Vận tải

Buýt sông có thành cú hích phát triển giao thông thủy?

27/11/2017, 07:15

Giá vé buýt sông 15.000 đồng/lượt được hy vọng sẽ hấp dẫn khách đi chặng dài, thậm chí với cả khách du lịch.

3

Tuyến buýt sông đầu tiên có màu vàng trắng khá bắt mắt

Sự kiện khai trương tuyến buýt đường sông đầu tiên của TP.HCM ngày 25/11 thu hút nhiều người dân. Việc khai thác thành công tuyến buýt này sẽ là cú hích để phát triển hệ thống giao thông thủy không chỉ của TP.HCM mà cả nước.

Tàu đẹp nhưng hơi ồn

Một trong những “thượng đế” của chuyến buýt đường thủy đầu tiên chúng tôi ghi nhận có ông Trần Vĩnh Tuyến, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cùng nhiều vị lãnh đạo ban, ngành, các đơn vị du lịch lữ hành khác. Sáng khai trương, tiết trời Sài Gòn mát dịu, nắng nhẹ… Sau khi đi một vòng nhìn Sài Gòn qua khung cửa tàu từ mé sông, chúng tôi cảm nhận thành phố mang tên Bác đẹp, thanh bình và yên ả…  

Anh Phạm Thanh Bình (Q.7) cho biết, có nghe trên truyền thông việc thành phố khai trương tuyến buýt sông đầu tiên nên háo hức đến trải nghiệm. May mắn lên được tuyến buýt sông đầu tiên từ bến Bạch Đằng, anh Bình lấy điện thoại livestream lên facebook để bạn bè ở nhà cùng xem. “Tôi thấy từ quận 1 đi ra Thủ Đức nếu đi xe máy rất mệt vì kẹt xe, có buýt đường sông đi khỏe hơn nhiều”, anh Bình cho biết.

Buýt sông có kính chiếu hậu

Thuyền trưởng Huỳnh Đình Út cho biết, việc điều khiển tàu trên sông đòi hỏi phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, thuyền trưởng phải tập trung quan sát, bởi trên sông nhiều phương tiện lưu thông. Khi qua khu vực Thanh Đa phải giảm tốc độ vì hai bên bờ kè mới hoàn thành để tránh tạo sóng gây sạt lở, ảnh hưởng đến những ghe xuồng của bà con neo đậu hai bên.

Tàu buýt sông có kính chiếu hậu ở hai bên để khi tàu cập bến thuyền trưởng có thể quan sát phía sau xem đã cập bến chưa. Đây là điểm khác so với những tàu khách khác. Các tàu khách khác khi cập bến thuyền trưởng phải điều khiển cho tàu chạy ngược dòng nước. Với tàu buýt sông do thời gian cập bến chỉ 3 - 5 phút, nếu phải xoay ngược dòng nước sẽ mất thời gian nên phải cập bến bất kể xuôi hay ngược dòng.

Vài phút trước giờ khởi hành, thuyền trưởng bấm hồi còi dài báo hiệu tàu chuẩn bị rời bến. Khi hành khách lên tàu, nữ tiếp viên thông báo ổn định chỗ ngồi và giới thiệu hành trình chuẩn bị đi qua. Khoảng 15 phút sau tàu đến bến Bình An (Q.2) gần chân cầu Sài Gòn. Một số hành khách chờ sẵn và cũng lên tàu để trải nghiệm. Không khí trên tàu lúc này thật nhộn nhịp khi nhiều hành khách vui vẻ trò chuyện, cùng nhau đánh giá những tiện ích, thú vị của tuyến buýt sông đầu tiên của Sài Gòn.

Nhà ở quận 12 nhưng từ sáng sớm, bác Nguyễn Văn Chắc đã đón tuyến xe buýt số 23 đến bến Bạch Đằng để trải nghiệm buýt sông. Vừa bước xuống tàu, bác Chắc đã tấm tắc khen: “Tàu thoáng mát, rộng rãi và sang trọng. Tôi vừa đi tàu vừa ngắm cảnh hai bên, gió sông mát lồng lộng thật thích”.

Ông Huỳnh Đức Hiền (Q.Bình Tân) đã nhiều lần đi tàu khách của một số nước trong khu vực nên khi đi tuyến buýt sông đầu tiên của thành phố dễ dàng thấy sự khác biệt. “Tôi đã từng qua Thái Lan và đi tàu trên sông của họ, thấy tàu của mình đẹp hơn, rộng hơn nhiều. Tàu mình có ghế ngồi thoải mái, lối đi thông thoáng, rộng rãi. Tàu ở Thái Lan chỉ có ghế dọc hai bên và khá chật”, ông Hiền nhận xét.

Tuy nhiên, cũng có một số hành khách khó tính như bác Nguyễn Hữu Lân (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) cho rằng, máy của tàu hơi ồn nên khi hành khách ngồi bên trong cảm giác bị ù tai.

Có mặt trên chuyến buýt đầu tiên, ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Thường trực Hội Cầu - Đường - Cảng TP.HCM, cũng đánh giá tàu hơi ồn. “Trước đây, tôi đã đi thử và có góp ý với nhà đầu tư, đã có khắc phục nhưng chưa giải quyết tốt, hành khách khi ngồi trên tàu nói chuyện với nhau phải lớn tiếng vì tiếng động cơ hơi to. Chủ đầu tư cần cải thiện động cơ để máy chạy êm, nhẹ, không có tiếng vang lớn trong khoang hành khách”, ông Trường góp ý.

Ông Trần Song Hải, Tổng giám đốc Công ty CP GreenlinesDP, chủ đầu tư các tàu cao tốc chuyên chạy tuyến TP.HCM – Vũng Tàu cho rằng, sự kiện khai trương tuyến buýt sông số 1 là cú hích tạo động lực cho các nhà đầu tư khác và cả chính quyền thành phố mạnh dạn hỗ trợ đầu tư vào giao thông thủy. Khoảng cuối tháng 12, GreenlinsDP sẽ khai trương tuyến tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng đi Cần Giờ để phục vụ du khách, người dân, cán bộ chiến sĩ công tác trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Chia tải cho đường bộ, phát triển du lịch

Tàu buýt đường sông tiếp tục hành trình trên sông Sài Gòn, ghé bến Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), bến Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức). Mỗi bến tàu có khoảng thời gian từ 3 – 5 phút để đón trả khách. Sau 45 phút hành trình, tàu cập bến cuối cùng là Linh Đông (Q.Thủ Đức) đón khách và chuẩn bị quay ngược lại.

Đánh giá chung về tuyến buýt đường sông đầu tiên của hành khách, quan chức thành phố khá tích cực. Cơ quan chức năng đều ghi nhận nỗ lực của chủ đầu tư trong việc hoàn thiện các thủ tục, đầu tư bến bãi, phương tiện để đưa tuyến buýt đường sông số 1 vào khai thác. Nhiều người bày tỏ lo ngại về hiệu quả khai thác bởi giá vé 15.000 đồng/lượt sẽ khiến chủ đầu tư khó khăn, cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư dự án) cho biết, bước đầu chắc chắn sẽ có những khó khăn nhưng qua từng giai đoạn khai thác, chủ đầu tư sẽ rút ra được những kinh nghiệm để khắc phục.

Đánh giá về hiệu ứng của việc khai trương tuyến buýt sông đầu tiên, nhiều chuyên gia cho rằng, TP.HCM có hơn 1.000km đường thủy là một lợi thế không phải thành phố nào cũng có. Theo quy hoạch, có 87 tuyến đường thủy phục vụ hành khách, nếu khai thác được sẽ ưu việt hơn giao thông đường bộ như đảm bảo môi trường, giảm ùn tắc, phát triển du lịch. Do đó, cần phải hình thành một hệ thống mạng đường thủy với các tuyến trên sông Thị Nghè, Bến Nghé…

Liên quan đến góp ý này, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, đã yêu cầu chủ đầu tư cần chuẩn bị đầy đủ hạ tầng, phương tiện để khi dự án chống ngập do triều cường trên tuyến Tàu Hủ - Bến Nghé hoàn thành sẽ khai trương tuyến buýt đường sông số 2.

Ông Cường nhận định, phát triển giao thông thủy ngoài mục đích chia tải cho đường bộ còn phát triển du lịch. Trong tuần tới, Sở GTVT và Sở Du lịch sẽ tổ chức hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia, địa phương về những vấn đề cần thiết cần hỗ trợ phát triển giao thông thủy kết hợp với du lịch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.