều lần thông báo về ca khúc này được phổ biến, ca khúc kia không, gây lãng phí thời gian và công sức của cơ quan quản lý cũng như đơn vị, doanh nghiệp.

Không những rườm rà, thiếu minh bạch về các ca khúc được cấp phép trước năm 1975, ngay đến xin phép tổ chức một chương trình nghệ thuật có yếu tố hải ngoại hoặc có ca khúc trước năm 1975 (chưa có trong 2.591 ca khúc được cấp phép trên trang web của Cục NTBD) cũng phải tiến hành làm đến 3 hồ sơ: Hồ sơ xin phép được tổ chức chương trình tại địa phương; Hồ sơ xin phép cho nghệ sĩ vào Việt Nam biểu diễn của Cục NTBD (dù ca sĩ đó vẫn có giấy phép biểu diễn còn thời hạn trong lãnh thổ Việt Nam); Hồ sơ xin cấp phép ca khúc trước năm 1975 của Cục NTBD. Theo luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình, thủ tục cấp phép hiện nay rõ ràng là nhiêu khê, tức tồn tại cơ chế xin-cho. Cơ chế này không những gây khó khăn, rắc rối cho đơn vị biểu diễn mà còn không đúng với tinh thần cải cách hành chính của nhà nước.

Cần thay đổi quy chế cấp phép cho bớt rườm rà

Theo quy định tại Điều 29, Phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu thuộc Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016-NĐ-CP của Chính phủ, một bài hát trước năm 1975 được phổ biến tại Việt Nam phải có cá nhân/tổ chức làm hồ sơ đề nghị. Trên cơ sở đó, Hội đồng thẩm định và Cục NTBD sẽ xem xét, trả lời. Chính vì thế, nếu bài hát “A” cho dù mọi người biết, từng được vang lên ở đâu đó nhưng không có cá nhân/đơn vị nào làm đơn đề nghị cấp phép, Cục NTBD không có sơ sở cấp phép phổ biến.

Điều này dẫn đến chuyện bi hài: Không có bài hát nào của nhạc sĩ Văn Cao có trong danh sách cấp phép của Cục NTBD. Hay như 4 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như: Nối vòng tay lớn, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Ca dao mẹ và Đêm thấy ta là thác đổ và bài Lên đàng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước hiện là bài hát chính thức của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cũng không có trong danh sách cấp phép.

Trước năm 1975, bài hát cũng được kiểm duyệt

Ông Phan Phương, Trưởng Ban hội viên Trung tâm Bảo vệ quyền Tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, việc kiểm duyệt đã có từ thời các Chính phủ: Chính phủ Bảo hộ (trước năm 1945), Chính phủ Trần Trọng Kim (tháng 3 - 8/1945), Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa (tháng 9/1945- tháng 12/1945), Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa (từ tháng 1/1946), Chính phủ Quốc gia Việt Nam (từ năm 1948 - 1955), Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (từ năm 1955 -1975). Tất cả chỉ kiểm duyệt (cấp phép) một lần, sau đó tác phẩm được tự do sử dụng chỉ việc trả tiền bản quyền cho tác giả.

Phạm Lý

Ông Phan Phương, nguyên phụ trách văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hiện là Trưởng Ban hội viên Trung tâm Bảo vệ quyền Tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết, việc kiểm duyệt các bài hát là cần thiết. Tuy nhiên, hiện thủ tục cấp phép rất rườm rà, gây mất thời gian công sức cho những đơn vị/cá nhân cần sử dụng tác phẩm. Cụ thể, mỗi chương trình phải kê khai đầy đủ tên tác phẩm, tác giả, mặc dù những bài hát này đã được cấp phép ở các chương trình trước. Trong khi đó, theo Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ tác giả, hoặc chủ sở hữu quyền tác giả mới có quyền cho phép, hay không cho phép sử dụng tác phẩm của họ. Theo ông Phương, cần phải thay đổi quy chế cấp phép, sao cho mỗi tác phẩm kiểm duyệt và cấp phép một lần. Cục NTBD cần phải đưa ra danh mục bài hát bị cấm, công khai minh bạch những nguyên tắc bị cấm.

“Đối với những nhạc sĩ đã được đặt tên phố, được trao tặng các giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước thì những tác phẩm của họ phải được đặc cách miễn cấp phép. Đó là cách xử sự văn minh nhất”, ông Phương nêu ý kiến.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, chúng ta không thể buông lỏng khâu quản lý. Tuy nhiên, Nghị định 79 và sau đó Nghị định 15 có một số điểm chưa phù hợp thực tiễn. Nhiệm vụ của ngành Văn hoá là phải xử lý điều đó sao cho phù hợp với thực tiễn, theo hướng đơn giản hóa nhất cho tác giả trên tinh thần vì lợi ích và nhu cầu của tác giả cũng như công chúng, đồng thời phát huy hiệu quả công các quản lý của ngành.

Trước những vấn đề dư luận đặt ra, ông Lê Minh Tuấn, Phó cục trưởng Cục NTBD cho biết, cục sẽ tiếp thu các ý kiến sau đó có những tổng hợp đánh giá để báo cáo với lãnh đạo Bộ VH,TT&DL trong việc quyết định có sửa các văn bản pháp luật hay không.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.