Năng lực xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp Realtime-PCR của Quảng Ngãi chỉ đạt 1.500 mẫu/ngày.
Số ca mắc mới liên tục tăng, cơ sở điều trị quá tải
Trưa 7/7, ông Nguyễn Xuân Mến, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết: Sau khi ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên ở thị xã Đức Phổ (từ ngày 26/6 đến nay), Quảng Ngãi có 142 ca dương tính với SARS- CoV-2.
Lực lượng chức năng đã truy vết xác định 1.822 trường hợp F1; 4.836 trường hợp F2. Các cơ sở cách ly thực hiện cách li tập trung 1.822 người, cách li tại nhà hơn 4.900 người. Hiện giờ, tại tâm dịch thị xã Đức Phổ, lực lượng y tế đã cơ bản hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho xã Phổ Châu và phường Phổ Thạnh.
Tính đến thời điểm này, số lượng bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở 1 điều trị Covid-19 là 142 bệnh nhân, trong đó, có 80 bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt, đau rát họng; có 5 bệnh nhân nặng với tình trạng bệnh lí nền đái tháo đường, suy vành.
Ông Mến nhận định, hiện dịch COVID-19 tại Quảng Ngãi đang diễn biến hết sức phức tạp. Qua sàng lọc nhanh ghi nhận nhiều ca bệnh cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Dịch bệnh đã trải qua nhiều chu kì lây nhiễm và nhiều nguồn lây cộng đồng nên việc khoanh vùng và phong tỏa rất khó.
Vì vậy, tất cả các địa phương trên toàn tỉnh đều có nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là các khu công nghiệp vì qua xét nghiệm sàng lọc có công ty trong khu công nghiệp đã xuất hiện ca nghi nhiễm, nhiều huyện đã xuất hiện ca nhiễm cộng đồng.
Ông Mến cho hay: Những ngày tới, các F1 trong khu cách li tập trung sẽ được xét nghiệm lần 2, 3. Do đó nguy cơ F1 chuyển thành F0 và F2 chuyển thành F1 là rất lớn. Nhiều ca bệnh tiếp tục ghi nhận trong thời gian đến cùng với đó là nhiều F1, F2 cần được cách li.
Hiện nay năng lực thu dung, điều trị F0 ở Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 số 1 của tỉnh Quảng Ngãi đã vượt quá khả năng tiếp nhận. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã kích hoạt cơ sở điều trị số 2 tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi, với quy mô khoảng 150 giường bệnh.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến nhanh, nên dự kiến, trong ngày hôm nay kích hoạt thêm cơ sở điều trị số 3 là Bệnh viện đa khoa Đặng Thùy Trâm với năng lực tiếp nhận 300-400 bệnh nhân.
Ông Mến cho biết thêm: Hiện năng lực xét nghiệm của tỉnh Quảng Ngãi là 1.500 mẫu/ngày. Sở Y tế Quảng Ngãi đã cho phép Bệnh viện Thiện Nhân tiếp nhận mẫu và gửi về Đà Nẵng xét nghiệm, tiếp theo sẽ xem xét các đơn vị khác thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm. Sinh hóa phẩm phục vụ xét nghiệm hiện cơ bản đáp ứng.
Lực lượng chức năng đang ngày đêm căng sức chạy đua với thời gian thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Quảng Ngãi
Người dân hãy đồng lòng với chính quyền
Trước đó, trong sáng 7/7, tại cuộc họp khẩn với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ngãi, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi kêu gọi người dân, doanh nghiệp cùng đồng lòng với chính quyền, góp sức cùng cả hệ thống chính trị thực hiện phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Trước tình hình dịch Covid-19 lây lan, bùng phát, xuất hiện tại thị xã Đức Phổ, TP. Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Ba Tơ, với tổng cộng 142 ca bệnh, ông Minh thống nhất, từ 0h ngày 8/7, Quảng Ngãi áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên địa bàn tỉnh đối với TP.Quảng Ngãi, TX.Đức Phổ, huyện Bình Sơn, Ba Tơ và huyện Tư Nghĩa.
Còn lại 8 huyện khác trong tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian tới, địa phương nào phát sinh ca F0 trên địa bàn thì Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ áp dụng Chỉ thị 16 đối với địa phương đó.
Để kiểm soát tốt và đẩy lùi dịch Covid- 19 trong thời gian tới, ông Minh yêu cầu Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh về việc cung ứng vật tư, nhu yếu phẩm và các cơ sở điều trị, khám bệnh, cách ly; chịu trách nhiệm toàn diện về công tác xét nghiệm cho người dân và các đối tượng cần xét nghiệm và người dân tự nguyện xét nghiệm trong cộng đồng.
Ông Minh cũng đề nghị Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ngãi phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, theo dõi sát tình hình, diễn biến của dịch hàng ngày để báo cáo kịp thời cho Chủ tịch UBND tỉnh những vấn đề vượt thẩm quyền để có chỉ đạo xử lý kịp thời.
Đồng thời, giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi thẩm quyền phải thực hiện quyết liệt hơn nữa, kiểm soát chặt chẽ và có biện pháp xử lý cứng rắn hơn nữa đối với những tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch.
Các địa phương phải chủ động cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu khác cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Minh cho hay: Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân, doanh nghiệp hết sức chia sẻ, đồng hành cùng các cơ quan trong hệ thống chính trị để việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đạt được hiệu quả cao nhất, sớm đem lại cuộc sống bình thường cho người dân và phục vụ tốt cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
"Trong thời điểm này, người dân đang trông chờ vào chính quyền. Chính vì vậy, yêu cầu chính quyền các cấp phải hết sức quan tâm đến đời sống của người dân; kịp thời giải quyết các vấn đề chính đáng, hợp pháp, bức thiết của người dân trong thời gian áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16", ông Minh nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận