Ca mắc mới Covid-19 liên tục lập đỉnh, ca nặng chưa đột biến
Trong tuần qua, Hà Nội liên tiếp lập đỉnh ca mắc mới Covid-19 với con số trên 3,9 nghìn ca, tăng dần lên hơn 4 nghìn và chiều 21/2, ghi nhận 5.477 ca bệnh (trong đó có 1.518 ca cộng đồng; 3.584 ca đã cách ly).
Tuy nhiên, tại các bệnh viện tuyến cuối, nơi tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch ghi nhận không xảy ra tình trạng quá tải, vẫn hoàn toàn đáp ứng điều trị.
BV Đa khoa Thanh Nhàn vẫn chủ động kế hoạch điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng
Trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc BV Thanh Nhàn cho biết, tại đây đang điều trị khoảng 250 bệnh nhân Covid-19, trong số này có khoảng 150 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Trong mấy ngày vừa qua số ca nhập viện cũng tăng hơn so với thời gian trước. Tuy nhiên, theo kế hoạch bệnh viện bố trí được 350 giường điều trị cho bệnh nhân nặng.
"Chúng tôi chủ động triển khai công tác điều trị, bệnh nhân đến đâu chúng tôi sẽ nhận đến đó. Chưa xảy ra hiện tượng quá tải. Với tình hình ca mắc tăng chung thì số lượng bệnh nhân nặng cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, hiện số ca Covid-19 tử vong cũng không tăng so với trước Tết. Hầu hết ca tử vong là người cao tuổi, bệnh nền, tiêm vaccine chưa đủ mũi, hoặc chưa tiêm vaccine”, bà Hương cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang cho hay: “Bệnh viện đang tiếp nhận, điều trị khoảng 300 bệnh nhân Covid-19. Con số này vẫn duy trì so với dịp trước và trong Tết, tuy nhiên số ca nặng có giảm đi. Hiện tại bệnh viện đang điều trị cho khoảng 150 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Cơ bản vẫn đảm bảo công tác điều trị”.
Tại BV Điều trị Covid-19, BV Đại học Y Hà Nội, hiện số ca đang điều trị Covid-19 cũng duy trì khoảng 200 bệnh nhân.
Làm gì để hạn chế gánh nặng cho tuyến cuối?
Để hạn chế gánh nặng cho hệ thống điều trị tuyến cuối, bà Hương khuyến cáo, khi người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh nền khi mắc Covid-19 phải khai báo y tế để có sự kiểm soát, theo dõi bệnh hàng ngày, kịp thời phát hiện dấu hiệu chuyển nặng để chuyển tuyến điều trị. “Có nhiều ca tự ý giữ tại nhà điều trị, đến khi suy hô hấp, SpO2 giảm mới thông báo y tế, sẽ gây khó khăn cho công tác điều trị, và dù đưa thẳng vào tuyến cuối, nguy cơ tử vong cũng rất cao”, bà Hương nói.
Theo khuyến cáo của PGS.TS. Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc BV Điều trị Covid-19, số bệnh nhân Covid-19 những ngày tới có thể sẽ tăng, tuy nhiên, những người đã tiêm vaccine sẽ bị nhẹ hơn. Dù vậy, mỗi người cần phải tuân thủ quy tắc 5K, không hoang mang và cũng đừng chủ quan để tránh lây nhiễm cho những người yếu thế, nguy cơ cao nhiễm, trở nặng và dễ tử vong.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Sở Y tế Hà Nội cũng đã khuyến cáo, người dân trên địa bàn thành phố khi có một trong các biểu hiện như: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, hoặc mất khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19, hoặc liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội qua số điện thoại (0969.082.115 hoặc 0949.396.115) để được tư vấn.
Khai báo y tế hằng ngày trên ứng dụng PC-Covid, nhất là những người có biểu hiện ho, sốt để góp phần giúp các cơ quan y tế kịp thời phát hiện, phân loại những ca F0 trong cộng đồng, nhằm chặn đứng, khóa chặt nguồn lây nhiễm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận