Lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiểm tra đê biển Tây, đoạn qua xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) bị sụt lún nghiêm trọng hồi tháng 2/2020. Ảnh: Gia Minh
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Cà Mau về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 120 ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã được Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu.
Cụ thể, dự án kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau do Ngân hàng Tái thiết Đức tài trợ tại huyện U Minh với chiều dài 2km, với tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng; trồng rừng mới và trồng rừng bổ sung năm 2018 - 2019 là 220ha, năm 2020 là 131ha.
Triển khai xây dựng kè thuộc Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL do WB tài trợ tại huyện Trần Văn Thời với chiều dài 9km, tổng mức đầu tư 201 tỷ đồng.
Triển khai các dự án gia cố hệ thống đê xung yếu trên địa bàn tỉnh Cà Mau với chiều dài 20,7km, kinh phí 323,402 tỷ đồng.
Cà Mau cũng đang triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng đê biển Tây từ Cái Đôi Vàm đến Kênh Năm và kè phòng, chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu từ cửa biển sông Ông Đốc đến cửa biển Bảy Háp”, với chiều dài 11km, do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ kinh phí 220 tỷ đồng.
Triển khai Dự án bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau chiều dài 14,5km (kè vật liệu địa phương và 316,5ha rừng), với kinh phí đầu tư 179,579 tỷ đồng;
Dự án xây dựng kè tạo bãi trồng rừng ngập mặn ven biển Tây từ vốn Chương trình mục tiêu biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (2016 - 2020) chiều dài 9,7km, với kinh phí đầu tư 264 tỷ đồng.
Một số tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị sụt lún nghiêm trọng trong năm 2020.
Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Cà Mau cũng gặp khó khăn, do là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của thiên tai, nước biển dâng, hạn hán.
Bên cạnh đó, tình hình sạt lở không chỉ diễn ra ở bờ biển Đông và đê biển Tây mà còn ngay trong nội đồng với tần suất và mức độ thiệt hại ngày càng gia tăng.
Do đó, tỉnh Cà Mau kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm bố trí đủ vốn ưu tiên đầu tư hoàn thiện tuyến đê biển Tây và thực hiện đầu tư xây dựng mới tuyến đê biển Đông.
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng xem xét, bổ sung thêm vốn cho các dự án khẩn cấp bảo vệ bờ biển Đông hoặc cho phép tỉnh Cà Mau chủ động lựa chọn danh mục dự án bức xúc nhất để triển khai thực hiện trong phạm vi số vốn hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hàng năm cho tỉnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận