Thế giới

Bùng phát biểu tình ở Thái Lan, kịch bản giống Hong Kong có xảy ra?

14/01/2020, 07:29

Cuộc biểu tình của hàng nghìn người tại Thái Lan phản đối chính quyền quân quản và đòi thúc đẩy tự do chính trị.

img
Cuộc biểu tình “chạy để phản đối” diễn ra vào sáng 12/1

Những ngày đầu năm 2020, liên tiếp có nhiều cuộc biểu tình nổ ra trên khắp các châu lục, trong đó, đáng chú ý là cuộc biểu tình của hàng nghìn người tại Thái Lan phản đối chính quyền quân quản và đòi thúc đẩy tự do chính trị. Sự kiện trên xảy ra chưa đầy một năm sau cuộc tổng tuyển cử đầy tranh cãi tại đất nước Chùa Vàng và là cuộc biểu tình chống chính phủ nổi bật thứ 2 chỉ trong 1 tháng.

Muốn chính phủ dân chủ

Người biểu tình đã tụ tập tại công viên Bangkok, đi bộ biểu tình từ sáng sớm để chống lại chính phủ của Thủ tướng vốn là cựu tướng quân đội Prayuth Chan-Ocha. Ông Prayuth nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014, đứng đầu Hội đồng Nhà nước trong 5 năm, sau đó tổ chức cuộc bầu cử vào tháng 3 năm ngoái và giữ chức Thủ tướng.

Sinh viên Tanawat Wongchai, một trong những người biểu tình và tham gia tổ chức chiến dịch “Chạy để phản đối” chia sẻ trước sự kiện: “Những người biểu tình như tôi muốn một chính phủ dân chủ thực sự chứ không phải độc tài trá hình”.

Những người phản đối ông Prayuth hoài nghi về sự thiếu công bằng trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái theo hiến pháp được quân đội ủng hộ. Cuộc biểu tình chống chính phủ đáng chú ý thứ 2 trong tháng này khiến người ta nhớ lại những ngày tháng biểu tình chính trị liên miên khiến Thái Lan bất ổn những năm về trước.

Dù chưa có số liệu chính thức nhưng Ban tổ chức cho biết, có khoảng 10.000 người đăng ký đi biểu tình và cảnh báo có nhiều sự kiện tương đương sẽ diễn ra tại các thành phố khác ở Thái Lan.

Có mặt tại sự kiện, ông Paphatsara Netsang, một người Thái Lan sống tại Singapore nhưng đã bay về nước để tham dự biểu tình cho biết: “Tôi ở đây để cho thấy chúng tôi đã quá ngán ngẩm tình hình chính trị như hiện nay. Chính trị không hề thay đổi. Mọi thứ vẫn y nguyên, kinh tế không hề tiến triển”.

Sinh viên Tanawat nói thêm: “Chính phủ cần phải giải quyết những vấn đề khiến cho nền kinh tế Thái Lan trì trệ, sửa đổi hiến pháp để trao thêm quyền cho người dân, chấm dứt đàn áp phe đối lập. Nếu không sẽ còn nhiều hoạt động chống đối nữa diễn ra”.

Phe đối lập mà ông Tanawat nhắc đến chính là Future Forward (FFP), một tổ chức hoạt động chính trị đang nổi lên rất mạnh tại Thái Lan. Đảng này do tỷ phú 41 tuổi Thanathorn Juangroongruangkit thành lập hồi tháng 3, thu hút hàng triệu thanh niên ủng hộ và trở thành nhóm chính trị lớn thứ 3 ở Thái Lan.

FFP nhận được hơn 6,2 triệu phiếu trong cuộc bầu cử tháng 3, xếp sau đảng Palang Pracharat của Thủ tướng Prayuth và đảng Pheu Thai do cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra thành lập.

Tháng trước, FFP đã kêu gọi hàng nghìn người tại Bangkok tham gia biểu tình phản đối những cáo buộc sai phạm từ Ủy ban Bầu cử Thái Lan để buộc FFP phải giải thể vì vi phạm các quy định về tài chính.

Lãnh đạo đảng Thanathorn Juangroongruangkit cũng bị Toà án Hiến pháp Thái Lan xoá tư cách Nghị sĩ vì tội vi phạm luật bầu cử khi vẫn sở hữu cổ phần trong công ty truyền thông V-Luck Media vào ngày đăng ký tranh cử. Cuộc biểu tình lớn nhất từ năm 2014 đó thu hút 10.000 người tham gia.

Tuy mức độ căng thẳng về chính trị tại thời điểm này vẫn chưa bằng các cuộc biểu tình trước đó nhưng những làn sóng nổi dậy như vậy là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế Thái Lan tụt lùi so với các nước láng giềng như Indonesia và Việt Nam.

Từ xã hội ảo ra đường phố thật

Đáng chú ý, các cuộc biểu tình lần này đều có sự kết hợp với những hoạt động kêu gọi qua mạng xã hội. Trước cuộc tình của Future Forward một ngày, một hoạt động live trên Facebook của ông Thanathorn và một trạng thái chia sẻ của ông này trên tài khoản Twitter đã thu hút gần 67.000 người chia sẻ và 41.000 người thích. Sức mạnh và ảnh hưởng của FFP trên mạng xã hội cũng như những cam kết thay đổi hiến pháp cũng khiến cho quân đội Thái Lan cũng phải e ngại.

Mức độ bao phủ rộng rãi trên mạng xã hội của phe đối lập này khiến chính phủ buộc phải vào cuộc. Ông Thanathorn có 1,1 triệu người theo dõi trên Facebook và 670.000 người theo dõi tài khoản Twitter trong khi Thủ tướng Prayuth có 770.000 người theo dõi trên Facebook và 55.000 người trên tài khoản Twitter.

Còn cuộc biểu tình “Chạy để phản đối”, các nhà hoạt động đang vận hành một trang Facebook thu hút hơn 28.000 lượt theo dõi.

Nhận định về tình hình biểu tình tại Thái Lan, ông Titipol Phakdeewanich cho biết: Sự thay đổi này phản ánh việc tham gia ngày càng sâu của người trẻ đối với chính trị song nó sẽ không diễn biến nghiêm trọng như các cuộc biểu tình trong quá khứ hoặc trên quy mô như tình hình tại Hong Kong.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.