Chuyển đổi số để minh bạch trong quản lý
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Portcoast chia sẻ, Autodesk là một tập đoàn hàng đầu thế giới về phần mềm thiết kế, gần đây đã mở rộng lĩnh vực sang phần mềm tạo dựng mô hình BIM (Building Information Modeling). Hơn 30 năm qua, tất cả các kỹ sư ngành kỹ thuật của Việt Nam gần như đều sử dụng phần mềm của Autodesk để xây dựng các bản vẽ thiết kế trong lĩnh vực giao thông và xây dựng.
Sự hợp tác giữa Portcoast và Autodesk không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc áp dụng công nghệ BIM tại Việt Nam mà còn mở ra nhiều cơ hội và triển vọng mới cho ngành xây dựng. Đây là minh chứng cho tầm nhìn và cam kết của hai bên trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao chất lượng các dự án xây dựng, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành.
Đây là diễn đàn để các các bên chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm các giải pháp đột phá, hướng đến chiến lược bền vững cho tương lai.
Tại lễ ký kết, Autodesk đã cấp chứng nhận chuyên gia sử dụng phần mềm tạo mô hình BIM (Autodesk Certified Professional) cho 75 kỹ sư của Portcoast. Nổi bật trong số này là 4 kỹ sư đạt được đầy đủ 6 chứng nhận trong lĩnh vực AEC của Autodesk. Đây là thành tựu đầu tiên tại Việt Nam và hiếm có trên thế giới.
Cũng theo ông Tuấn, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đã trở thành động lực quan trọng đối với sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp, trong đó có ngành xây dựng và cơ sở hạ tầng. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật (IoT) đã thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng BIM (Building Information Modeling) và GIS (hệ thống thông tin địa lý) trên toàn cầu, không chỉ giúp tối ưu hóa các quy trình làm việc mà còn nâng cao tính bền vững và an toàn cho các công trình.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận ra và khẳng định tầm quan trọng của việc áp dụng BIM và GIS trong ngành xây dựng bằng cách đưa ra các quy định bắt buộc về việc sử dụng những công nghệ này từ những năm 2010-2015 như Mỹ, Anh, Phần Lan, Na Uy, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc)…
Ở nước ta, Quyết định số: 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.
Thông qua việc áp dụng BIM hướng tới mục tiêu thực hiện tiết kiệm ít nhất 30% về chi phí quy đổi tổng hợp từ các chủ thể có liên quan thực hiện áp dụng BIM, tăng cường tính minh bạch và thuận lợi trong quản lý, kiểm soát chất lượng hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.
Trong đó: Chi phí xây dựng tiết kiệm khoảng 10% (trong đó giảm lãng phí về vật liệu xây dựng khoảng 20%); Giảm thời gian thi công xây dựng khoảng 10% so với tiến độ được phê duyệt; Giảm thời gian thiết kế, điều chỉnh thiết kế khoảng 10%; Giảm các yêu cầu sửa đổi do sự không phù hợp của thiết kế khoảng 40%.
Tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng cũng đã quy định: Giai đoạn 1, từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.
Giai đoạn 2, từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.
Hàng loạt công trình dự án trong nước đã ứng dụng chuyển đổi số
Theo đại diện Portcoast, đặc thù của các dự án cảng do Portcoast thực hiện cả ở trong nước và quốc tế, phần lớn do các tập đoàn quốc tế lớn tham gia đầu tư. Việc triển khai BIM và GIS trở thành yêu cầu bắt buộc. Portcoast đã bắt đầu tiếp nhận và áp dụng BIM từ năm 2017.
Đến nay, Portcoast đã triển khai BIM cho các dự án cảng ở nước ngoài như Pakistan, Ai Cập, Thái Lan… Nhiều dự án trong nước cũng đã được đơn vị này triển khai ứng dụng chuyển đổi số scan to BIM như: hệ thống cảng Lạch Huyện; cảng biển Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu.
Chuyển đổi số trên nền tảng BIM-GIS cảng Sài Gòn Hiệp Phước của đơn vị đã giành giải Top 3 doanh nghiệp Việt Nam cho giải thưởng Nhà sáng tạo của năm 2023 của Autodesk (Hoa kỳ) vinh danh các đội ngũ, dự án áp dụng công nghệ BIM và Autodesk vào kiến trúc, kỹ thuật và xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng bền vững.
Các công trình số hóa di sản nhà hát TP.HCM, tuyến metro số 1 Bến Thành Suối Tiên, hầm Cù Mông hiện đang là những sản phẩm số hóa vô cùng ấn tượng, thể hiện Portcoast không chỉ thực hiện các dự án cảng, đường thủy mà còn nhiều dự án cơ sở hạ tầng khác.
Ông Haresh Khoobchandani, Phó chủ tịch phụ trách Sales của Autodesk khu vực Châu Á Thái Bình Dương & Nhật Bản cho biết, tập đoàn rất hân hạnh được hợp tác với Portcoast để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành xây dựng. Đây là cơ hội để hai bên đi đến những triển vọng đầy hứa hẹn trong tương lai.
Hiện, Portcoast cũng đã có 26 kỹ sư đạt chứng nhận chuyên gia BIM (BIM Professional) của Việt Nam và cũng là đơn vị đầu tiên của Việt Nam nhận được Chứng nhận BIM theo tiêu chuẩn ISO 19650-2:2018 vào tháng 5/2024 do Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) cấp.
Bên cạnh đó, sự tích hợp BIM và GIS trong các dự án sẽ giúp tối ưu hóa quản lý thông tin không gian và dữ liệu công trình, nâng cao hiệu quả trong việc lập kế hoạch và quản lý dự án xây dựng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận