Chỉ mổ cầm chừng
Ngày 1/3, tại BV Hữu nghị Việt Đức, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (Hà Nội), thở phào vì mẹ chị vừa hoàn thành ca phẫu thuật thay khớp háng. Ở tuổi 80, mẹ chị Thanh bất ngờ ngã trên sàn nhà do trơn trượt, khiến gẫy cổ xương đùi, nhập viện vào ngày hôm qua và được xếp lịch mổ.
Chị Thanh cho biết: “Khi đưa mẹ vào nhập viện gia đình rất lo lắng không biết có phải chờ lịch mổ không vì nghe nói bệnh viện có kế hoạch hạn chế phẫu thuật. Nhưng giờ thì yên tâm rồi”.
Một ca phẫu thuật tại BV Hữu nghị Việt Đức
Cũng trong ngày hôm nay, bà Nguyễn Thị Minh (72 tuổi, ở Thanh Hóa) bị đau cột sống thắt lưng khiến việc đi lại khó khăn. Sau khi khám ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ quyết định chuyển tuyến cho bà ra BV Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) để mổ. Sau thăm khám, bà cũng được xếp lịch dự kiến phẫu thuật sau 4 ngày.
Như thông tin BV Hữu nghị Việt Đức, từ hôm nay, do nguồn dự trữ vật tư y tế, hóa chất gần cạn, nên bệnh viện hạn chế ca mổ phiên dành cho các ca mổ cấp cứu.
Bệnh viện cũng yêu cầu các bác sĩ lâm sàng sẽ đánh giá đúng tình trạng cấp cứu của người bệnh, để hồi sức, mổ cấp cứu theo quy định. Đồng thời, cân nhắc ra chỉ định xét nghiệm khi thật sự cần thiết hoặc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các khoa xét nghiệm trước khi ra chỉ định.
Với những bệnh nhân hoãn mổ bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để điều trị trong khoảng thời gian chờ đợi 3-4 tuần tới. Nếu bệnh nhân tuân thủ uống thuốc theo đơn bệnh có thể duy trì ổn định, ít nặng lên cho đến khi được mổ.
Tối 1/3, Giám đốc bệnh viện Trần Bình Giang cũng cho biết thêm: "Bệnh viện vẫn làm việc bình thường, cố gắng phục vụ người bệnh, tuỳ thuộc vào vật tư nào thiếu thì mới dừng mổ. Hiện bệnh viện chưa có thống kê số lượng giảm bao nhiêu ca mổ".
Được biết, tại Khoa Phẫu thuật chấn thương trong ngày 1/3, có 19 bệnh nhân đã được lên lịch mổ từ trước nhưng chỉ 6 bệnh nhân được duyệt mổ vì đáp ứng đủ các điều kiện của 1 ca mổ cấp cứu.
Năm 2022, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã mổ gần 80.000 ca, trung bình hơn 200 ca/ngày. Việc thiếu vật tư y tế, trang thiết bị y tế, hóa chất không chỉ ở BV Hữu nghị Việt Đức mà còn xảy ra ở nhiều bệnh viện khác trên toàn quốc, gây ảnh hưởng tới công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.
Nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu vật tư, hóa chất
Để khắc phục tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã có đề xuất Chính phủ về việc điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật cho phù hợp với thực tế. Trong đó tập trung nghị quyết tháo gỡ khó khăn việc mua hóa chất kèm theo máy; cụ thể với nhà thầu, trúng thầu hóa chất, vật tư đi kèm theo máy, có thể cho mượn hoặc cho tặng máy và được thanh toán BHYT.
Nghị định sửa đổi Nghị định 98 về quản lý trang thiết bị y tế, trong đó, chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nâng cao trách nhiệm của đơn vị cung ứng trang thiết bị trước pháp luật về kê khai giá, chất lượng và cấu hình, tính năng… Bộ Y tế triển khai giám sát, thanh tra…
Với quy định bắt buộc “3 báo giá” để xây dựng giá đấu thầu, sẽ bổ sung thêm nội dung với máy đặc chủng, trên thị trường chỉ có 1 loại thì được phép sử dụng 1 báo giá.
Nếu được Chính phủ thông qua, cơ bản tháo gỡ được vấn đề thiếu hóa chất, trang thiết bị y tế, vật tư y tế tại các bệnh viện hiện nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận