Xã hội

Cà Mau sẽ ứng phó thiên tai, sạt lở đường giao thông thế nào?

15/05/2023, 15:54

Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo tăng cường các biện pháp ứng phó với thiên tai, xây dựng nhiều kịch bản để chủ động ứng phó.

Ngày 15/5, theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa có văn bản đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND cấp huyện tăng cường các biện pháp ứng phó với thiên tai.

Chủ động ứng phó

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí cán bộ, lực lượng quản lý đê thường xuyên kiểm tra các vị trí đê xung yếu, cống đập để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố sạt lở, sụt lún...

img

Mưa lớn kèm triều cường dâng cao gây ngập khu vực nội ô TP Cà Mau trong năm 2022

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với sở, ngành, địa phương, đơn vị chức năng tiếp tục rà soát, cập nhật tình hình sụt lún, sạt lở lộ giao thông, khẩn trương hướng dẫn các địa phương, nhân dân thực hiện các giải pháp ứng phó, khắc phục thiệt hại.

Bên cạnh đó, thống kê, dự báo các vị trí lộ giao thông có khả năng xảy ra sạt lở, sụt lún, hư hỏng, qua đó chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống phù hợp với nhận định diễn biến thiên tai, thời tiết và điều kiện thực tế ở địa phương, đảm bảo lưu thông an toàn cho người dân.

UBND cấp huyện chủ động phối hợp với sở, ngành, cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất; chỉ đạo rà soát, cập nhật, bổ sung kế hoạch phòng, chống thiệt hại do thiên tai của ngành, địa phương, đơn vị.

3 kịch bản phòng, chống thiên tai

Để chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Cà Mau đã đưa ra phương án ứng phó mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, có 3 kịch bản ứng phó mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt và nước dâng.

Kịch bản 1: Mưa lớn kèm theo lốc, sét với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

img

Đê biển Tây (Cà Mau) thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai gây ra

Kịch bản 2: Mực nước lũ cao (do ảnh hưởng bởi mưa kết hợp triều cường) từ báo động 1 đến dưới báo động 2 tại các trạm trên 1 lưu vực sông (Gành Hào, Cửa Lớn, Ông Đốc, Đầm Dơi, Rạch Gốc) cấp độ rủi ro do ngập lụt cấp 1; từ báo động 2 đến dưới báo động 3 cộng 1m tại các trạm trên 1 lưu vực sông và từ báo động 1 đến dưới báo động 2 tại các trạm trên nhiều lưu vực sông (Gành Hào, Cửa Lớn, Ông Đốc, Đầm Dơi, Rạch Gốc), cấp độ rủi ro do ngập lụt cấp 2; từ báo động 2 đến dưới báo động 3 cộng 1m tại các trạm trên nhiều lưu vực sông (Gành Hào, Cửa Lớn, Ông Đốc, Đầm Dơi, Rạch Gốc), cấp độ rủi ro do ngập lụt cấp 3.

Theo báo cáo từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã gây ra nhiều thiệt hại. Cụ thể: chìm 3 phương tiện; 28 căn nhà bị thiệt hại, hư hỏng; sập 1 đáy hàng khơi (dụng cụ bắt cá - PV); 11 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài 298m; vỡ 1.727m bờ bao. Ước tính thiệt hại khoảng 4,5 tỷ đồng.

Kịch bản 3, độ cao nước dâng kết hợp với thủy triều gây ra mực nước tổng cộng cao từ 1 - 2m cho khu vực ven Biển Đông và ven Biển Tây tỉnh Cà Mau, cấp độ rủi ro do nước dâng cấp 2 và độ cao nước dâng kết hợp với thủy triều gây ra mực nước tổng cộng cao từ trên 2 - 3m cho khu vực ven Biển Tây tỉnh Cà Mau, cấp độ rủi ro do nước dâng cấp 3.

Theo đó, triển khai thực hiện phương án phòng, chống mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng theo phương châm “4 tại chỗ” thực chất, hiệu quả.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau, mục tiêu thực hiện các phương án nhằm nâng cao năng lực, chủ động, kịp thời, hiệu quả trong công tác phòng, chống mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng theo các cấp độ rủi ro của các ngành, các cấp và người dân.

Bên cạnh đó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng gây ra trên địa bàn tỉnh. Không để xảy ra thiệt hại về người do mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng gây ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.