Ngày 12/8, theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, chủ tịch tỉnh vừa ban hành quyết định về việc quy định số lượng, chủng loại xe ô tô phục vụ công tác chung của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Cà Mau.
Tổng số xe theo định mức (tối đa) là 163. Trong đó, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh 100 xe (văn phòng cấp tỉnh 18 xe; sở, ban, ngành cấp tỉnh 67 xe; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh 15 xe), và các đơn vị cấp huyện 63 xe.
Số lượng xe này do Trung tâm Dịch vụ tài chính công trực thuộc Sở Tài chính quản lý, sử dụng, vận hành theo Đề án quản lý xe ô tô công tập trung.
Đồng thời, số lượng, chủng loại xe ô tô phục vụ công tác chung ban hành tại quyết định này được ổn định trong thời gian 5 năm kể từ ngày ký.
Theo quyết định của UBND tỉnh Cà Mau, chủng loại xe ô tô phục vụ công tác chung là xe ô tô một cầu hoặc hai cầu, có số chỗ ngồi từ 4 đến 16 chỗ ngồi (bao gồm cả xe ô tô bán tải) theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 72/2023/NĐ-CP ngày 26/9/2023 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, căn cứ tính chất công việc, nhu cầu sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung thực tế để thực hiện nhiệm vụ của địa phương và khả năng cân đối ngân sách.
Trên cơ sở đề xuất của Sở Tài chính, chủ tịch UBND tỉnh sẽ xem xét, quyết định việc trang bị số lượng, chủng loại xe ô tô cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Cà Mau phù hợp, đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định.
Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ tài chính công tỉnh Cà Mau, từ khi nhận được thông báo từ cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng xe qua số điện thoại trực, trung tâm sẽ điều xe tới điểm hẹn trong thời gian tối đa là 20 phút (ngày làm việc) và 40 phút (ngày nghỉ).
Quá trình điều xe phải có lệnh điều xe, cấp giấy công lệnh cho tài xế, giấy sử dụng xe (gồm các thông tin nơi đi, nơi đến; số km thể hiện từ lúc xuất phát đến điểm kết thúc là bao nhiêu...).
"Khi về đến nơi, thủ trưởng hoặc người đi trên xe có phiếu ký xác nhận km và gửi lại cho tài xế. Sau đó, tài xế sẽ nộp lại phiếu này cho trung tâm để thanh toán công tác phí, xăng dầu.
Việc tiếp theo là kế toán của trung tâm sẽ tổng hợp và chuyển phiếu báo đến đơn vị sử dụng xe. Sau 10 ngày, đơn vị sử dụng xe phải chuyển tiền về kho bạc vào tài khoản của đơn vị quản lý xe. Từ đó, kho bạc mới chi ra theo kế hoạch", vị này chia sẻ thêm.
Theo Sở Tài chính tỉnh Cà Mau, qua 5 năm thực hiện Đề án thí điểm quản lý xe ô tô công tập trung (2018 – 2023) các đơn vị cấp tỉnh đã cho thấy, công tác quản lý và sử dụng tài sản công hiệu quả, đúng mục đích, có sự quản lý tập trung, chuyên nghiệp.
Cùng với đó, giảm số lượng người làm việc, giảm được khâu trong quản lý, vận hành tại các cơ quan, đơn vị; giảm được số lượng xe ô tô công so với định mức quy định, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách hành chính công.
Qua 5 năm điều hành, ghi nhận tổng số 34.444 lượt đăng ký sử dụng xe ô tô công. Tổng thu từ hoạt động điều hành xe ô tô công là 39 tỷ đồng. Tiết kiệm cho ngân sách trên 9 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận