Trước đây, show diễn thời trang là sự cộng hưởng của âm thanh, hình ảnh… tại một không gian cụ thể, tận nghe, tận thấy và để có được chiếc vé tại các tuần lễ thời trang không hề dễ dàng. Còn hiện nay, bất cứ ai trên thế giới cũng có thể chiêm ngưỡng bộ sưu tập mới nhất của các “ông lớn” ngành thời trang chỉ nhờ một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính.
Những buổi trình diễn không khách mời
Sau hơn nửa năm “ngủ đông” vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành thời trang thế giới đang từng bước trở lại khi 4 tuần lễ thời trang lớn là New York 2021 (NYFW), Paris 2021 (PFW), Milan 2021 (MFW) và London 2021 (LFW) được thông báo vẫn diễn ra như thường lệ.
Tuy nhiên, sàn diễn thời trang Xuân - Hè 2021 sẽ có nhiều khác biệt do hậu quả của dịch bệnh. Các buổi diễn sẽ hạn chế quy mô lớn, được tổ chức riêng tư với số lượng ít khán giả và kết hợp với các hình thức livestream, video, lookbook và những hoạt động online khác.
Bắt đầu từ ngày 13-17/9, NYFW mở màn tuần lễ thời trang thế giới khi “chơi lớn” bằng hình thức trình diễn truyền thống kết hợp phát trực tuyến. Thay vì việc quy tụ của hàng nghìn biên tập viên, những người có ảnh hưởng trong làng thời trang thế giới như mọi năm, sự kiện năm nay chỉ có 30 khách mời nhưng show diễn được mở rộng ra khán giả trên toàn thế giới.
Tại đây, Runway360 - nền tảng kỹ thuật số do Hội đồng Các nhà thiết kế thời trang tại Mỹ (CFDA) thiết kế sẽ là một không gian ảo cho phép các nhãn hàng, nhà thiết kế giới thiệu sản phẩm của mình và tương tác với truyền thông, nhà bán lẻ và khách hàng của họ. The New York Times cho rằng, điều này đã san bằng phần nào ranh giới giữa những tên tuổi lớn và những nhà thiết kế trẻ.
Steven Kolb, giám đốc điều hành CFDA tiết lộ, đã có 15 thương hiệu mới của Mỹ đang được lên kế hoạch trình làng trên nền tảng Runway360.
Trong khi đó, LFW 2021 diễn ra từ ngày 17/9 nhưng 100% bằng hình thức bài thuyết trình trên nền tảng kỹ thuật số, những buổi trình diễn không khách mời được phát trực tiếp trực tuyến trên website chính thức của sự kiện. Daily Mail cho rằng, quyết định này đã đánh dấu một bước nhảy vọt khổng lồ cho ngành công nghiệp thời trang của Anh.
Còn MFW Xuân - Hè 2021 diễn ra từ ngày 17-22/9, được coi là “Tuần lễ thời trang thực tế” sẽ kết hợp 28 chương trình truyền thống và 24 chương trình phát trực tuyến. PFW được tổ chức từ ngày 28/9 - 6/10 cũng sẽ được tổ chức kết hợp các sự kiện offline và có thể kết hợp các sự kiện online khác.
Trên Vogue Business, nhà thiết kế Mark Fast nhận định, việc phát trực tuyến một buổi trình diễn thời trang sẽ thu hút hàng chục nghìn người trong ngày và hàng trăm nghìn người, thậm chí nhiều hơn trong suốt tuần lễ thời trang.
Đây cũng là công cụ thiết yếu để các thương hiệu mang bộ sưu tập theo mùa của mình đến phạm vi toàn cầu, bất chấp diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. “Sau những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch, kỹ thuật số sẽ cần phải là một phần trong chiến lược của một sự kiện trực tuyến”, Mark Fast nói.
Trong khi đó, trên Morning Brew, nhà thiết kế Tom Ford lạc quan cho rằng, hình thức trình diễn trực tuyến còn giúp nhãn hàng tiết kiệm hàng triệu USD, trong khi doanh số bán hàng vẫn ở mức thấp.
Ở một diễn biến khác, ứng dụng truyền thông xã hội nổi tiếng TikTok đang tìm cách thu hút khán giả Gen-Z khi hợp tác với các “ông lớn”: Louis Vuitton, Alice + Olivia, Saint Laurent và các ngôi saoTikTok để phát trực tiếp các buổi trình diễn ra mắt bộ sưu tập mới. Ngay lập tức, hashtag chính thức #TikTokFashionMonth đã đạt được 1,5 tỷ lượt xem trong sự kinh ngạc của giới thời trang.
Tương lai nào cho công nghiệp thời trang?
Ủng hộ cho hình thức trực tuyến, song một số thương hiệu vẫn kiên quyết thực hiện show diễn riêng lẻ theo hình thức truyền thống. Trong đó, Louis Vuitton “chơi trội” khi vận chuyển hẳn bộ sưu tập Xuân - Hè 2021 dành cho nam giới đến Thượng Hải để trình diễn ngay tại bến cảng.
Jacquemus tổ chức show diễn Xuân - Hè 2021 tại cánh đồng lúa mì ở ngoại ô Paris với khoảng 100 khách mời được xếp chỗ cách xa nhau, đảm bảo an toàn.
Etro ra mắt show diễn menswear trong khi thông thường hãng chỉ giới thiệu bộ sưu tập trong showroom. Dolce & Gabbana cũng chọn phương thức trình diễn truyền thống, song số lượng người mẫu, khách mời ít hơn thường lệ.
Có thể hình thức show diễn trực tuyến chỉ là sự lựa chọn thức thời, sàn diễn trực tuyến “sống” được cũng cần phải có sàn diễn thực tế. Trên Daily Mail, nhà sản xuất chương trình John Walford, người đã làm việc với “bà trùm thời trang” Vivienne Westwood trong thời kỳ hoàng kim của cô tại LFW, miễn cưỡng chấp nhận chương trình thời trang truyền thống đã chết.
Nhà sáng tập Fashion Scout London Martyn Roberts đồng tình: “Thời trang trực tuyến không thể thay thế các show diễn thực tế. Nhưng đối với 99,9% người chưa bao giờ ngồi ở hàng ghế đầu cho một buổi biểu diễn thời trang, việc xem trước màn hình máy tính vẫn là một điều hấp dẫn”.
Nhà thiết kế thời trang cao cấp người Anh Bruce Oldfield, một trong những nhân vật nòng cốt tại LFW những năm 1980 cho biết: “Tôi luôn thích những buổi trình diễn kiểu salon thân mật, nơi khán giả có thể đến gần các người mẫu. Tuần lễ thời trang năm nay có thể báo trước một thời kỳ phục hưng với sự chuyển hướng từ dư thừa sang bền vững”.
Vẫn còn quá sớm để khẳng định tương lai nào cho ngành công nghiệp thời trang thế giới. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, không thể phủ nhận sự thay đổi mang tính cấp thiết và phù hợp trong việc quảng bá ý tưởng của các thương hiệu thời trang.
Hay nói một cách công bằng như nhà thiết kế Bianca Saunders: “Sự thay đổi về định dạng là một thách thức khác để vượt qua. Ban đầu tôi thất vọng vì không thể thực hiện một buổi trình diễn thực tế… Nhưng tôi nhận ra rằng tuần lễ thời trang không nhất thiết phải là dạng truyền thống. Nó có thể đóng vai trò như một nền tảng để chúng tôi với tư cách là các nhà thiết kế được tiếp cận đối tượng khán giả mới”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận