Ca mắc mới Covid-19 tăng vọt gần 24 nghìn người/ngày
Theo Bộ Y tế, từ mùng 4 Tết đến nay, số ca nhiễm đang tăng dần, ngày 8/2 ghi nhận số ca nhiễm cả nước lên gần 22 nghìn ca mới, 2.263 ca nặng đang điều trị và 93 ca tử vong;
Mới nhất ngày 9/2, số ca tăng vọt lên gần 24 nghìn với số ca tử vong trong ngày là 93 bệnh nhân và 2.771 ca nặng. Như vậy, trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 94 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.614 ca, chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm.
Theo nhận định của bộ Y tế, số ca nặng giảm, với mức duy trì ở mức trên 2 nghìn ca mỗi ngày, trong khi tháng trước luôn hơn 3 nghìn đến 4 nghìn ca.
Tăng mạnh số ca mắc mới Covid-19 sau Tết Nguyên đán
Việc gia tăng ca Covid-19 sau thời gian nghỉ Tết được các chuyên gia cho rằng không ngoài dự đoán trước đó.
Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhận định nhu cầu đi lại dịp Tết Nguyên đán trong bối cảnh cả nước đang dần mở lại các hoạt động, dẫn đến gia tăng người nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, với độ phủ vaccine rộng, tình hình dịch hiện vẫn đang được kiểm soát.
Theo ông Phu, trước việc mở cửa thích ứng an toàn với dịch, xác định mục tiêu ca mắc có thể tăng cao nhưng số ca trở nặng và tử vong phải được kiểm soát. Do đó phải thường xuyên theo dõi, đánh giá trên thực tế để có giải pháp khống chế kịp thời.
“Có thể nói độ bao phủ vaccine đã giúp kiểm soát dịch nhưng không thể buông trôi thả lỏng, phải thực hiện nghiêm 5K. Bên cạnh đó, dù mở cửa các hoạt động nhưng vẫn song hành với giải pháp chung sống an toàn. Bởi nếu dịch bùng lên mức độ cao sẽ dẫn đến quá tải y tế, tăng ca nặng và tử vong”, ông Phu cho biết.
Theo ông Phu, để đánh giá tác động dịch trong thời gian Tết nguyên đán cần có khoảng 1 tuần sẽ nhìn rõ.
Cùng ý kiến, PGS. Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, con số ca mắc tăng cao trong vài ngày sau kỳ nghỉ lễ Tết chưa phản ánh đúng thực trạng dịch, cần có khoảng thời gian tối thiểu 1 tuần nữa. Bởi có số tăng cao cũng có thể do dồn do cán bộ y tế một số bộ phận nghỉ Tết, hoặc tạm ngưng test Covid-19…
Ý thức cá nhân quyết định mức độ dịch
Cùng số ca mắc mới tăng cao, nhiều hoạt động cũng đang trên đà "mở cửa" như mở lại bar, karaoke, học sinh trở lại trường... khiến nhiều người lo ngại.
Về vấn đề này, ông Nga cho biết thêm, dù số ca tăng cao nhưng hiện số lượng ca nặng và tử vong vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, với số ca tăng như hiện nay, lây lan rộng trong cộng đồng rồi thì việc kiểm soát ngăn cản dịch không phát triển rất khó, nên ý thức cá nhân là quan trọng nhất trong phòng chống dịch. Người dân tự chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có dấu hiệu nghi ngờ có thể tự test nhanh Covid tại nhà, khai báo và điều trị. Đặc biệt lưu ý bảo vệ những người có bệnh nền, cao tuổi hoặc chưa tiêm vaccine. Hạn chế tối đa tụ tập đông người không cần thiết.
Liên quan nguy cơ từ biến chủng mới khi số ca mắc tăng cao, PGS. Đỗ Văn Dũng, Đại học Y Dược TP.HCM nhận định, trên thực tế, Omicron không quá đáng sợ, diễn biến bệnh do chúng gây ra thường nhẹ. Tuy nhiên, những người đã tiêm đủ liều vaccine vẫn có nhiều khả năng nhiễm Omicron.
“Hiện chúng ta đang có kế hoạch phòng, chống dịch trước biến chủng Omicron khá phù hợp. Đó là vẫn khuyến khích người dân nghiêm chỉnh thực hiện 5K, đồng thời tăng cường mũi tăng cường vaccine Covid-19 cho người dân. Cần kiểm soát dịch tránh xảy ra quá tải cho hệ thống y tế", ông Dũng cho biết.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, Bộ Y tế mới đây yêu cầu các địa phương tiếp tục nâng mức cảnh giác cao nhất với dịch Covid-19, đặc biệt với biến chủng mới Omicron, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Theo đó, cần giám sát và phát hiện sớm ca nghi nhiễm Covid-19 tại cộng đồng để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để; Đồng thời triển khai các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo khi cách ly, khu phong tỏa; Quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh... Các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận