Ngôi nhà cao tầng của chủ “phường” Quách Thị Phượng |
Gần 90 hộ dân thôn Châu Mai, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội hiện đang như ngồi trên lửa bởi nguy cơ mất trắng số tiền đã đóng hụi. Người ít cũng vài chục triệu đồng, người nhiều lên tới 600 triệu đồng.
Khốn đốn vì chơi “phường”
Chiều 19/12, PV Báo Giao thông có mặt tại thôn Mai Châu, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km theo tuyến QL21B. Đi khắp đầu làng cuối làng, đâu đâu chúng tôi cũng được nghe người dân xôn xao về câu chuyện “chủ phường” (còn gọi là hụi, họ, biêu) Quách Thị Phượng (SN 1981, trú tại thôn Mai Châu) không trả tiền đóng hụi cho người chơi với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.
Tiếp xúc với PV, bà Nguyễn Thị Chia (SN 1947) buồn bã cho biết: “Tôi đi "phường" với chị Phượng từ ngày 28/6/2016 đến tháng 9/2017 là được 15 tháng. Các con, các cháu cho tôi tiền, tôi không dám ăn mà gom cả lại đi “phường” của chị Phượng, coi như tiền tiết kiệm sau này. Tổng 2 “phường” tôi đi với chị Phượng từ năm 2016 đến nay với số tiền gốc đã đóng là 37 triệu đồng, nếu lấy lãi thì là hơn 40 triệu đồng. Nhưng vừa rồi tôi xin lấy “phường”, chỉ lấy gốc thôi để đi viện mổ chân nhưng chị Phượng bảo chưa đến lượt. Cũng như trường hợp của bà Đào Thị Bểnh (SN 1964), là hàng xóm đi “phường” của chị Phượng cũng chưa lấy được 108 triệu đồng”.
Bà Chia cho hay, thường thì quy định một dây “phường” gồm khoảng 20 người, đóng 8 triệu ăn 10 triệu đồng, lấy quay vòng. Theo đó, chủ “phường” có trách nhiệm thu tiền, tháng đầu mỗi người đóng đủ là 8 triệu đồng, người đầu tiên lấy thì tháng kế tiếp phải đóng lên 10 triệu đồng. Cứ thế, đến tháng sau, người thứ 2 lấy phường cũng đóng 10 triệu đồng gối nhau liên tiếp đến người cuối. Riêng đến lượt chủ “phường” lấy tiền thì không phải đóng lãi mà chỉ đóng 8 triệu đồng. “Chủ “phường” đã không phải đóng lãi nhưng mỗi tháng người lấy “phường” đều phải biếu chủ “phường” tiền, “phường” nhỏ thì biếu 500 nghìn đồng, “phường” to thì biếu vài triệu đồng, giống như “nộp phế” vậy”, bà Chia nói.
Tương tự bà Chia, hàng chục người trong thôn cũng đang lâm vào cảnh khốn đốn, tích cóp được bao nhiêu đem đi “phường” nhưng đến nay muốn lấy lại mà không được. Điển hình như trường hợp gia đình anh Trung - chị Bên, có nguy cơ mất trắng 100 triệu đồng; bà Đào Thị Bổng (SN 1962) 600 triệu đồng; Bà Hoàng Thị Mượn (88 tuổi) 20 triệu đồng...
Theo bà Mượn, mỗi tháng bà góp được 4 triệu đồng từ khoản tiền bán rau và con cháu biếu. Hơn 30 tháng nay, bà đổ cả số tiền này vào “phường”. Bà còn “đi phường” hộ cả cháu gái đang lao động bên Nhật Bản với số tiền 2 triệu đồng/tháng. Thời hạn rút là đầu tháng 11 với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng, song đến nay bà chưa nhận được đồng nào.
Hay như trường hợp ông Nguyễn Văn Tam (77 tuổi), đã góp “phường” được hơn 500 triệu đồng, song quá ngày rút hơn 1 tháng vẫn chưa thấy tiền đâu. Số tiền này ông dự tính xây nhà và chữa bệnh cho vợ. Giờ căn nhà mới chỉ xong phần móng, vợ ông thì đang chờ tiền để đi mổ.
Bà Chia giơ sổ đóng “phường” ra và cho biết, giờ bà chỉ cần lấy tiền gốc chứ không cần lấy lãi nữa |
Người chơi đồng loạt tố cáo
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuất, Trưởng Công an xã Liên Châu, chiều 4/12, Công an xã đã nhận được 4 đơn của người dân trên địa bàn tố cáo đến lượt lấy tiền “phường” mà chị Phượng chưa trả. Trong 4 đơn đầu tiên thì người ít nhất là 37 triệu đồng là của bà Nguyễn Thị Chia và người nhiều nhất với số tiền 600 triệu đồng của bà Đào Thị Bổng.
Sau khi nhận được đơn tố cáo, công an xã đã báo cáo Công an huyện, UBND xã Liên Châu. Đến ngày 5/12, Công an huyện đã về phối hợp với Công an xã mời các hộ dân có đơn tố cáo đến trụ sở để làm rõ việc. “Sau đó, một số hộ dân tiếp tục mang đơn đến Công an xã tố cáo Phượng. Đến ngày 7/12, Công an xã và Công an huyện đã tiếp nhận 88 đơn tố cáo Phượng chưa trả người chơi “phường” với số tiền hơn 8 tỉ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Công an xã cũng chưa làm việc trực tiếp với Phượng do Phượng đã được Công an huyện triệu tập lên nhiều lần để tiến hành điều tra làm rõ. Hiện, Phượng vẫn ở tại địa phương”, ông Tuất nói.
Làm việc với Báo Giao thông, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Liên Châu khẳng định, sau khi sự việc xảy ra, xã đã chỉ đạo lực lượng Công an xã phối hợp chặt chẽ với Công an huyện, tăng cường công tác nắm tình hình, tránh gây xáo trộn, hoang mang trong nhân dân. Và đến thời điểm hiện tại, tình hình địa phương vẫn ổn định, cơ quan Công an huyện Thanh Oai đã thụ lý vụ việc để tiến hành điều tra làm rõ.
Chiếm đoạt trên 500 triệu đồng, có thể tù đến 20 năm Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định 3 loại hành vi là hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản phải thỏa mãn các dấu hiệu: Dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó; Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó; Sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Hiện nay, theo Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đã quy định thêm 1 loại hành vi là hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đó là hành vi “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”, đồng thời bỏ hành vi “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” ra khỏi khái niệm “hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đây là cơ sở pháp lý để các cơ quan pháp luật xử lý các vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội hiện nay như: Quỵt nợ, vỡ tín dụng, hụi họ... Theo đó, người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Tái phạm nguy hiểm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 -12 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm. Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận