Liên tiếp xảy ra các vụ tranh chấp ngư trường trên biển Cà Mau
Theo UBND tỉnh Cà Mau, thời gian qua, các hành vi gây mất an ninh trên tự trên vùng biển tỉnh Cà Mau đã được các cơ quan chức năng tập trung xử lý.
Cụ thể, năm 2022, Công an tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận, xử lý một vụ cưỡng đoạt tài sản, với 6 bị can và hai vụ trộm ốc bẫy mực, với 8 bị can.
Thế nhưng, thời gian gần đây, tình trạng tranh chấp ngư trường để khai thác thủy sản trên vùng biển của tỉnh Cà Mau có chiều hướng gia tăng.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Cà Mau, trên vùng biển Tây tỉnh Cà Mau liên tục xảy ra các vụ việc tranh chấp ngư trường, làm ảnh hưởng đến tài sản, sức khỏe của ngư dân, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Lực lượng chức năng tỉnh đã thụ lý các tin báo về tội phạm.
Chỉ tính riêng tháng 12/2023 đã xảy ra 6 vụ tranh chấp ngư trường trên vùng biển thuộc tỉnh Cà Mau.
Điển hình là ngày 30/12/2023, trên vùng biển tỉnh Cà Mau (thuộc địa bàn huyện U Minh), tàu cá CM-97980-TS đang hoạt động, thì tàu cá CM-06337-TS đến, có người dùng ná thun, bắn đạn bi sắt tấn công, làm thuyền viên D.V.Đ bị thương vùng đầu và ngực.
Qua xác minh, xác định bốn đối tượng cùng thường trú tại xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời liên quan đến vụ việc.
Trước đó, ngày 29/12/2023, tàu cá CM-92324-TS đang hoạt động cách cửa biển Đá Bạc khoảng 12 hải lý về hướng Tây Bấc, bất ngờ bị người trên phương tiện của ông D (ở ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) dùng hung khí bắn bi sắt và bi keo qua tàu, gây bể kính ca bin bên phải (hướng từ ca bin lên mũi tàu) và bị thương một thuyền viên.
Sau khi vụ việc xảy ra, ông C.V.Y điều khiển tàu cá CM-92324-TS vào Trạm Kiểm soát Biên phòng Đá Bạc trình báo vụ việc. Hiện tại, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ.
Gần đây nhất là vụ tàu cá CM-91296-TS của L.H.H giao cho L.T.T trực tiếp quản lý, sử dụng, thuê ông P làm thuyền trưởng (hành nghề ốc bẫy mực), trên tàu có 5 người.
Ngày 2/1/2024, khi tàu cá đang neo đậu, thì có khoảng bốn đối tượng lạ mặt điều khiển vỏ lãi (phương tiện đi lại trên sông) đến, dùng chai thủy tinh chứa xăng, đốt ném qua tàu cá. Hậu quả, làm tàu cá bị cháy và chìm trên biển. Sau đó, các đối tượng điều khiển vỏ chạy đi.
Sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện U Minh đã tiếp nhận và chuyển vụ việc đến Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Cà Mau thụ lý, điều tra, làm rõ đối tượng.
Tăng cường tuần tra, kiên quyết xử lý vi phạm
Trước tình hình trên, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thành phố Cà Mau và các ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý nhanh các vụ việc.
"Đối với trường hợp đã rõ đối tượng và hành vi, khẩn trương đưa ra xét xử theo quy định. Đồng thời, tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát, quản lý khu vực biên, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định, không để phát sinh điểm nóng", chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu.
Cũng theo UBND tỉnh Cà Mau, công an tỉnh này đã thành lập ban chuyên án do thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh làm Trưởng ban, cùng lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, công an các huyện ven biển làm thành viên.
"Đến nay, phần lớn các vụ việc đã xác định được đối tượng vi phạm, đã khởi tố một vụ án, 5 bị can", báo cáo nêu.
Theo nhận định của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, trước đây có xung đột quyền lợi, xảy ra tranh chấp giữa nghề lưới kéo (cào) với nghề ốc bẫy mực và tình trạng trộm cắp ốc bẫy mực.
Hiện nay, phát sinh thỏa thuận giữa nhóm tàu cào với tàu ốc bẫy mực, dần dần dẫn đến dấu hiệu chiếm ngư trường trái phép để trục lợi. Ngoài ra, các tàu cùng làm nghề ốc bẫy mực cũng xảy ra mâu thuẫn với nhau.
Trong thời gian tới, để chấn chỉnh tình trạng trên bảo đảm an ninh trật tự trên vùng biển, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương đưa các vụ án hình sự đã xác định được đối tượng, đủ căn cứ pháp lý ra xét xử đúng quy định hiện hành.
Đồng thời, tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, để xác định, xử lý nghiêm các đối tượng còn lại, tránh để sót, lọt đối tượng vi phạm. Đối với các vụ việc còn lại, tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ, xử lý dứt điểm trong thời gian sớm nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đơn vị chức năng cùng chính quyền các địa phương ven biển phối hợp với Cảnh sát biển, Kiểm ngư và các tỉnh giáp ranh tăng cường tuần tra, kiểm soát các phương tiện ra vào cửa biến, hoạt động trên biển để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cùng với đó, Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh đẩy nhanh hơn nữa lộ trình cắt giảm tàu cá làm các nghề ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái. Rà soát đề xuất bổ sung khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn trên địa bàn tỉnh.
Nhằm bảo đảm an ninh trật tự trên vùng biển, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét hướng dẫn, cho chủ trương hoặc sửa đổi, tham mưu sửa đổi quy định rõ hơn về "nghề đặc thù" của từng địa phương.
Hoặc phân cấp, giao quyền cho địa phương có cơ chế quy định liên quan đến các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động nghề ốc bẫy mực (nhóm nghề, ngư cụ bẫy, cố định, thụ động, khai thác đơn loài, mùa vụ…) hoạt động ở vùng ven bờ, vùng lộng; hỗ trợ tỉnh kinh phí để tăng cường thả rạn, khu trú ngụ, thiết bị cắt cáp lưới kéo...
UBND tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị Bộ Quốc phòng, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các lực lượng chức năng trên biến (Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư...) phối hợp, hỗ trợ tỉnh trong công tác tuần tra, kiểm soát, nhất là các khu vực thường xuyên xảy ra tranh chấp ngư trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận