Chiều 19/10, Văn phòng Quốc hội tổ chức Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XV.
Tại cuộc họp báo, một số phóng viên đã đặt câu hỏi liên quan đến việc lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII của Đảng.
Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội
Về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, đây là vấn đề rất quan trong, tác động đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, vừa qua tình hình dịch COVID-19 đã tác động hết sức nghiêm trọng đến kinh tế xã hội của nước ta. Dịch bệnh không chỉ tác động đến chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh, đến đời sống mà còn phải chi nhiều ngân sách cho công tác phòng chống dịch.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường lấy dẫn chứng việc phải chi các khoản kinh phí mua kít xét nghiệm, mua vaccine phòng COVID-19, thiết bị y tế, chi cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch…
"Việc tăng lương theo lộ trình đã đặt ra tại Nghị quyết 27 là hết sức cần thiết. Song trong bối cảnh hiện nay khi bị đứt gãy chuỗi sản xuất, thiệt hại kinh tế lớn, tăng trưởng khoảng trên 3% thì nguồn lực để đầu tư cho phát triển, cho an sinh xã hội và chăm lo cho người dân cần thiết hơn", ông Bùi Văn Cường cho hay.
Cũng theo ông Cường, các cán bộ, công chức, viên chức sẵn sàng đồng thuận với việc lùi thực hiện cải cách tiền lương đến thời điểm thích hợp. Còn lùi đến thời điểm nào thì đã được giao cho Chính phủ, các cơ quan liên quan xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
Tuy nhiên, Trung ương cũng xác định các nhóm đối tượng có thu nhập thấp sẽ được ưu tiên trước, trong đó có những người đã về hưu trước năm 1995 được xem xét trước.
Cùng nói về vấn đề này, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho hay, tới thời điểm này việc cải cách tiền lương đã "lỡ hẹn". Gần đây nhất, Ban Chấp hành Trung ương họp đã thống nhất lùi cải cách tiền lương không thời hạn đến một thời điểm thích hợp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, đã chuẩn bị kỹ các giải pháp để tạo nguồn lực cho cải cách tiền lương. Trong đó triển khai các nhiệm vụ cơ cấu thu, chi ngân sách để đảm bảo nguồn thu bền vững để cải cách tiền lương; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng trong sử dụng ngân sách nhà nước; quyết liệt thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng về kinh tế; tăng cường quản lý để nâng cao hiệu quả chi ngân sách Nhà nước; tiết kiệm trên 10% dự toán chi thường xuyên hàng năm…
Ông Đặng Thuần Phong cho rằng, các vấn đề này đều tập trung thực hiện nhưng so với nhu cầu thì chưa đủ nguồn lực. Bên cạnh đó, đề án về tinh giảm bộ máy, việc làm phải song hành với vấn đề này nhưng chúng ta chưa thực hiện được như mong muốn.
Do đó, những điều kiện cần thiết để đáp ứng yêu cầu cải cách tiền lương chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, nguồn lực của quốc gia hiện tại đang được đầu tư hoàn toàn cho công tác phòng chống dịch COVID-19.
Cũng theo ông Phong, đây là giai đoạn cả nước đang "thắt lưng buộc bụng", lo phòng chống dịch chờ phục hồi kinh tế. Do vậy, giai đoạn này nếu tăng lương cũng có phần phản cảm, chưa phù hợp.
Sắp tới, lộ trình tăng lương căn cứ theo mức lương cơ bản, mức sống tối thiểu, mức chênh lệch của khoảng cách tiền lương thì Chính phủ sẽ có phương án trình trong điều kiện ngân sách cho phép, nguồn lực cho phép.
"Việc phân cấp cho địa phương phòng chống dịch thời gian qua chưa chặt chẽ"
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Xã hội thẩm tra báo cáo thực hiện nghị quyết của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai.
Việc thực hiện các nội dung phòng, chống dịch Covid-19 khác luật đã tạo ra sự chủ động nhưng cũng tạo ra những hệ lụy.
“Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chắc chắn sẽ có đợt rà soát tổng thể toàn bộ hệ thống pháp luật ban hành thực thi phòng chống dịch để xem có vượt quyền, trái quy định hay tạo bức xúc trong xã hội lớn hơn nữa hay không”, ông Phong nói.
Qua thẩm tra của Ủy ban Xã hội, hiện Chính phủ và bộ, ngành chưa đánh giá tổng thể liên quan đến việc hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống dịch hay đề xuất sửa đổi bổ sung luật, nghị quyết liên quan. Các văn bản hướng dẫn trả lời của bộ, ngành để giải quyết vướng mắc còn chậm, chưa kịp thời nên cách hiểu chưa thống nhất, nhiều cách hiểu, cách làm khác nhau gây bức xúc.
Còn tình trạng văn bản địa phương chưa rà soát thận trọng nên còn sai sót phải đính chính, thu hồi, bổ sung nhiều lần gây phản cảm.
"Việc phân cấp cho địa phương thời gian qua chưa thật sự chặt chẽ, thiếu cơ chế kiểm soát thực hiện nên mỗi địa phương quy định một kiểu, áp dụng pháp luật thiếu nhất quán, có dấu hiệu cát cứ, thực thi chỉ đạo Trung ương chưa trọn vẹn", ông Phong nhận định và cho biết, Chính phủ cũng đã nhận diện rõ và xác lập những giải pháp khắc phục, đồng thời có chiến lược tổng thể phòng, chống dịch và thích ứng an toàn đối với mọi diễn biến trong tình hình mới. Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 để thực thi có giá trị thực tiễn cao nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận