Tới nay, Việt Nam đã tiêm khoảng hơn 1 triệu liều vaccine Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên và vùng dịch (Trong ảnh: Những bác sĩ đầu tiên của BV Thanh Nhàn được tiêm vaccine Covid-19 vào tháng 3/2021). Ảnh: Hoàng Vân
Đáng lưu ý, nhiều người dân đã tự nguyện chuyển tiền đóng góp vào Quỹ Vaccine phòng Covid-19 của Chính phủ. Nếu cả nước cùng góp tiền mua vaccine, Việt Nam không lo thiếu tiền chống dịch.
Hàng nghìn tỷ đồng ủng hộ sau vài ngày
Hai ngày qua, cùng với các tập đoàn, tổng công ty lớn ủng hộ hàng trăm tỷ đồng cho Quỹ Vaccine phòng Covid-19, có khá nhiều cá nhân đã gửi tiền qua tài khoản ngân hàng để ủng hộ Quỹ, chỉ sau 1 ngày Bộ Tài chính công bố thông tin tài khoản tiếp nhận.
Trên trang facebook cá nhân, nhà báo Lê Quốc Vinh, đang công tác tại một cơ quan báo chí trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: “Tôi tự nguyện góp tiền với Chính phủ để mua vaccine phòng Covid-19.
Tôi không biết bao giờ sẽ đến lượt vợ con và gia đình tôi được tiêm, cũng không biết làm thế nào và bao giờ sẽ mua đủ vaccine cho Việt Nam, điều duy nhất có thể giúp đỡ là đóng góp một phần nhỏ cho Quỹ Vaccine phòng Covid-19 của Chính phủ”.
Kèm theo lời chia sẻ này là số tài khoản tiếp nhận của Quỹ Vaccine phòng Covid-19, cùng lời nhắn gửi tới bạn bè, đồng nghiệp: “Nếu bạn có thể giúp một tay, có thể chuyển khoản đến các tài khoản của Quỹ...”.
Cũng trên trang cá nhân của mình, ca sĩ Đan Trường cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, anh đã ủng hộ vào Quỹ Vaccine phòng Covid-19 với số tiền là 50 triệu đồng. “Với tình hình hiện nay, ai có bao nhiêu thì đóng góp bấy nhiêu, sức mình tới đâu thì ủng hộ tới đó, để bớt gánh nặng cho đất nước mình”, nam ca sĩ chia sẻ.
Theo Bộ Y tế, tính từ ngày 21/5 - 28/5, đã có 19 tập đoàn, các đơn vị khối ngân hàng, các tổng công ty, doanh nghiệp hỗ trợ cho Quỹ Vaccine phòng Covid-19 với số tiền 470 tỷ đồng, 1 triệu USD và 5 triệu liều vaccine Covid-19.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là nguồn thống kê các khoản hỗ trợ thông qua Bộ Y tế, hiện còn các nguồn khác thông qua MTTQ Việt Nam hay các địa phương vẫn đang được chuyển về Quỹ và sẽ có con số thống kê cụ thể trong vài ngày tới.
Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, việc Chính phủ thành lập Quỹ Vaccine phòng Covid-19 để huy động thêm nguồn lực là chủ trương đúng đắn và hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay, nhất là trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn.
Bà Ánh cũng cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, hiện đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký và đến ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 với số tiền hơn 2.700 tỷ đồng. Trong đó, số tiền đăng ký ủng hộ Quỹ Vaccine phòng Covid-19 là hơn 500 tỷ đồng.
“Nhân dân ta có truyền thống đoàn kết, chung sức đồng lòng ở mọi giai đoạn của lịch sử dân tộc. Tôi tin tưởng mọi người dân sẽ tích cực hưởng ứng đóng góp để Quỹ Vaccine phòng Covid-19 được triển khai nhanh chóng”, bà Ánh bày tỏ.
Tại TP.HCM, trong ngày 30/5, Ủy ban MTTQ TP.HCM cũng cho biết đã tiếp nhận đăng ký ủng hộ phòng dịch Covid-19 với số tiền hơn 2.177 tỷ đồng, trong đó ủng hộ 510 tỷ đồng góp cùng cả nước để mua vaccine..
Trong khi đó, theo ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính - đơn vị được giao quản lý Quỹ Vaccine phòng Covid-19), hiện Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện quy chế hoạt động của Quỹ để có thể ban hành vào đầu tuần này.
Trong thời gian này, các tổ chức và cá nhân vẫn có thể tiếp tục đóng góp thông qua MTTQ hoặc Bộ Y tế, sau đó, các cơ quan sẽ phối hợp để chuyển các khoản đóng góp đó về Quỹ. Đồng thời, các cá nhân ủng hộ có thể chuyển tiền vào tài khoản tiếp nhận của Quỹ.
Do các nguồn tiền vẫn đang được chuyển về Quỹ từ nhiều nguồn nên hiện con số cụ thể chưa được thống kê.
“Quỹ này chỉ sử dụng để mua, nhập khẩu và sản xuất vaccine phòng dịch Covid-19 chứ không có mục đích sử dụng nào khác. Ngay cả kinh phí hoạt động của bộ máy quản lý Quỹ cũng do ngân sách Nhà nước chi trả, không sử dụng từ nguồn thu của quỹ. Danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ sẽ được công khai, minh bạch trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước”, ông Hưng nói.
Bộ Y tế hỗ trợ mọi thủ tục để nhập vaccine
Từ tháng 3/2021, Bộ Y tế đã kêu gọi, khuyến khích tất cả doanh nghiệp trong và ngoài nước có đủ điều kiện tiếp cận, đàm phán với các đối tác trên thế giới có khả năng cung cấp vaccine ngừa Covid-19. Ảnh minh họa: Tạ Hải
Vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay là khi người dân, doanh nghiệp đã đồng lòng với quyết tâm của Chính phủ, đóng góp vào Quỹ Vacccine phòng Covid-19 thì việc nhập khẩu vaccine có khó khăn gì hay không?
Đến thời điểm này, chỉ duy nhất Công ty CP Vaccine Việt Nam VNVC là đơn vị tư nhân tiếp cận và nhập khẩu với dự kiến khoảng 30 triệu liều vaccine Astra Zeneca về Việt Nam. Ngay sau đó, toàn bộ số vaccine sẽ được chuyển nhượng cho Bộ Y tế theo nguyên tắc phi lợi nhuận với giá chuyển nhượng ngang bằng với giá mà VNVC mua của Astra Zeneca.
Về cơ chế hoạt động của Quỹ Vaccine phòng Covid-19, Bộ Tài chính chỉ có chức năng quản lý tài chính, còn quyết định sử dụng khi nào và mỗi lần bao nhiêu thì các cơ quan liên quan sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để quyết định. Trên cơ sở đó Bộ Tài chính sẽ xuất tiền từ Quỹ để thực hiện mua vaccine. Điều đó sẽ đảm bảo được sự công khai, minh bạch.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty VNVC cho biết, hiện vaccine Covid-19 trên thế giới đang thiếu trầm trọng bởi nguồn cung hiếm hoi. Bên cạnh đó các hãng lớn sản xuất vaccine Covid-19 chỉ đàm phán với Chính phủ, không bán cho doanh nghiệp.
Một số hãng có bán cho doanh nghiệp nhưng số lượng ít và thường họ chọn những doanh nghiệp có đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về kho lạnh, xe lạnh, thiết bị lạnh để vận chuyển vaccine từ kho tới các điểm tiêm… Và ở Việt Nam hiện chỉ có duy nhất VNVC có đầy đủ hệ thống này.
“Các tập đoàn đa quốc gia lớn đang thiếu vaccine, kể cả các nước lớn đang chiến đấu kiếm từng liều một nên việc tiếp cận nguồn cung là rất khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta không còn cách nào khác là phải tìm mọi cách có thể để tiếp cận, không ai có thể chậm trễ lúc này”, ông Dũng nói và cho biết thêm, theo kế hoạch 30 triệu liều vaccine sẽ về Việt Nam trong năm 2021.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tới nay, trong số 30 triệu liều vaccine Astra Zeneca mua qua Công ty VNVC, số lượng thực về mới chỉ có 405.000 liều; 38,9 triệu liều từ Covax mới thực về mới khoảng gần 2,5 triệu liều; 31 triệu liều đặt hàng của Pfizer và một nguồn khác đang đàm phán vẫn chưa có thời gian cung ứng cụ thể; 40 triệu liều vaccine Sputnik của Nga cũng chưa rõ khi nào về nước…Ngoài ra, Bộ Y tế đang đặt mua thêm 10 triệu liều từ Covax và 20 triệu liều từ Pfizer, xong chưa rõ kết quả.
Đáng nói, một số nước phát triển đã đặt mua nhiều hơn nhu cầu sử dụng thực tế. Điều này khiến tình trạng khan hiếm vaccine toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Không chỉ khó tiếp cận nguồn vaccine, dù các đối tác đã cam kết giao vaccine cho Việt Nam nhưng công tác phòng chống dịch nước ta khá tốt nên vaccine được điều chuyển trước cho các nước nguy cơ cao hơn. Do đó, tiến độ cung ứng vaccine ở Việt Nam bị chậm lại.
Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Y tế vẫn luôn khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân có khả năng tiếp cận với nguồn cung ứng vaccine phòng Covid-19 tham gia cùng Nhà nước để đạt mục tiêu mở rộng độ bao phủ tiêm chủng vaccine trong cộng đồng.
“Trong khi nguồn vaccine Covid-19 nhập về còn nhiều hạn chế và vô cùng khó khăn, Bộ luôn ủng hộ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng tham gia xã hội hóa vaccine trong việc tìm nguồn, nhập vaccine. Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ các thủ tục cần thiết như thủ tục nhập khẩu vaccine nhanh nhất nhưng đảm bảo tuân thủ theo quy định của Việt Nam, cũng như chịu trách nhiệm về kiểm định chất lượng với vaccine Covid-19 nhập về Việt Nam”, ông Thuấn khẳng định.
Cần hơn 25,2 nghìn tỷ đồng để mua 150 triệu liều
Về chi phí mua vaccine, theo tính toán của Bộ Y tế sẽ cần khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng (150 triệu liều tiêm cho 75 triệu người). Trong đó, kinh phí mua vaccine khoảng 21 nghìn tỷ đồng, kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng.
Còn theo tính toán của Bộ Tài chính, để mua vaccine, ngân sách Trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16 nghìn tỷ đồng, đảm bảo cho các đối tượng do Trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn. Còn lại ngân sách địa phương chi và phải huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, khi dịch kéo dài thì nhu cầu vaccine hàng năm tăng cao, kinh phí sẽ mua vaccine còn lớn hơn, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước thì sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.
Ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19 cách nào?
Ngày 27/5/2021, Bộ Tài chính đã thông báo công khai rộng rãi thôngtin tài khoản tiếp nhận để các tổ chức, cá nhân thuận tiện ủng hộ gồm:
- Tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước: Tên tài khoản: Quỹ Vaccine phòng Covid-19, số hiệu tài khoản: 3761.0.9098866.91999 (VND); 3761.0.9098869.91999 (USD) và 3761.0.9098786.91999 (EUR)
- Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Hà Nội: Tên tài khoản: Quỹ Vaccine phòng COVID-19, số hiệu tài khoản: 21110009116868 (VND); 21110371116868 (USD) và 21110142996868 (EUR).
Bộ Tài chính khẳng định, toàn bộ số tiền do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện sẽ được tập trung đầy đủ, kịp thời về Quỹ Vaccine phòng COVID-19 và được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận