Sản phẩm C2, Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt phép bị thu hồi và tiêu hủy. |
Liên quan đến vụ việc URC sản xuất, lưu thông 2 lô sản phẩm C2, Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt phép, đơn vị này "đề nghị người bán lẻ, người tiêu dùng nếu vẫn còn giữ sản phẩm thuộc 2 lô hàng Rồng đỏ sản xuất ngày 10/11/2015 và C2 sản xuất ngày 4/2/2016 thì hãy gửi trả cho đại lý". URC sẽ hoàn tiền sản phẩm gửi trả.
Ngoài ra, "URC thành thật xin lỗi quý khách hàng, vì những lo lắng mà quý khách hàng gặp phải trong thời gian qua. Công ty URC đã và sẽ tuân thủ nghiêm túc mọi quyết định của Bộ Y tế ,dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành".
Nhiều độc giả của Báo Giao thông cho rằng, sau khi "đầu độc" hàng ngàn người tiêu dùng thì URC xin lỗi và cam kết tuân thủ quyết định của Bộ Y tế là chưa đủ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm cá nhân dưới góc độ người tiêu dùng và pháp lý về động thái của URC như sau:
"Đứng dưới góc độ là một người tiêu dùng, tôi cho rằng việc URC chỉ nói lời “xin lỗi suông” và cam kết tuân thủ quyết định của Bộ Y tế đối với hành vi đầu độc hàng ngàn người tiêu dùng bằng các sản phẩm khuyết tật của mình là sự coi thường người tiêu dùng của đơn vị này".
Trong trường hợp này, người tiêu dùng và cả xã hội mong muốn URC nên có những động thái mang tính nhân văn hơn, trách nhiệm hơn đối với người tiêu dùng. Đặc biệt là những người đã phải thu nạp vào người một hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép, khi sử dụng các sản phẩm C2 và Rồng đỏ của URC. Có thể sự trách nhiệm đó không cần phải bằng vật chất, bằng tiền bồi thường mà chỉ là sự thăm hỏi, động viên, sự quyết liệt trong thu hồi sản phẩm, sự cầu thị khi mình chính là người trực tiếp đã sản xuất ra các sản phẩm khuyết tật đang có nguy cơ gây hại rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng, tài sản cho người tiêu dùng.
Siêu thị dừng lưu thông sản phẩm C2, Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt phép. |
Rõ ràng, trong cơ chế thị trường hiện nay, người tiêu dùng phải được đối xử như “thượng đế”, phải được xem là trung tâm của sự phát triển doanh nghiệp, bởi chính người tiêu dùng đang là người nuôi sống doanh nghiệp trong từng ngày, từng giờ. Chính vì vậy, sức khỏe của người tiêu dùng cũng chính là thước đo đối với sức khỏe của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm - những thứ có thể ảnh hưởng ngay lập tức đến thực thể của người tiêu dùng. Tuy nhiên, tôi có cảm giác URC chưa làm được điều đó. Họ chưa thể làm cho người tiêu dùng tin là họ có thể đảm bảo một cách tốt nhất đối với sức khỏe người tiêu dùng, khi sự cố hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép xảy ra.
Về phát biểu trên của URC, tôi thấy rằng có lẽ họ đang quan tâm hơn đến việc bị phạt bao nhiêu tiền, bị áp dụng chế tài xử lý hành chính nào từ các cơ quan chức năng. Chứ chưa có bất kỳ động thái nào chăm lo đến sức khỏe của người tiêu dùng, những người đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những sản phẩm khuyết tật của URC gây ra. Khi bị báo chí đề cập đến trách nhiệm của URC trong vụ việc này, đại diện URC chỉ hời hợt tuyên bố: “Đề nghị người bán lẻ, người tiêu dùng nếu vẫn còn giữ sản phẩm thuộc 2 lô hàng Rồng đỏ sản xuất ngày 10/11/2015 và C2 sản xuất ngày 4/2/2016 thì hãy gửi trả cho đại lý. URC sẽ hoàn tiền sản phẩm gửi trả”. Vâng, xin thưa với URC rằng, cái mà người tiêu dùng cần không phải số tiền hoàn trả cho giá trị một hai chai nước ngọt, cái mà người tiêu dùng cần ở URC bây giờ là sự trung thực, là động thái quyết liệt trong việc khắc phục hậu quả, là sự quan tâm đến sức khỏe của những người đã trót uống thứ nước “độc” này do URC sản xuất.
Tuy nhiên, có lẽ người tiêu dùng sẽ không bao giờ có được điều đó, bởi URC chỉ cam kết “tuân thủ nghiêm túc mọi quyết định của Bộ Y tế, dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành”. Ở đây, rõ ràng Bộ Y tế không phải là cơ quan chức năng có thể quyết định được mức bồi thường các tổn thất về thể lực, trí lực, tinh thần… của người tiêu dùng đang được gây ra bởi các sản phẩm khuyết tật của URC.
URC cam kết tuân thủ quyết định của Bộ Y tế nhưng đây không phải là điều mà người tiêu dùng mong đợi. |
Dưới góc độ pháp lý, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh khi sản phẩm khuyết tật ngay cả trong trường hợp không có lỗi. Còn trong trường hợp này, lỗi chủ quan hoàn toàn thuộc về phía URC.
Tất nhiên, để được URC bồi thường thiệt hại thì người tiêu dùng còn phải thực hiện hàng loạt các thủ tục pháp lý phức tạp như: Chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hay tài sản, chứng minh lỗi của URC, chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa việc đã sử dụng các sản phẩm C2, Rồng đỏ thuộc các lô hàng khuyết tật với thiệt hại xảy ra trên thực tế... Chính sự phức tạp này của pháp luật Việt Nam đã là một lực cản rất lớn, khi người tiêu dùng thực hiện quyền của mình. Song, điều mà người tiêu dùng đang trông chờ ở URC chính là sự chủ động trong việc khắc phục hậu quả, chứ đã để đến lúc người tiêu dùng khiếu nại hay khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại thì có lẽ với họ, việc tiếp tục sử dụng các sản phẩm của URC chỉ còn trong quá khứ.
Luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn luật sư TP Hà Nội)
(Video URC Việt Nam nói về nghi án hối lộ báo chí vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì. Nguồn: VTC)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận