Tự ý chặn sông, xây cầu cảng
Nhiều người dân thôn Yên Kiều, xã Tứ Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh, thời gian gần đây ông Hoàng Anh và một số người lợi dụng việc được Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép hoạt động bến thủy nội địa trên địa bàn để xây dựng trái phép cầu cảng, phục vụ khai thác cát, sỏi trái phép trên Sông Lô.
Xưởng nghiền cát được xây dựng ngay tại bến thủy nội địa của ông Hoàng Anh tại thôn Yên Kiều, xã Tứ Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc
Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm khiến bờ sông Lô bị sạt lở, tạo thành hố sâu gây bức xúc dư luận.
“Ông Hoàng Anh và những người liên quan đã xây dựng 2 bến bãi tập kết cát sỏi ngay tại bờ sông Lô. Sau đó, họ mua đất bãi ven sông để đào đất đá, vận chuyển về xưởng nghiền cạnh bờ sông. Do họ trả giá cao hoặc uy hiếp không đồng ý bán đất sẽ cho khai thác vào gần làm sạt lở xuống sông nên nhiều người đã ký giấy bán để phục vụ khai thác cát.
Hiện các hộ quanh nhà tôi gần như đều đã nhận tiền, chỉ còn gia đình tôi không muốn nhường đất nên rất lo lắng”, ông. N.V.B, một người dân địa phương nói.
Cầu cảng xây dựng trái phép trên sông Lô, đoạn qua xã Tứ Yên
Theo quan sát của PV, hiện nay đang là mùa khô nên sông Lô, đoạn qua xã Tứ Yên gần như trơ đáy, từ đó đã lộ ra những hố sâu cả chục mét chi chít dọc bờ sông. Tại khu vực này đang tồn tại 2 bãi tập kết, nghiền cát sỏi và bến thủy nội địa ven sông.
Các loại đất đá, cát sỏi vẫn đang được tập kết, tổ chức sàng tuyển. Cát sỏi sau nghiền, tuyển sẽ được vận chuyển bằng cả đường bộ và đường sông. Nước thải từ việc nghiền cát sỏi được xả thẳng xuống sông gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tại đây có 1 cầu cảng đang được thi công dài khoảng 200m, được xây dựng bằng cọc gỗ đóng 2 bên rồi đổ đất đá, nối từ đê sông Lô ra giữa dòng sông. Tình trạng này không chỉ cản trở dòng chảy mà còn có nguy cơ đe dọa đến ATGT đường thủy khi nước sông Lô dâng cao trong mùa mưa lũ.
Không chỉ tự ý thỏa thuận, khai thác cát sỏi tại bãi bồi ven sông, theo chỉ dẫn của người dân địa phương, PV ghi nhận nhiều đoạn đê sông Lô qua địa bàn xã Tứ Yên đã bị hạ mái và chân đê để mở đường vận chuyển đất đá, cát sỏi, nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng an toàn của tuyến đê.
Sẽ xử lý nghiêm
Máy múc, ô tô khai thác cát sỏi trái phép tại sông Lô, phục vụ xưởng nghiền cát tại Tứ Yên
Trao đổi với Báo Giao thông về tình trạng trên, lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: Việc cấp phép hoạt động bến thủy nội địa ở đây là bến tự nhiên, giấy phép chỉ cho sử dụng bờ tự nhiên, san ủi thành bãi.
Việc bốc xếp hàng hóa được thực hiện bằng máy xúc chuyên dùng. Do đó, nếu chủ bến xây dựng cầu cảng, chặn dòng sông là hoàn toàn trái phép, đề nghị Thanh tra đường thủy kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định.
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của Báo Giao thông, Đội thanh tra đường thủy phụ trách sông Lô đã tiến hành kiểm tra. Kết quả cho thấy, tại khu vực này đang tập kết lượng lớn cát sỏi nhưng chưa rõ nguồn gốc.
Việc xây dựng cầu cảng của ông Hoàng Anh là trái phép.
“Tuy nhiên, do đây là địa điểm đã được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa nên thẩm quyền xử lý thuộc Cảng vụ Phú Thọ thực hiện. Lực lượng thanh tra đường thủy sẽ chuyển hồ sơ, trao đổi thông tin cho Cảng vụ Phú Thọ xử lý theo thẩm quyền”, đại diện đơn vị cho biết.
Trao đổi về trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm tại địa bàn, lãnh đạo Hạt Quản lý đê Lập Thạch - Sông Lô, Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Hiện cán bộ quản lý hồ sơ đang đi vắng nên chưa thể thông tin cụ thể về vi phạm tại vị trí phản ánh trên”.
Đại diện Cảng vụ Phú Thọ và UBND xã Tứ Yên cũng khẳng định: Vị trí trên chưa được cấp phép xây dựng cầu cảng trên sông. Các đơn vị sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định.
Đưa ra Quyết định số 11/QĐ-SGTVT ngày 5/1/2023, về việc công bố lại hoạt động bến thủy nội địa của Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc, ông Hoàng Anh thừa nhận, một bãi tập kết vật liệu do ông trực tiếp đứng tên, quản lý. Bãi còn lại thì góp vốn, cùng điều hành với người khác ở Tuyên Quang.
Bến được thành lập để phục vụ lắp đặt máy nghiền cát, sỏi. Theo đó, đất đá được mua lại từ tàu trên sông và đào múc từ bãi bồi ven sông sau khi thỏa thuận với các hộ dân. Do chủ yếu cát được bán cho các hộ tiêu thụ nhỏ lẻ, không phải xuất hóa đơn, chứng từ nên những người có liên quan không xin cấp phép khai thác, chế biến theo quy định. Cầu cảng trên mới được xây dựng để phục vụ việc vận chuyển cát lên tàu.
“Trong hồ sơ cấp phép bến thủy nội địa không có cầu cảng trên nhưng do sông Lô mùa này cạn quá, tôi đã tự xây dựng cầu cảng trên để tiện cho việc vận chuyển, bốc xếp hàng hóa”, ông Hoàng Anh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận