Theo TS Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc BV Tâm thần TƯ , người nào buồn rầu kéo dài trên 2 tuần cần đi khám trầm cảm |
Theo TS. Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc BV Tâm thần Trung ương, trầm cảm bắt nguồn từ stress bởi áp lực công việc, học tập, hay từ mạng xã hội đến các bạn trẻ trong xã hội hiện này chiếm tỷ lệ rất lớn. Chính việc thiếu đi kỹ năng “chống đỡ” stress khiến những điều này trở thành nguyên nhân dẫn đến căn bệnh trầm cảm khá phổ biến.
Chia sẻ về kỹ năng “chống đỡ” stress, dấu hiệu ban đầu của bệnh trầm cảm với người trẻ, TS. Phương cho biết: “Trao đổi, tâm sự điều rất quan trọng; nên giải tỏa stress luôn không để ấm ức trong lòng. Trong giai đoạn stress, nên dùng thuốc giải tỏa lo âu seduxen 5mg vài hôm (không dùng quá 20 ngày sẽ gây nghiện). Bên cạnh đó, mọi người tăng cường rèn luyện thể lực, vận động thể thao, tham gia nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa. Với học sinh, sinh viên nên chủ động sử dụng mạng xã hội đúng mục đích, tránh xa các tệ nạn game online, ma túy đá…”.
Ông Phương cũng chỉ điểm các dấu hiệu để nhận biết căn bệnh trầm cảm. Cụ thể, có 3 dấu hiệu chính: cảm giác buồn rầu kéo dài trên 2 tuần; giảm và mất các sở thích cũ; giảm năng lượng dẫn đến mệt mỏi. Và 7 dấu hiệu phụ như: Giảm tập trung do dự không quyết đoán; giảm tự trọng và lòng tự tin; nhìn tương lai ảm đạm, bi quan; mặc cảm tội lỗi; có những ý định và hành vi tự sát. “Nếu có ít nhất 2 dấu hiệu chính và 2 phụ kéo dài trên 2 tuần, thì chắc chắn mắc bệnh trầm cảm. Khi đó, bệnh nhân nên khám bác sĩ chuyên khoa trầm cảm, tâm thần để được điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc sau này”, BS. Phương khuyến cáo.
Ông Phương cũng nhấn mạnh: “Chính quan điểm ác cảm với ngành tâm thần mà không ít gia đình bệnh nhân nhất mực từ chối điều trị cho bệnh nhân trầm cảm, khiến bệnh ngày một nặng. Bệnh nhân hoàn toàn có thể chữa khỏi trầm cảm khi bệnh trong giai đoạn 6 tháng đầu, nếu quá thời gian 6 tháng tính từ khi phát bệnh thì việc điều trị càng khó khăn, tỷ lệ thành công thấp".
"Muốn chữa khỏi trầm cảm, thời gian mắc bệnh dưới 6 tháng (cấp tính), điều trị tấn công 6 tháng liên tục không bỏ thuốc ngày nào, duy trì 1,5 năm. Mắc trên 6 tháng, điều trị tấn công ít nhất 7 tháng – 1 năm và duy trì từ 3-5 năm. Trong thời gian này người bệnh duy trì liên tục không bỏ thuốc. Sau thời gian giảm dần thuốc và dứt hẳn, lành bệnh", ông Phương nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận