Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với tỉnh Cà Mau. Ảnh: Gia Minh |
Sáng 13/1, Đoàn công tác của Chính phủ, do Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Cà Mau về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ trong năm 2018.
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, năm 2017, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 37.847 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2016. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2017 đạt 11.170 tỷ đồng, bằng 93,1% kế hoạch (12.000 tỷ đồng), tăng 9,9% so với năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.108 triệu USD, bằng 100,8% kế hoạch tăng 13% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách đạt 4.183 tỷ đồng, bằng 98,7% kế hoạch. Trong đó, thu nội địa 4.166 tỷ đồng, bằng 101,2% dự án, chi ngân sách đạt 8.139 tỷ đồng vượt 1,53% so với kế hoạch. Đồng thời, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 1,9 tỷ đồng bằng 85,4% tổng kế hoạch vốn năm 2017; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,9%.
Đặc biệt, về lĩnh vực giao thông vận tải, trong năm qua công tác quản lý điều hành hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa và phương tiện ra vào bến bãi an toàn, đúng quy định. Đến nay, đã hoàn thành đường ô tô đến trung tâm 81/82 xã (chỉ còn xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi); xây dựng 318km lộ giao thông nông thôn, vượt 6% kế hoạch.
Trong năm 2018, Cà Mau phấn đấu GRDP đạt 40.480 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 42,4 triệu đồng (tương đương 1.880 USD); thu ngân sách đạt 4.202 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD; giải quyết việc làm cho 38.000 lao động.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, kết quả thực tế cho thấy tình hình kinh tế của tỉnh phát triển chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng sẵn có. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế chưa cao, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất còn chậm.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Gia Minh |
Bên cạnh đó, các vi phạm về gian lận thương mại, hàng giả diễn biến phức tạp; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp chưa được giải quyết dứt điểm,… từ những hạn chế nói trên, Phó Thủ tướng lưu ý: “Cà Mau cần phải quan tâm hơn nữa và sớm khắc phục những hạn chế trong thời gian qua để phát triển bền vững trong thời gian tới”.
Phó Thủ tướng đề nghị, năm 2018, tỉnh Cà Mau cần khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế sẵn có, phấn đấu hơn nữa để đưa Cà Mau phát triển nhanh và bền vững, trở thành một trong những tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chỉ đạo, điều phối phát triển ĐBSCL nhằm phát huy tối đa thế mạnh của tỉnh.
Chú trọng việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, phát triển mạnh doanh nghiệp nông nghiệp, khai thác và nuôi trồng, chế biến hải sản mà nuôi tôm là thế mạnh của tỉnh. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh, coi phục vụ nhân dân và doanh nghiệp là mục tiêu cao nhất. Giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Phó Thủ tướng nhận định, Cà Mau được xem là một trong những địa phương có tiềm năng kinh tế thuỷ sản và kinh tế biển lớn nhất cả nước với chiều dài bờ biển 254km, diện tích ngư trường hơn 80.000km2 và hơn 300.000 ha nuôi trồng trên đất liền).
“Cà Mau hiện đang triển khai dự án cảng tổng hợp Hòn Khoai tại khu vực đảo Hòn Khoai. Đây là cảng nước sâu, có khả năng đón tàu có tải trọng lên đến 250.000 tấn. Dự án này không chỉ có ý nghĩa đối với tỉnh mà còn là cửa ngõ cho vùng ĐBSCL hướng ra biển, góp phần giảm chi phí vận chuyển và nâng cao tính cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của vùng như thủy sản, lúa, gạo,...”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Cà Mau, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ, ngành trung ương cần tổng hợp lại tất cả. Đồng thời, nghiên cứu và đưa ra những giải pháp cụ thể, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
“Việc phát huy liên kết vùng, vừa có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa có ý nghĩa bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh Cà Mau nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung, nhằm tạo ra thế mạnh liên kết vùng. Xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi cho cả vùng góp phần phát huy tối đa thế mạnh chung”, Phó Thủ tướng lưu ý. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận