Mua lại chuỗi cửa hàng bị kiệt quệ phải thanh lý vì dịch bệnh để làm kênh phân phối, để tận dụng làm kho hay thu mua các kênh mạng xã hội vừa kiếm tiền vừa quảng bá sản phẩm… đã giúp doanh nghiệp nhanh chóng bứt phá sau khi nền kinh tế chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.
“Đóng” kênh truyền thống, “mở” kênh online
Trước Tết Nguyên đán, Công ty Trâm Tạ đã lên kế hoạch nhập khẩu sữa giúp tăng chiều cao trẻ em về bán. Các khâu chuẩn bị cho sản phẩm tung ra thị trường đã gần như hoàn tất, chỉ còn lễ ra mắt là “bung” hàng thì bỗng nhiên dịch Covid-19 ập đến.
Các kênh phân phối truyền thống gần như đóng băng vì người dân sợ nơi đông người, sợ tiếp xúc. Công ty đành hoãn kế hoạch ra mắt sản phẩm, đợi dịch bệnh qua đi.
Tuy nhiên, cái khó ló cái khôn, chị Trâm Tạ, Giám đốc Công ty Trâm Tạ đã nảy ra ý tưởng bán hàng qua kênh online bằng cách thu mua một loạt các kênh trên mạng xã hội đang có lượng lớn lượt người xem từ các đối tượng là bà mẹ và trẻ em.
Tiêu chí thu mua là phải kênh YouTube đã có nút vàng và nút bạc, tức là lượng theo dõi là lượt xem rất lớn, đang kiếm được tiền từ nội dung đăng tải.
Ý tưởng của chị Trâm Tạ rất hay và sáng tạo trong bối cảnh hiện nay nhưng để thực hiện thu mua được chuỗi như trường hợp của Công ty Trâm Tạ đầu tiên phải có tiền trong tay. Thêm nữa, để đi xa được tới cùng thì cũng sẽ phải tiếp tục rót thêm nhiều tiền nữa.
Chuyên gia tư vấn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty Bizen Việt Nam
“Những video đăng lên nhận được phản hồi rất tốt, các bạn nhỏ rất thích. Điều này đã giúp công ty giải quyết một lúc nhiều mục tiêu. Đó là giải quyết công ăn việc làm cho nhân viên truyền thông khi làm việc online tại nhà.
Hai là qua đó tăng lượt xem cho kênh YouTube lên và tăng lượt theo dõi. Điều này sẽ rất tốt cho công ty sau này.
Ba là những kênh kiếm tiền qua YouTube rồi nên tăng cường nội dung, lượt xem giúp mang lại nguồn thu”, chị Trâm Tạ chia sẻ.
Đồng thời, chị cũng cho chèn quảng cáo sản phẩm vào các nội dung video này để ngay khi hết dịch sẽ tung sản phẩm ra thị trường.
Gom chuỗi cửa hàng giá rẻ
Sự táo bạo của Trâm Tạ không dừng ở việc thu mua một loạt các kênh YouTube trên môi trường mạng để mở ra cách tiếp cận khách hàng trực tuyến. Chị Trâm Tạ còn đưa ra một ý tưởng táo bạo khác là thu mua các cơ sở làm móng để tạo chuỗi kênh tư vấn và phân phối sản phẩm làm đẹp.
Ý tưởng này xuất phát từ nhu cầu phân phối thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân từ Nhật Bản. Do đây là sản phẩm cao cấp, đắt tiền nên nhân viên sẽ phải tư vấn rất kỹ càng để thuyết phục khách hàng. Thời gian tư vấn cho mỗi khách hàng thường mất ít nhất 1 tiếng.
Để bán sản phẩm này, chị đã cử nhân viên tiếp cận chuỗi spa làm đẹp song không đạt hiệu quả do khách hàng tới đây chủ yếu để thư giãn, giảm căng thẳng và không tập trung tiếp nhận thông tin tư vấn. “Khách hàng thường chỉ cho nhân viên tư vấn 5-10 phút nên không hiệu quả”, chị Trâm Tạ chia sẻ.
Do đó, vị doanh nhân này đã nghĩ tới chuỗi cửa hàng làm móng bởi khách tới làm móng vừa rảnh rỗi vừa tỉnh táo và sẵn sàng tiếp nhận thông tin. Như vậy, nhân viên hoàn toàn có 1 - 2 tiếng để chốt đơn hàng.
“Chuỗi nail này chúng tôi đã mua được với giá rất rẻ do tình hình dịch bệnh”, chị Trâm Tạ cho biết và khoe số lượng thu mua đã lên tới hơn 50 cửa hàng, nằm tại các khu chung cư và lượng khách đăng ký cũng rất đông.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, khách hàng “chùn tay” trong việc chi tiền thời khủng hoảng, một số sản phẩm của Trâm Tạ sụt giảm doanh số rất mạnh, nhất là mỹ phẩm.
Do đó, Công ty Trâm Tạ đã đẩy mạnh dịch vụ đến tận nhà làm móng cho khách hàng với điều kiện đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch nên dịch vụ này vẫn đảm bảo mang lại cho công ty đủ nguồn thu trả lương cho nhân viên.
Mục tiêu lâu dài của chị Trâm Tạ là biến các cửa hàng nail này không chỉ là nơi làm đẹp cho khách hàng mà còn là nơi phân phối các sản phẩm công ty đang kinh doanh.
“Trước đây ship hàng cho khách có khi phải đi khá xa thì nay nhờ chuỗi cửa hàng nail này mà quãng đường vẫn chuyển hàng được rút ngắn rất nhiều”, chị Trâm Tạ nói và cho rằng đây là có thể một kinh nghiệm mà chị chia sẻ để hy vọng các doanh nghiệp khác có điều kiện có thể áp dụng để vượt qua giai đoạn “giông bão” dịch bệnh hiện nay.
Bứt phát sau dịch
Ngày 1/7, trao đổi với PV Báo Giao thông, chị Trâm Tạ cho biết, sau khi tìm kiếm được mặt bằng trong thời gian nghỉ dịch để xây dựng hệ thống chuỗi, đưa dịch vụ nail đến tận các gia đình để phục vụ, thì đây cũng là cơ hội tiếp cận và giới thiệu thêm cho khách hàng về dịch vụ và hệ thống của doanh nghiệp
Yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất
Bối cảnh dịch bệnh hiện nay đang tạo ra cơ hội tốt cho hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Hiện đã có nhiều dự án bán lẻ sang nhượng mặt bằng hay các trường tư thục rao bán, hoặc nhiều start-up lâm vào khó khăn và đang rất cần vốn. Lúc này, nếu mua bán sáp nhập sẽ rất được giá. Nhưng thách thức là phải chọn được tài sản nào phù hợp với năng lực và hệ sinh thái của người mua. Tất nhiên, trong mua bán sáp nhập, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech
Do đó, sau khi dịch được kiểm soát, Trâm Tạ Company vừa bắt tay vào xây dựng hệ thống mới gồm các dịch vụ nail-spa-mỹ phẩm, vừa có được một lượng khách hàng quen nhờ dịch vụ làm tại nhà.
Chính vì thế, CEO Trâm Tạ tự tin khẳng định: “Đến thời điểm này, với những kết quả kinh doanh bước đầu đã thể hiện rõ hướng đi đúng đắn táo bạo thời dịch bệnh của chúng tôi”.
Chị cho biết, với mô hình mới, lượng khách hàng đã tăng thêm 20% so với mô hình chỉ có dịch vụ spa cũ, tuy nhiên con số này sẽ còn lớn hơn khi hệ thống đi vào ổn định trong vài tháng tới khi lượng khách đang đông hơn.
“Từ tháng 6 - tháng thứ 2 đi vào hoạt động, lợi nhuận của chuỗi đã tốt vì khách làm nail đã biết đến cửa hàng từ nhiều kênh quảng cáo và khuyến mãi của công ty.
Hơn nữa, sau dịch, nhờ sự khởi sắc của hệ thống mới với mô hình tích hợp, công ty đã kí thêm nhiều hợp đồng nhượng quyền nhưng giờ còn chưa tìm được mặt bằng để triển khai”, chị Trâm Tạ chia sẻ.
Nhìn lại quyết định “xuống tiền” thu mua chuỗi trong bối cảnh dịch bệnh trước đó, chị cho rằng quyết định của mình không táo bạo bởi theo chị thời điểm càng khó khăn thì càng phải nghĩ cách để duy trì hoạt động cho doanh nghiệp và đảm bảo thu nhập cho nhân viên.
“Chính nhờ có quyết định đó nên giữa thời điểm dịch bệnh phức tạp nhất, công ty vẫn hỗ trợ cho nhân viên tiền thuê nhà. Ai gắn bó với công ty vẫn được đảm bảo lương mức lương hỗ trợ sinh hoạt tít nhất 70-80% như thông thường”, nữ giám đốc chia sẻ vào cho biết thêm, chị điều hành chuỗi 6 công ty kinh doanh các dịch vụ và sản phẩm làm đẹp, rượu vang… với khoảng hơn 100 nhân sự, chỉ riêng quỹ lương công ty phải trả mỗi tháng gần 2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chưa tính chi phí thuê mặt bằng, riêng chi phí kho bãi đã khoảng 300-500 triệu đồng/tháng. Kể từ khi dịch lan rộng, công ty chịu lỗ 500-600 triệu đồng/ tháng.
Cũng chính nhờ có chính sách giữ chân người lao động nên ngay sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, đội ngũ nhân sự của Trâm Tạ vẫn ổn định và bắt tay vào phát triển hệ thống.
“Trường hợp bất khả kháng như thiên tai dịch bệnh, công ty có thể ngừng hợp đồng với người lao động. Song khi hết dịch bệnh, để tuyển một nhân sự mới về để đào tạo lại từ đầu thì chi phí cơ hội của doanh nghiệp mất còn nhiều hơn, nên tôi không sa thải bất cứ nhân sự nào”, chị Trâm Tạ chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận