Nhiều trường hợp ở Cà Mau sử dụng mạng xã hội vi phạm pháp luật bị phạt hành chính. (Ảnh minh họa)
Theo Công an tỉnh Cà Mau, 6 tháng đầu năm 2021, đơn vị này đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh này xác minh, xử lý 22 trường hợp sử dụng mạng xã hội vi phạm pháp luật.
Trong đó, cơ quan chức năng đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8 trường hợp, với số tiền 60 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhắc nhở, buộc gỡ bỏ bài viết, cam kết không tái phạm 9 trường hợp, 12 trường hợp đăng tải thông tin xúc phạm uy tín của tổ chức, cá nhân (chiếm 54,5% tổng số vụ).
Điển hình vụ gần đây vào ngày 3/6, UBND thị trấn Rạch Gốc phân công lực lượng tháo dỡ công trình xây dựng trái phép của một hộ dân trên địa bàn. Lúc này, chị L.U.G. (SN 1993, ngụ thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) dùng mạng xã hội Facebook livestream có nội dung lăng mạ, xúc phạm lực lượng đang làm nhiệm vụ.
Ngày sau đó, Công an huyện Ngọc Hiển đã mời chị G. lên làm việc. Tại đây, chị G. đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Công an huyện Ngọc Hiển cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với chị G., do vi phạm quy định tại điểm g, Khoản 3, Điều 120 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Cụ thể là “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
Nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
Theo đó, tất cả các nhóm đối tượng đều phải tuân thủ các quy tắc chung, gồm: Quy tắc Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; Tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Quy tắc Lành mạnh; Quy tắc An toàn, bảo mật thông tin; Quy tắc Trách nhiệm (Chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật).
Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức phải tuân thủ các nguyên tắc ứng xử cho các nhóm đối tượng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận