Chương trình nghệ thuật, trình diễn thời trang áo dài chủ đề “Nơi tôi sinh ra” với sự tham gia của 18 nhà thiết kế nổi tiếng trong cả nước. Điều đặc biệt, trong chương trình sẽ có tiết mục trình chiếu ánh sáng 3D mapping kết hợp trình diễn áo dài.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, đây là sản phẩm khởi động cho nhiều dự án của Văn Miếu trong việc kết hợp tour đêm Văn Miếu với nhiều hoạt động văn hóa nhằm tăng tính trải nghiệm cho du khách.
“Chương trình chiếu ánh sáng 3D mapping kết hợp với trình diễn áo dài truyền thống không chỉ tôn vinh giá trị di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà còn tôn vinh nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt Nam. Trong chương trình, câu chuyện về áo dài đến từ nhiều vùng, miền khác nhau sẽ được kể trong không gian nghệ thuật của âm nhạc và ánh sáng, mang đến trải nghiệm hấp dẫn, khác biệt cho du khách”, ông Lê Xuân Kiêu chia sẻ.
Chương trình là món quà đặc biệt, sự kết nối giữa đương đại với truyền thống, đem đến cho khán giả nguồn năng lượng mới khi Tết Giáp Thìn 2024 sắp đến gần.
18 nhà thiết kế và thương hiệu áo dài tham gia chương trình "Nơi tôi sinh ra" gồm: Minh Hạnh, Thanh Thúy, Cao Minh Tiến, Đặng Viết Bảo, Ngọc Hân,...
Trong chương trình, nhà thiết kế Minh Hạnh sẽ giới thiệu bộ sưu tập áo dài với chất liệu thổ cẩm mang đậm dấu ấn của vùng đất và con người Tây Nguyên; nhà thiết kế Thanh Thúy sẽ mang đến những bộ áo dài có họa tiết, dáng dấp của hoa ban - loại hoa đặc trưng của Điện Biên, nơi cô sinh ra. Còn nhà thiết kế Công Huân sẽ giới thiệu bộ sưu tập áo dài đặc trưng của thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện cho Hà Nội, nhà thiết kế Cao Minh Tiến sẽ giới thiệu bộ sưu tập áo dài ký họa về Hà Nội; Còn nhà thiết kế Ngọc Hân với niềm yêu thích những bộ tranh dân gian truyền thống, cùng với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng kể về nét văn hóa đất Thăng Long;
Nhà thiết kế Đặng Viết Bảo lấy sắc trời Huế biếc xanh trong Cố đô hửng nhẹ ánh hồng nắng thu, cảm hứng từ ráng chiều cùng nét bảng lảng bâng khuâng làm nguồn cảm hứng cho bộ sưu tập áo dài.
Anh lấy cảm hứng và chất liệu vải Zèng của người thiểu số Tà Ôi, huyện A Lưới. Vải Zèng của người dân tộc thiểu số Tà Ôi, huyện A Lưới là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Còn nghề dệt Zèng là di sản văn hóa phi vật thể quốc Gia thứ hai của tỉnh Thừa Thiên Huế, sau ca Huế.
NTK Đặng Viết Bảo chia sẻ: "Người xưa thường coi vải Zèng lại một loại vải 'thượng lưu', chứng tỏ tiềm lực kinh tế của người sở hữu. Không phải nhà nào cũng có vải Zèng và không phải ai cũng dệt được Zèng. Một tấm vải Zèng 3 mét đã đổi được trâu bởi sự đòi hỏi nhân công đông đúc. Thế nên trước đây, nhà nào đông con gái mới được tấm vải Zèng.
Trong ngày cưới, các cô dâu phải tặng nhà chú rể vải Zèng để làm thước đo sự khôn khéo, đảm đang, sự cần mẫn và khả năng thẩm mỹ của mình, thông qua các hoa văn, họa tiết, đính cườm độc đáo trên vải. Tâm tư, tình cảm của cô dâu được gói gọn trọn vẹn trong tấm vải Zèng quý giá, là thước đo giá trị nhân phẩm, sự hiếu thuận với nhà chồng tương lai.
Đó cũng là vật phẩm linh thiêng trong thờ cúng của người Tà Ôi, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc thánh thần núi rừng linh thiêng".
Cũng trong lần trở ra Hà Nội trình diễn với các NTK khác, Đặng Viết Bảo đã mời người bạn thân thiết của mình - ca sĩ Hà Linh giúp anh làm vedette cho BST lần này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận