Vận tải

Buýt đường sông: Vì sao "cháy vé" cuối tuần, ngày thường vắng khách?

26/09/2019, 06:46

Sau gần hai năm tuyến buýt đường sông đầu tiên ở TP.HCM đi vào hoạt động, hành khách đi lại khá thất thường.

img
Ngày cuối tuần, khách đi buýt sông khá đông và chủ yếu họ đi ngắm cảnh

Ngày thường vắng vẻ, cuối tuần nhộn nhịp

Sáng 21/9, vào ngày thứ bảy, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại bến Bạch Đằng (quận 1), khu vực bán vé buýt đường sông khá đông khách đến mua vé. Phần lớn những người này là khách du lịch, đi trải nghiệm, thưởng ngoạn cảnh sông nước ngày cuối tuần. Trong đó, rất nhiều gia đình dắt theo con nhỏ để đi buýt sông ngắm cảnh.

Chị Nguyễn Thị Bích, hành khách đi buýt sông cho biết: “Dù nghe nhiều về tuyến buýt sông nhưng hôm nay tôi mới đi do một người bạn bên Nhật đến Việt Nam và rất muốn đi thử. Giá vé buýt sông khá rẻ, nhưng tại các điểm dừng cần bổ sung thêm các bảng thông tin điện tử ghi chú các điểm đến để khách nước ngoài biết, thuận tiện trong việc lên xuống dọc tuyến”.

Trái ngược với ngày cuối tuần, sáng 23/9, ngày đầu tuần, PV tiếp tục mua vé đi tuyến buýt sông, ghi nhận rất vắng vẻ, chỉ có vài khách đi. Dù giờ cao điểm 8h sáng, nhưng tại bến Bạch Đằng, cả chuyến chỉ có vài hành khách mua vé đi làm.

Một nhân viên trên tàu buýt sông cho biết, ngày thường hôm nào cũng vậy, rất ít hành khách. Điều này trái ngược với các ngày cuối tuần, thậm chí hành khách đi vào những giờ sáng sớm hoặc chiều tối thường không có vé.

Cũng theo nhân viên này, các chuyến trong ngày chủ yếu thu hút vào khoảng từ 15h, khách lựa chọn chuyến từ bến Bạch Đằng (Q.1) xuống bến cuối Linh Đông (Q.Thủ Đức) quãng đường gần 11km để ngắm sông nước. Qua đến bến cuối, hành khách thường ngồi chơi, chụp ảnh, sau 30 phút rồi tiếp tục quay trở lại bến Bạch Đằng ngay.

Tại bến Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), anh Nguyễn Văn Hậu đưa cả nhà đi buýt sông cho hay: “Cuối tuần cả gia đình rủ nhau đi buýt sông ngắm cảnh sông nước cho mát mẻ, chứ đi buýt đường bộ khói bụi và kẹt xe. Tôi thấy buýt sông khá thú vị, thế nhưng nếu người đi làm chọn phương tiện này thì mất nhiều thời gian hơn buýt đường bộ vì ít chuyến, thời gian chờ giữa các chuyến cũng khá dài”.

Một số hành khách cho rằng, tàu buýt sông bên ngoài thì đẹp nhưng máy chạy vẫn rất ồn. Người già và trẻ con ngồi trên tàu rất khó chịu vì tiếng máy kêu quá to. Bên cạnh đó, chủ đầu tư và Sở Du lịch TP cần phối hợp quảng bá các khu du lịch dọc tuyến để hành khách có thể tìm hiểu tham quan. Nếu hành khách chỉ đi ngắm buýt sông một vòng rồi về thì quá đơn điệu, không có những điểm du lịch hấp dẫn sẽ khó thu hút khách đi thường xuyên…

Mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu khách đi làm

img
Khách xếp hàng mua vé buýt sông vào ngày cuối tuần

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay buýt sông được khai thác nhằm mục đích phục vụ khách du lịch, thưởng ngoạn mà không phải với “sứ mệnh” phục vụ nhu cầu vận tải hành khách công cộng như đường bộ. Do vậy, mục tiêu chia sẻ, giảm bớt áp lực ùn tắc giao thông với đường bộ ban đầu xây dựng tuyến buýt này khó có thể đạt được.

Một cán bộ Sở GTVT cho biết, tuyến buýt đường sông này do doanh nghiệp đầu tư nên khách nhiều hay ít, lời lỗ thế nào do doanh nghiệp tự cân đối. Thành phố chưa có chính sách trợ giá như những tuyến buýt đường bộ. Để hút khách, chủ đầu tư cần có nhiều phương án kết nối với các điểm du lịch, hoàn thiện các bến trong các giai đoạn tiếp theo. Đồng thời cần tính toán kết nối hành khách từ bến đến các điểm du lịch để tạo thuận lợi cho hành khách.


Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư) cho rằng, việc hành khách đi nhiều vào cuối tuần, đi ít vào ngày thường là bình thường. Bởi bản chất buýt sông là phương tiện vận chuyển hành khách, người dân có thể lựa chọn vào mục đích nhu cầu khác nhau như: Đi làm, đi học, đi chơi, du lịch…

Theo ông Toản, nhiều nước trên thế giới, dù buýt sông hoạt động từ rất lâu nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 30% nhu cầu đi lại bằng đường thủy, còn lại đều nhằm mục đích du lịch. Tại TP HCM, buýt sông hiện chiếm từ 10 - 12% nhu cầu đi lại bằng đường thủy. Kỳ vọng trong 20 năm tới phát triển thì nhu cầu buýt sông phục vụ vận tải hành khách công cộng cũng chỉ đạt 30%.

Ông Toản cho rằng, buýt đường sông là mô hình vận chuyển hành khách công cộng, là tuyến đầu tiên trên cả nước đi vào hoạt động trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn về pháp chế, thủ tục. “Điều đó cho thấy công ty đã phát triển bền bỉ trong 2 năm qua, dù có khoảng thời gian chưa ổn định về lượng khách nhưng đến giờ giá trị của buýt đường sông được nhiều người biết đến hơn, vé luôn “cháy” vào ngày cuối tuần”, ông Toản nói.

Theo Sở GTVT TP.HCM, tuyến buýt sông trong dịp lễ 2/9 vừa qua đạt 5.259 lượt hành khách, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Việc phát triển buýt đường sông trong điều kiện lợi thế sông rạch của thành phố là rất quan trọng, vừa góp phần đáp ứng nhu cầu du lịch, vừa phục vụ đi lại của người dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.