Xã hội

Buýt đường sông trên dòng Tô Lịch, tại sao không?

26/05/2017, 13:25

Ngoài xe buýt, vài năm nữa Hà Nội, TP.HCM sẽ có tàu điện trên cao, nhưng như thế chưa đủ.

25

Sông Tô Lịch nếu được cải tạo và khai thác hiệu quả sẽ đóng góp cho Hà Nội một phương thức giao thông hấp dẫn, góp phần giảm ùn tắc - Ảnh: Lê Hiếu

Các thành phố lớn cần tính đến cả tàu điện ngầm, các tuyến đường sắt ngắn phục vụ việc đi lại giữa nội và ngoại thành. Đặc biệt, Hà Nội phải tính đến phát triển giao thông đường thủy, theo tôi, kể cả sông Tô Lịch nếu được đầu tư tốt, có kế hoạch nạo vét thường xuyên và có giải pháp làm sạch nước sông thì hoàn toàn có thể khai thác vận tải công cộng.

Thêm nhiều loại hình vận tải công cộng, người dân mới bỏ xe cá nhân

Phải thừa nhận, các loại hình vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội và TP.HCM hiện nay còn khá sơ sài, ngoài buýt, tới đây đang đầu tư mertro, đường sắt trên cao. Điều đó là nguyên nhân chính khiến phương tiện cá nhân ngày càng tăng. Người dân không dám từ bỏ xe cá nhân khiến sản lượng buýt ngày càng suy giảm, ùn tắc mỗi ngày thêm nghiêm trọng hơn. Vì sao chúng ta không tính mở rộng thêm nhiều loại hình vận tải công cộng khác.

Bài tham dự Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị do Báo Giao thông, Otofun phối hợp tổ chức, Tập đoàn Hyundai Thành Công đồng hành tài trợ. Ý kiến đóng góp xin gửi về: Chonguntac@baogiaothong.vn và news@otv.vn...

Trước đây, Hà Nội còn cả tàu điện đảm nhận rất tốt vận tải công cộng, khách thường xuyên rất đông. Liệu tới đây, thành phố có nên tổ chức các tuyến đường sắt ngắn phục vụ việc đi lại giữa nội và ngoại thành được không trong khi đường sắt, theo tôi, vẫn còn dư công suất?

Cùng đó, Hà Nội, TP.HCM hiện có nhiều sông, ngòi, nhưng hình như mọi người đều đang “quên” khai thác đường thủy(!?). Nếu biết tổ chức, ngay cả sông Tô Lịch (tiếc rằng đã bị lấp nhiều) vẫn có thể khai thác được. Có thể sông Tô Lịch đã bị ô nhiễm nhiều, song, nếu ai có dịp qua Bangkok, ở đó nước sông cũng ô nhiễm chẳng kém gì nước ta, nhưng họ vẫn khai thác để giải quyết phần nào giao thông của thành phố, ngược lại, người sử dụng phương tiện này để đi lại mới có ý thức hơn để không gây thêm ô nhiễm cho dòng sông và chính quyền quan tâm hơn (và có kinh phí hơn) cho việc giải quyết ô nhiễm.

Tổ chức các tuyến xe “con thoi”

Tôi rất đồng tình với việc một số nhà đầu tư như: Ecopark, Hyundai, Time City… đã có xe con thoi miễn phí đưa đón cư dân của mình đi về giữa các khu này tới một số địa điểm trong thành phố, theo một lịch trình nhất định. Điều này đã giảm được lượng xe đi lại. Dịch vụ này cần được nhân rộng (nếu không nói là bắt buộc) sang các khu đô thị khác, các ngành kinh doanh khác, trước tiên là ngành du lịch.

Gần đây, Hà Nội khai trương một tuyến buýt nhanh (BRT) trên đường Lê Văn Lương. Cái gì mới cũng khó được chấp nhận 100%, tôi thừa nhận con đường đó không đủ rộng để dành riêng hai làn đường đi về cho BRT. Tuy nhiên, nếu giải quyết được việc cấm xe máy lưu thông trên đoạn đường đó, chí ít, với chế tài mạnh, ý thức người dân dần thay đổi, BRT sẽ phát huy hiệu quả và nhân rộng sang các tuyến đường khác như đi Hòa Lạc, sân bay Nội Bài  

Chính phủ đã xác định du lịch cùng với nông nghiệp và tin học là ba ngành kinh tế mũi nhọn cần được phát triển. Ở nhiều nước, ngành du lịch của thành phố, thông qua Hiệp hội các khách sạn hay Hiệp hội các công ty du lịch của thành phố tổ chức các tuyến xe con thoi miễn phí đi - về giữa sân bay và thành phố theo từng cụm khách sạn tương đối gần nhau. Cũng có thể tổ chức các tuyến xe con thoi đưa và đón khách (đa phần là các đoàn lẻ) tại một số điểm xét thấy phù hợp để từ đó họ có thể tản bộ tham quan một số danh lam thắng cảnh của thành phố và trở về khách sạn. Cần bố trí sao cho các tuyến xe con thoi trong thành phố có 1, 2 điểm nối tuyến để khách du lịch có thể chuyển sang các tuyến khác để thăm nhiều địa danh của thành phố được thuận lợi.

Cùng đó, có thể tổ chức các cụm xe đón khách đi theo các hướng/địa danh ngoài thành phố và ngoại tỉnh chung để đón khách và xuất phát cùng một giờ thành một đoàn đi - về một hướng thay bằng phải đưa xe ca chạy lòng vòng, kể cả vào các phố nhỏ đón khách. Tùy theo lượng khách mà bố trí cỡ xe cho phù hợp (xe cỡ trung hay xe buýt), sắp xếp lịch ra sao để khách đến không phải chờ xe quá 30 phút chờ gom khách về các khách sạn, khi ra sân bay không bị lỡ chuyến; Đối với xe con thoi đưa khách trong thành phố, phù hợp nhất với đường sá hiện nay của nước ta, chắc chỉ nên dùng xe 16 chỗ.

Nguyễn Gia Hảo
Nhà 15, khu C1, Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), quận Tây Hồ, Hà Nội

banner

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.