Ông Phan Văn Vĩnh trải lòng về tội lỗi của mình trong phiên tòa chiều 19/11 |
Trong đó, phải kể đến chi tiết ông Vĩnh khai tiền mua đồng hồ Rolex 1,1 tỷ đồng của Nguyễn Văn Dương là tiền từ bán cây cảnh mà có.
Trong khi đó, bản thân ông Vĩnh cũng khai lương khoảng 20 triệu đồng/tháng, vợ là giáo viên lương khoảng 7- 8 triệu đồng/tháng. Còn Nguyễn Văn Dương, chủ mưu đường dây đánh bạc, khai mỗi tháng tự nguyện biếu ông Vĩnh 200.000 USD. Nhưng nếu khẳng định ông Vĩnh dùng tiền được biếu để mua thì cũng không ai dám, vì không có bằng chứng. Tuy nhiên, để bảo tin ông Vĩnh dám bỏ tiền túi ra để chơi đồng hồ tiền tỷ thì cũng chẳng ai tin.
Rất tiếc, khi ông Vĩnh khai báo những lời này, chủ tọa đã không truy đến cùng: Ông đã bán cây cho ai, bán bao nhiêu tiền, bán khi nào? Ông Vĩnh có thể trả lời “không nhớ”, nhưng nếu trả lời, rất có thể lời khai báo của ông sẽ góp phần củng cố thêm niềm tin của dư luận: Không ai dám bỏ tiền mồ hồi xương máu của mình để mua một món đồ xa xỉ trị giá ngang một gia tài.
Lời khai “mua đồng hồ Rolex từ tiền bán cây” của ông Vĩnh lại làm nhiều người nhớ tới biện minh tiền xây biệt phủ có được là nhờ “chạy xe ôm, buôn chổi đót” của ông Phạm Sỹ Quý, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. Kể cả khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc thì nguồn gốc các tài sản của ông này cùng vợ con cũng không thể được làm rõ.
Lâu nay, thường chỉ khi nào có đơn thư tố cáo, cơ quan quản lý cán bộ thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập mới chỉ đạo làm rõ. Việc chưa có quy định truy nguyên nguồn gốc tài sản đã nảy sinh câu chuyện nhiều người giải trình tài sản “khủng” hình thành từ “buôn chổi đót, bán cây”... mà dư luận không còn cách nào khác ngoài việc buộc phải chấp nhận!
Bên cạnh đó, những năm qua, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ nhưng còn thấp hơn nhiều giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Hàng ngàn tỷ tiền tham nhũng đã đi đâu, được dùng vào việc gì, những ai đã nhận nó? Nếu không biết tiền đã đi đâu thì làm sao có thể thu hồi, làm sao diệt tham nhũng tận gốc?
Việc thu hồi tài sản tham nhũng lâu nay gặp khó khăn do phải thực hiện qua kênh duy nhất là truy tố, xét xử, có bản án, sau đó mới kê biên tài sản. Thực tế này khiến tội phạm tham nhũng có đủ thời gian tẩu tán tài sản, chuyển hóa tài sản nên đến khi xét xử, rõ bản án thì tài sản đã bị tẩu tán hết, không còn điều kiện để thi hành.
Bởi thế, nếu có quy định truy nguyên tài sản không rõ nguồn gốc, chắc chắn chiếc đồng hồ Rolex của ông Vĩnh hay biệt phủ của ông Quý sẽ được đưa ra tòa án giải quyết, hoặc sẽ bị đánh thuế 45% giá trị tài sản, nếu các vị này không giải trình được nguồn gốc tài sản.
Rất tiếc, với việc Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày hôm qua (20/11), quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc đã không được đưa vào luật, do ý kiến của các ĐBQH còn phân tán, dù đây đã là lần thứ ba nội dung này được trình Quốc hội. Việc đưa vào luật được cơ quan thẩm tra giải thích là phải đợi đến khi “thời điểm chín muồi”.
Và với việc kê khai, xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ công chức còn hình thức như hiện nay, sẽ không lạ nếu như ngày mai, một quan chức nào đó phát lộ khối tài sản “khủng”, dư luận sẽ lại được nghe họ giải trình là do “chăn gà, nuôi lợn” hay là gì đó vô lý khác nữa cũng đành phải chấp nhận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận