Sau khi các gameshow giải trí, thi tài năng dần trở nên bão hòa, các nhà sản xuất buộc phải tìm hướng đi khác. Từ đây, nhiều chương trình chuyển hướng, bắt đầu khai thác vấn đề tâm sinh lý của trẻ em và lứa tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, mọi vấn đề nêu ra có được giải quyết trọn vẹn hay chưa lại là chuyện khác.
Thổ lộ những điều chưa nói
Bước lên trên “Bục dũng khí” giữa sân trường trong chương trình “Thiếu niên nói”, Hồng Phúc (lớp 11, trường THCS - THPT Tư thục Hồng Đức, TP HCM) dũng cảm tâm sự về giới tính thật của mình. Phúc nói đã thú nhận giới tính với ba mẹ nhưng họ chưa chấp nhận thực tế này, thậm chí có phản ứng gay gắt.
Nam sinh bối rối xin lỗi ba vì có lẽ cậu không giống người con mà ông mong đợi, cậu biết mình đã làm ba thất vọng và buồn. Nhưng, Phúc muốn nói ra để ba hiểu và thông cảm rằng đó chính là con người thật của cậu, và “chờ một ngày con trưởng thành, con sẽ khiến ba tự hào vì chính con người của con. Con muốn nói con yêu ba mẹ nhất trên đời”. Thế nhưng, ba mẹ của Hồng Phúc không có mặt để trực tiếp nghe chia sẻ của con, nên không ai biết phản ứng của ba mẹ cậu sẽ thế nào khi con thẳng thắn “bước ra ánh sáng” trước bạn bè và khán giả truyền hình.
Còn ở chương trình “Tôi tuổi teen”, bé Minh Thi (15 tuổi) khóc nghẹn khi kể chuyện bản thân cảm thấy không được ai trong gia đình lắng nghe, không được đối xử công bằng và không được yêu thương bằng người em song sinh của mình. “Dù mẹ nói thương hai đứa như nhau nhưng không phải. Nói chuyện bình thường, Việt Thi (em của Minh Thi) có thể buôn chuyện nửa tiếng với mẹ, nhưng em có việc gấp lắm mới gọi cũng chỉ được 3 giây, 10 giây. Khi em muốn nói chuyện với mẹ, mẹ lại bảo “Lúc khác nói, giờ mẹ có việc”, Minh Thi bật khóc. Thậm chí, cô bé từng có lúc nghĩ quẩn. Ở trong một phòng riêng, mẹ của Minh Thi theo dõi lời của con bộc bạch qua màn hình cũng không kìm được nước mắt.
Đó chỉ là hai trong rất nhiều câu chuyện trong những chương trình gây chú ý thời gian qua như “Thiếu niên nói”, Tôi tuổi teen”, “Điều con muốn nói”… Có thể nói, sau hàng loạt gameshow, truyền hình thực tế về tài năng cho trẻ như “Giọng hát Việt nhí”, “Thần tượng âm nhạc nhí”, “Thử tài siêu nhí”… gây tranh cãi và khiến người xem dần ngao ngán thì những chương trình này như một “làn gió mới” cho các format đang dần trở nên nhàm chán. Đây đều là những talkshow, chương trình với người tham gia là các em nhỏ trong độ tuổi vị thành niên để họ có thể bộc lộ cảm xúc, tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, ước mơ của mình với người lớn và bè bạn.
Dễ nhận thấy, những chương trình khai thác tâm sinh lý tuổi mới lớn không dễ “câu khách” và có rating cao như các chương trình giải trí thông thường. Bởi, đây là dạng chương trình có đặc trưng hướng tới đối tượng cụ thể và đối tượng quan tâm cũng dễ được phân chia. Tuy nhiên, nhiều tập của “Tôi tuổi teen” khi được đăng tải trên các nền tảng YouTube, Facebook đều thu hút lượng người quan tâm, tương tác khá lớn, có những tập đạt trên 1,2 triệu lượt xem. “Thiếu niên nói” của Cát Tiên Sa cũng ghi nhận có những đoạn chia sẻ của người tham gia đạt hơn 4 triệu lượt xem.
Đừng khơi vấn đề rồi để đó
Sự ra đời của các format “để nhân vật được nói” trước mắt đều nhận được hiệu ứng tích cực. Dưới mỗi số phát sóng của chương trình được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, khán giả đều để lại bình luận cho biết, thông qua các cuộc trò chuyện tâm sự của nhân vật, họ có thể thấy mình đâu đó và từ đó, có cơ sở để gắn kết tình cảm gia đình. Đây cũng là điều mà Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Phó viện trưởng Viện Việt Nam bách nghệ thực hành đánh giá cao.
TS. Hòa An cho rằng, những chương trình có thể là cầu nối để ba mẹ và con cái hiểu nhau nhiều hơn, ba mẹ lắng nghe con cái và qua đó truyền tải những thông điệp tốt tới xã hội. Đồng thời, còn động viên những người khác cũng nên học tập, nói ra mọi điều và không giữ trong lòng các phiền muộn, tránh nảy sinh ý nghĩ tiêu cực.
Tuy nhiên, vị tiến sĩ tâm lý cũng cho rằng, hiện tại, có chương trình chỉ mời nghệ sĩ tham gia để thu hút khán giả chứ chưa có sự phân tích sâu của những nhà chuyên môn liên quan tới tâm lý giáo dục. Điều này dễ thấy ở chương trình “Thiếu niên nói”: Có nhiều chia sẻ được giải quyết ngay trong chương trình từ người trong cuộc, những cũng có những “lời dũng khí” được các em nhắn gửi nhưng phụ huynh không có mặt, cũng không có chuyên gia tâm lý để phân tích tình huống, đưa ra góp ý chuyên môn nên chưa tạo được sự tin cậy.
“Các chương trình không nên chỉ khơi gợi câu chuyện rồi để đó mà nên có hướng giải pháp để xử lý vấn đề. Nên có một hội đồng chuyên môn về tâm lý để nhìn nhận ở góc độ chuyên môn, đúc kết thông điệp về giáo dục sâu sắc hơn”, TS. Hòa An nhận định. Ngoài ra, theo vị tiến sĩ, nên có ban cố vấn trong và hậu chương trình để giúp ổn định tâm lý của những người tham gia.
Bà Phương Thanh, đại diện Đông Tây Promotion - đơn vị sản xuất chương trình “Tôi tuổi teen” đồng ý cần có chuyên gia tâm lý để các lời khuyên có chất lượng hơn. Chuyên gia sẽ là người phân tích nội dung dưới góc độ chuyên môn, mang cái nhìn khách quan và giúp người trong cuộc không bị cảm xúc dẫn tới hướng lệch lạc. Bà Thanh cho rằng, lứa tuổi teen thường nhạy cảm và hay nghĩ mình là người bất hạnh, có xu hướng làm quá cảm xúc nên cần có sự phân tích chuyên môn để các em và các bậc cha mẹ hiểu được vấn đề.
Bà Thanh cũng thừa nhận, làm chương trình khai thác tâm sinh lý tuổi dậy thì không dễ, bởi không phải ai cũng dám nói trước khán giả truyền hình những điều giữ mãi trong lòng. Nhà sản xuất phải chắt lọc những nhân vật có phẩm chất tốt, không quá gai góc bởi nếu không làm cẩn thận, có thể mang tới cảm xúc tiêu cực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận