Buýt trợ giá Đà Nẵng phát huy hiệu quả, trở thành “xe quen” của nhiều người dân |
Hút khách nhờ chất lượng
9h sáng 21/8, PV Báo Giao thông trong vai hành khách đón tuyến xe buýt số 11 hướng từ Xuân Diệu đến Siêu thị Lotte (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Đây là 1 trong 5 tuyến xe buýt trợ giá được Sở GTVT Đà Nẵng phối hợp với Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 đưa vào hoạt động từ ngày 10/12/2016. Cảm nhận đầu tiên là cánh cửa đóng mở hiện đại, bên trong không gian thoáng mát, sạch sẽ, khác hẳn cảm giác lên các xe buýt công cộng trước đây. Nhân viên trên xe hướng dẫn từng hành khách vào các vị trí phù hợp.
Theo quy hoạch đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có 2 tuyến xe buýt nhanh (BRT), 3 tuyến tiêu chuẩn dịch vụ BRT và 15 tuyến buýt thường. Đến năm 2030, sẽ có 28 tuyến xe buýt gồm: 4 tuyến BRT, 3 tuyến tiêu chuẩn BRT và 21 tuyến buýt thường. Các tuyến xe buýt sẽ phủ sóng hầu hết khu vực trong thành phố, đi qua 6 quận và 1 huyện. |
Bà Lê Thị Chung (58 tuổi, trú phường Hải Châu 1, quận Hải Châu), khách quen của tuyến buýt 11 hồ hởi: “Cứ đầu tuần là tôi lên xe buýt này để qua siêu thị Lotte mua thực phẩm cho cả tuần. Giá vé rẻ (5.000 đồng/lượt - PV), xe hiện đại, càng đi càng thích”. Quan sát thấy ghế ngồi hành khách được thiết kế rộng rãi, thoải mái. Máy lạnh bật liên tục suốt hành trình. Đặc biệt, xe có loa và bảng điện tử thông báo tự động về trạm dừng tiếp cho hành khách.
Theo nữ nhân viên trên xe buýt số 11, mới đầu bà con chưa quen với xe buýt nên đón xe chưa nhiều. Dần về sau, xe bắt đầu có khách quen ở đủ mọi lứa tuổi, lượt vé bán ra ngày càng tăng. Thống kê từ Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 cho thấy, đến hết tháng 7/2017, 5 tuyến buýt trợ giá vận chuyển hơn 995.000 lượt khách. Đơn vị đã bán ra hơn 1.100 vé tháng cho khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ tại điểm bán Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng và các trường học; tuyển dụng 109 lái xe cùng 110 phụ xe phục vụ tối đa nhu cầu hành khách.
Bên trong xe buýt trợ giá Đà Nẵng |
Kết nối vận tải công cộng
Mới đây nhất, Sở GTVT Đà Nẵng cùng Ban ATGT TP ban hành nhiều công văn tuyên truyền, vận động cán bộ công chức đi làm bằng xe buýt, tạo thói quen, văn hóa sử dụng giao thông công cộng cho nhiều đối tượng. UBND TP Đà Nẵng cũng phê duyệt chủ trương miễn phí 100% tiền vé xe buýt đối với cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương, bệnh binh có tỷ lệ thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên… giảm giá vé thêm từ 50-100% với những đối tượng là học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật.
Ông Đặng Nam Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng (Sở GTVT, quản lý 5 tuyến xe buýt này) cho biết, lộ trình 5 tuyến buýt trợ giá được đơn vị nghiên cứu dựa trên quy hoạch thành phố, các cuộc khảo sát trong vòng 5 năm về nhu cầu đi lại của người dân. Đây là những tuyến đi sâu vào khu dân cư, qua các trường học, siêu thị, công sở, những địa điểm du lịch với hơn 200 điểm dừng đón, trả khách, sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. “Để quản lý tốt phần trợ giá, chống thất thu trên các xe đều trang bị hệ thống đếm hành khách. Xe có thiết bị giám sát hành trình và camera quản lý doanh thu”, ông Sơn nói và cho biết, phần mềm AppBus đưa vào sử dụng từ tháng 4/2017 cũng giúp người dân, du khách tiếp cận dễ dàng hơn các tuyến buýt, điểm dừng đón khách.
Theo Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung, thành phố đang nỗ lực phát triển mạng lưới phương tiện vận tải công cộng để tạo lập văn hóa giao thông đô thị, giảm sử dụng xe cá nhân, dễ gây ùn tắc. Việc đưa vào khai thác nhiều tuyến vận tải công cộng nói chung và các tuyến xe buýt có trợ giá nói riêng cũng nhằm mục đích này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận