Xã hội

Cà Mau: Gác lại quá khứ, nỗ lực vươn lên sau bão Linda

03/11/2017, 11:34

Gác lại nỗi đau quá khứ từ bão Linda (1997), người dân Cà Mau nỗ lực phấn đấu vươn lên mạnh mẽ.

Khanh Hoi 1

Hàng trăm tàu cá đang và nơi neo đậu an toàn tại cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh, Cà Mau). Ảnh: G.M

Hậu quả vô cùng to lớn

Sáng 3/11, tại UBND xã Khánh Hội (huyện U Minh, Cà Mau), Đoàn lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng đại diện các Sở, Ban, Ngành và đông đảo người dân ở Cà Mau đã tổ chức dâng hương, dâng hoa tại Bia tưởng niệm đồng bào tử nạn trong cơn bão số 5 (bão Linda) năm 1997.

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, ngày 2/11/1997, bão số 5 (có tên quốc tế là Linda) đã đổ bộ vào đất liền, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và con người. Tại Cà Mau, bão đã làm 128 người chết, mất tích 1.164 người, 601 nạn nhân bị thương.

Không những thế, bão Linda còn làm sập, hư hỏng trên 160.000 căn nhà ở Cà Mau, 666 tàu cá bị chìm, hư hỏng nặng; 63.000ha rừng và 77.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị tàn phá tập trung ở các huyện U Minh và Trần Văn Thời làm thiệt hại về tài sản hơn 2.700 tỷ đồng. Những con số này đủ để nói lên sự đau thương, mất mát rất lớn đối với người dân của địa phương nơi cực Nam Tổ quốc.

Cơn bão dữ đi qua đã để lại những hậu quả vô cùng to lớn, mất mát về người, thiệt hại tài sản, hoạt động sản xuất bị xáo trộn, nhất là trong lĩnh vực khai thác thủy sản do thiếu trầm trọng về nguồn lao động đi biển kéo theo sự giảm sút của các ngành chế biến, dịch vụ và toàn ngành thủy sản lúc đó.

Bão còn làm cho sự phát triển kinh tế - xã hội bị ngưng trệ, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, những đứa trẻ mất cha, những người vợ mất chồng, nhà cửa, ruộng vườn hoang tàn, xơ xác cùng hàng loạt những hệ lụy khác. Những đau thương, mất mát ấy không gì có thể đong đếm được.

56591586bb02575c0e13

Bia tưởng niệm đồng bào tử nạn trong cơn bão số 5 (bão Linda) năm 1997, được đặt gần cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh, Cà Mau). Ảnh: G.M

Nỗ lực vươn lên từ đau thương

Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi, chính quyền đã cùng với nhân dân dốc toàn lực cho công cuộc khắc phục hậu quả do thiên tai để lại, khôi phục sản xuất, nhanh ổn định đời sống, vươn lên phát triển mạnh mẽ sau bão.

Mặc dù, hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Cà Mau đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực thủy sản (một trong những ngành mũi nhọn của tỉnh Cà Mau), với tổng sản lượng thủy sản đạt 480.000 tấn vào năm 2016.

Tính đến hết tháng 9/2017, tổng sản lượng thủy sản đạt 382.500 tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng khai thác thủy sản đạt 155.200 tấn với một đội tàu đánh bắt hùng hậu trên 4.500 chiếc. Trong đó, có hơn 2.300 tàu đánh bắt xa bờ, đã góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo nên vị thế vô cùng quan trọng trong sự phát triển chung của nền kinh tế cả nước.

Hiện tại, Cà Mau đang phải chịu tác động không nhỏ của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều loại thiên tai như: bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở bờ sông, bờ biển, dông, lốc xoáy,... tần suất xuất hiện ngày càng dày đặc, diễn biến khó lường gây thiệt hại lớn cả về tài sản và tính mạng người dân nơi đây.

Điển hình là đợt hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra vào năm 2015-2016, đã làm thiệt hại gần 53.000ha lúa, 158.000ha nuôi trồng thuỷ sản, 1.500ha cây ăn quả và cây trồng khác. Hạn hán và xâm nhập mặn còn làm sụp lún, lở đất, hư hỏng 112km đường giao thông, hơn 12.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, ước thiệt hại gần 1,5 tỷ đồng.

DSC_3685

Đội Thanh tra chuyên ngành Hố Gùi (thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau) luôn trong tư thế sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Ảnh: G.M

Lấy phòng ngừa là chính

Đúc kết kinh nghiệm từ cơn bão số 5, gác lại nỗi đau quá khứ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau đang nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới, nhất là trong công tác phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt là phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người.

Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền phải làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, xác định nhiệm vụ phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên.

“Lấy phòng ngừa là chính, lấy nhân dân, chính quyền địa phương làm trung tâm, cùng nhau vượt qua những thách thức ngày càng to lớn, khắc nghiệt hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu mà Cà Mau là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”, lãnh đạo tỉnh Cà Mau kêu gọi người dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.