Số liệu công bố tăng, du khách giảm
Từ ngày 15/3, ngành du lịch cả nước đã chính thức mở cửa hoàn toàn. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại các điểm du lịch ở Cần Thơ lại khá vắng khách.
Du khách đi cáp treo để du lịch trên đỉnh núi Cấm, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Ông Lê Hải Phúc, Giám đốc Làng du lịch sinh thái Ông Đề (huyện Phong Điền), cho biết, gần đây lượng khách đến làng du lịch đã giảm rất nhiều, nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh đang phức tạp trở lại.
Theo ông, số ca nhiễm được công bố trên truyền thông mỗi ngày đã tạo sự e dè đối với du khách. Bình quân, mỗi ngày, cơ sở chỉ đón vài chục lượt khách.
Lãnh đạo một công ty du lịch ở tỉnh An Giang, cho hay, từ đầu tháng 2, đã có rất nhiều đoàn gọi điện đến đặt chỗ. Sau đó, công ty đã lên lịch thiết kế các tour du lịch cho khách.
“Tuy nhiên sau đó, họ gọi điện báo hủy vì lý do số F0 công bố tăng dữ quá, không ai dám đi chơi.
Bây giờ các điểm du nào cũng chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị cũng như các phương án phòng dịch, đảm bảo an toàn cho du khách.
Còn đối với người dân, đến thời điểm này đã có kiến thức cũng như phòng dịch rất tốt. Đặc biệt, chúng ta đã chấp nhận mở cửa, sống chung với dịch, thì việc công bố số lượng F0 mỗi ngày vốn không còn nhiều ý nghĩa”, lãnh đạo này nói.
Nhiều điểm du lịch ở miền Tây khan hiếm khách.
Chị Trần Thị Thu Trang (du khách đến từ Cà Mau) cho biết: Mỗi ngày, chị vẫn đọc báo, theo dõi thông tin về dịch Covid-19, nhưng đã không còn quan tâm đến số liệu F0.
“Hiện nay F0 xuất hiện khắp nơi, biết bao nhiêu người sáng test 1 vạch, nhưng đến chiều thì 2 vạch. Nên việc công bố số liệu đã không còn phù hợp.
Cái người dân cần hiện nay là kiến thức để phòng dịch đối với những biến chủng virus mới, cũng như, khi đã nhiễm bệnh thì điều trị như thế nào”, chị Trang nêu ý kiến.
Nên công bố hay không?
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL cho rằng: "Trước đây, Việt Nam chú trọng vào việc công bố số lượng F0 để phục vụ cho chính sách “zero Covid-19”, truy vết thần tốc F1, F2…
Việc công bố số liệu F0 vẫn có ý nghĩa và hiệu quả nhất định, để qua đó, đưa ra cảnh báo về mức độ dịch bệnh, để các địa phương phối hợp với nhau kiểm soát, phòng dịch…
Điều người dân cần hiện nay là kiến thức để phòng dịch đối với những biến chủng virus mới.
Tuy nhiên, bây giờ tư duy chống dịch của chúng ta đã thay đổi, chuyển sang thích ứng an toàn trong tình hình mới. Khi cách tiếp cận với dịch bệnh đã thay đổi thì giải pháp cũng cần phải thay đổi cho phù hợp".
Theo ông, không có nghĩa là không quan tâm đến các ca F0, thậm chí việc theo dõi các F0 vẫn luôn rất cần thiết. Đến nay, Bộ Y tế vẫn cho rằng, F0 cần thiết phải cách ly ở nhà, dù đã có địa phương đi tiên phong như tỉnh Long An, Cà Mau... đã cho F0 đi làm…
"Nhưng có thể thấy rằng, việc công bố số F0 là không cần thiết nữa trong bối cảnh hiện nay. Nói như vậy không có nghĩa là bỏ hẳn, mà chúng ta sẽ làm gì khi không công bố số liệu nữa?", ông nói.
Theo ông Hiệp, vấn đề quan trọng nhất là cần quan tâm đến các ca bệnh nặng và số ca tử vong. Trong đó, sẽ chuyển trọng tâm sang thông tin minh bạch, theo dõi kịp thời đối với những F0 có triệu chứng hoặc chuyển nặng, tử vong.
Khách giảm mạnh khiến trái cây đặc sản ở miền Tây cũng giảm lượng tiêu thụ.
Từ đó, tập trung vào “phân khúc” tăng cường chăm lo công tác điều trị, y tế chuyên sâu, và chính sách hậu Covid-19.
Theo các chuyên gia, trên thế giới, Singapore là quốc gia tiên phong trong việc bỏ công bố số ca nhiễm Covid-19. Đến thời gian nào đó, Việt Nam cũng sẽ giống như Singapore, không công bố số ca nhiễm, không đặt lưu tâm về số ca mắc mới, mà xem đây như một bệnh thường khi người nhiễm không có diễn tiến nặng.
Vừa qua, Bộ Y tế cũng đã xin ý kiến Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 tạm dừng thông báo số ca mắc mới hằng ngày vì số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận