Theo ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có khoảng 200.000 người đang sinh sống, học tập, làm việc, lao động và điều trị bệnh ở ngoài tỉnh. Tập trung nhiều nhất là ở các tỉnh, thành phố TP. HCM, Bình Dương và Đồng Nai...
Chị em phụ nữ ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) chế biến thực phẩm hỗ trợ bà con ở TP.HCM. Ảnh: Trần Khải
Hiện số lượng người dân xa quê có nguyện vọng được trở về địa phương lên đến vài chục nghìn người, hầu hết ở các tỉnh thành dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Tỉnh Cà Mau hiện cách ly tập trung khoảng 900 trường hợp là F1 và 2.500 người đang được cách ly tại nhà. Trong khi toàn tỉnh chỉ có 1.200 giường bệnh và thời gian tới chỉ có thể bố trí thêm được hơn 400 giường. Tỉnh chỉ có 2 máy xét nghiệm Covid-19, 150 máy thở. Với cơ sở vật chất và đội ngũ y bác sĩ hiện nay, ngành y tế địa phương chỉ có thể điều trị 240 người bệnh.
“Vào giữa tháng 7/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất phương án sẽ đón hết người dân có nguyện vọng về quê. Tuy nhiên, vì điều kiện thực tế của tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện chưa bảo đảm nên địa phương chưa thể triển khai ngay”, ông Thánh chia sẻ.
Cà Mau thông tin với báo chí về việc đón rước bà con gặp khó khăn từ vùng có dịch về quê. Ảnh: Trần Khải
Hiện đã có trên 3.000 người gặp khó khăn, đăng ký trực tiếp với Ban Liên lạc Đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau để được hỗ trợ về quê. Nhưng giả định trong số này, nếu chỉ có khoảng 10% người mắc Covid-19 thì số giường bệnh của địa phương sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân.
“Lãnh đạo tỉnh Cà Mau không bỏ dân nhưng không thể đón dân về đồng loạt mà chia theo đợt. Các trường hợp được hỗ trợ tiền, thực phẩm mà trụ lại được thì bà con gắng bám trụ, chỉ những trường hợp không về không được thì sẽ xem xét đưa bà con về quê.
Lãnh đạo UBND tỉnh thống nhất triển khai hỗ trợ cho bà con đợt 1 vào 28/7/2021 với hơn 2 tấn cá khô, 1 tỷ đồng cùng một số nhu yếu phẩm khác vận động từ các đơn vị tài trợ. Và đợt hỗ trợ thứ 2 sẽ được triển khai vào đầu tuần sau”, ông Thánh nói và mong muốn người dân chia sẻ khó khăn của tỉnh.
Hàng cứu trợ của Cà Mau ủng hộ cho bà con ở TP. HCM. Ảnh: Trần Khải
Theo ông Hồ Việt Lắm, Trưởng Ban Liên lạc Đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau, mỗi ngày 17 thành viên của ban liên tục nghe điện thoại tiếp nhận thông tin bà con trình bày khó khăn do dịch bệnh. Ban liên lạc đã tiến hành cứu trợ đợt 1 được 1.200 suất; đợt 2 đang triển khai dự kiến 3.000 suất là tiền hoặc nhu yếu phẩm tương đương 500.000 đồng/suất/người. Còn rất nhiều người gặp khó khăn, cần giúp đỡ, ban liên lạc sẽ tiếp tục huy động để cứu chợ cho bà con gặp khó khăn vào đợt 3.
Ông Lắm nêu cụ thể, có trường hợp người dân không còn tiền bạc đi bộ từ Bình Phước để về Cà Mau. Đi được 2 ngày đến tỉnh Bình Dương thì bị chốt kiểm dịch chặn lại. Người này sau đó đã tìm được số điện thoại của ban liên lạc. Qua đó, được chính quyền địa phương tiếp nhận ở lại hỗ trợ làm công tác phòng chống dịch.
Chia sẻ về việc đón rước bà con về quê, ông Lắm cho rằng, số lượng bà con đăng ký về rất lớn. Tuy nhiên, tỉnh Cà Mau không nên căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của địa phương để quyết định. Đưa về phải đảm bảo an toàn cho công tác phòng chống dịch, chứ đưa về mà tạo ổ dịch mới thì không nên.
Đại diện Ban Liên lạc Đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau cũng kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục vận động bà con ở lại. Chỉ những trường hợp hết sức khó khăn, không thể tiếp tục bám trụ được nữa thì nên xem xét điều kiện để đón về.
Tôm, ba khía rang được chị em phụ nữ ở thị trấn Rạch Gốc chế biến ủng hộ bà con vùng ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Trần Khải
“Khi nào Cà Mau tổ chức cách ly tại nhà được với F0, F1 thì nên đưa bà con về nhiều. Ngược lại, cần đón hạn chế trong điều kiện cho phép, cần đặt vấn đề an toàn, bảo đảm phòng dịch của số đông lên trên tình cảm”, ông Lắm nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận