Những ngày qua, Sơn Ngọc Minh - cựu thành viên nhóm nhạc V.Music khiến nhiều người hoang mang với những chia sẻ về chuyện trầm cảm và cái chết. Trong cuộc trò chuyện với Báo Giao thông, nam ca sĩ thừa nhận anh đang trải qua giai đoạn trầm cảm và cố gắng vượt qua.
Nhiều nghệ sĩ sợ đối diện sự thật
Thời gian qua, nhiều bài đăng trên trang cá nhân của anh liên tục nói tới vấn đề trầm cảm và điều tiêu cực. Hiện tại, anh ổn chứ?
Tôi không muốn nhắc lại những điều mình từng chia sẻ vì muốn nói ra, tôi phải là người vượt qua giai đoạn đó. Nếu không, nhắc lại sẽ giống như tự lấy dao đâm vào mình vậy. Bản thân tôi đang tìm cách vượt qua bất ổn tâm lý của mình nhưng đôi khi, chỉ cần một tác động nhỏ vào điều gì mình đặt niềm tin cũng gây ảnh hưởng và làm mình mất hy vọng, khiến mình hụt hẫng và vết thương ngày càng loang rộng hơn.
Có nhiều người bị trầm cảm nhưng họ chọn cách “sống chung với lũ” vì nghĩ có thể tự vượt qua, được mọi người đồng cảm và chia sẻ. Cũng có người không chịu được, bất mãn với cuộc sống và luôn muốn tìm công bằng trong cuộc sống.
Sơn Ngọc Minh sinh năm 1990 tại Cần Thơ. Anh được biết đến là thành viên của nhóm nhạc nổi tiếng một thời V.Music. Nam ca sĩ gây ấn tượng bởi vẻ điển trai cùng nụ cười hiền lành. Sau khi tách ra hoạt động solo, Sơn Ngọc Minh từng phát hành nhiều sản phẩm âm nhạc với các single như: Lời tỏ tình, Không thể quên em, Anh muốn yêu em lần nữa…
Về đời tư, Sơn Ngọc Minh từng công khai hoàn cảnh gia đình khó khăn. Mẹ anh phải bươn chải nhiều nghề để kiếm sống và phải sống trong căn nhà lụp xụp ở bến Ninh Kiều (Cần Thơ). Anh cũng là nam ca sĩ hiếm hoi công khai mình thuộc giới tính thứ 3.
Anh thậm chí đã nói về cái chết, và việc tự tử…
Tôi nghĩ ai cũng nghĩ tới cái chết, chỉ có điều không ai chịu đối mặt. Tôi nghĩ đến để sống tốt hơn, để biết trân trọng mỗi ngày trôi qua. Tôi muốn mọi người đừng nghĩ quá tiêu cực khi nhắc đến cái chết, vì nghĩ đến nó không phải là mình muốn làm điều đó.
Viết ra những câu chuyện buồn mà bản thân đã trải qua, anh có cảm thấy dễ chịu hơn?
Tôi nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Nhưng bây giờ, mọi người nhìn tôi với một ánh mắt khác…
Tôi thấy mọi người thường chỉ nhìn mọi chuyện về một hướng. Tôi viết ra là bởi mong muốn được chia sẻ và có nhu cầu được chia sẻ. Tuy nhiên, có người châm biếm đả kích, cho rằng tôi làm mọi chuyện quá lên và bảo hãy tích cực lên. Nói nghĩ mọi chuyện tích cực dễ thế thôi, phải là người trong cuộc mới biết như thế nào. Thậm chí còn có người chửi bới, cho rằng tôi làm trò, làm màu để đánh bóng tên tuổi. Nói chung, tôi vẫn lý trí lắm. Còn nếu mọi người chửi quá, tôi có thể hy sinh, để họ thấy họ đã đối xử tệ hại với tôi tới mức nào.
Anh có thể coi những bình luận tiêu cực trên mạng xã hội như một bãi rác và nên quét rồi vứt rác đi?
Bạn quét rác thì vẫn sẽ tiếp tục có rác mà. Quan trọng là phải làm sao để không có rác nữa và phải tạo cho mọi người ý thức rằng, họ đã giết một người bằng những bình luận độc ác của mình. Đa số những người bình luận như thế đều là người trẻ, nông nổi. Họ không trải qua những điều người khác trải qua nên cứ lên chửi bới cho sướng miệng. Nếu có người tự tử vì điều đó, họ chính là những kẻ đồng phạm giết người.
Sử dụng mạng xã hội, ai cũng muốn chia sẻ những điều tích cực nhưng đôi khi có những chuyện buồn, không biết chia sẻ với ai mới viết trên mạng để giải tỏa. Khi mình giải tỏa, tự dưng họ lại bình luận tiêu cực, đả kích mình. Họ được quyền tự do ngôn luận quá nên hết lần này tới lần khác mạt sát người khác. Điều đó sẽ làm thế hệ sau không còn tôn trọng người khác nữa. Có nhiều người chọn cách xóa bình luận, lảng tránh, nhưng càng ngày, sự việc càng diễn ra nhiều hơn.
Để tồn tại những lời chửi bới trên mạng xã hội bởi ở Việt Nam các nghệ sĩ còn ngại kiện tụng?
Họ sợ đối diện sự thật. Ai chẳng có những bí mật không muốn cho ai biết. Bây giờ, tôi cũng không còn trong showbiz nữa. Trong showbiz, mọi người phải sống giả tạo, thảo mai. Tôi mệt lắm rồi.
Sợ đối diện với 4 bức tường
Không hoạt động trong showbiz, anh sẽ làm gì?
Thực ra, một dạng stress của những người như tôi là mình từng là nghệ sĩ nên ra ngoài xin việc, họ nói mình không đủ tiền để trả cho mình, rồi nghệ sĩ thì vào sẽ biết làm gì… Điều đó cũng tạo áp lực cho tôi.
Anh cũng là người người có ít nhiều tên tuổi, tại sao không tận dụng để nổi bật lên?
Sau khi V.Music tan rã, tôi vẫn làm ở công ty khoảng 2 năm. Sau này rời công ty và đi hát solo, lúc đó mọi thứ mới ập tới. Tôi không có tiền mua bài hát để làm sản phẩm mới. Để có sản phẩm mới cần rất nhiều tiền mà tiền của tôi để trang trải cho cuộc sống hết rồi. Mải đi kiếm tiền nên khi nhìn lại, tôi nhận ra mình đã chẳng có gì để tiếp tục phát triển nữa.
Khoảng 2 năm trước, tôi đã nghĩ mình hết thời. Tôi vẫn đi sự kiện, đi hát nhưng không có nhiều mối quan hệ và cũng không làm PR. Nhiều người vẫn thương tôi, giúp đỡ nên tôi vẫn giữ được tên của mình. Mấy năm nay, tôi vẫn tự hào mình vẫn giữ được tên tuổi riêng. Thực ra, tôi chia sẻ những dòng tâm trạng trên facebook không phải vì muốn làm chiêu trò gì hết. Tôi chỉ muốn giải tỏa, bỏ hết những gánh nặng bấy lâu cho nhẹ lòng vì tôi không còn chỗ nào để trút hết.
Trước khi vào showbiz, tôi là người bất cần và hơi liều mạng. Sau đó, tôi phải kìm tính cách này và dần mất đi con người thật của mình. Tôi phải giả tạo hơn. Nhưng giờ, tôi đã tìm lại được chính mình, có mục tiêu, có nghị lực để vượt qua những gièm pha của người khác. Trước đây, làm gì tôi cũng sợ người khác nói xấu mình, còn giờ tôi không sợ nữa.
Áp lực công việc và không được sống là chính mình là lý do đã khiến anh bị trầm cảm?
Một phần do kiệt quệ cảm xúc vì những nỗi đau dồn dập ập tới. Tôi là trụ cột gia đình, gia đình khó khăn. Thực ra trong showbiz, có nhiều nghệ sĩ có những câu chuyện rất hay nhưng họ không kể ra thôi. Nhiều người vượt qua được, có thể do hoàn cảnh sống và môi trường sống. Họ có bạn bè, người thân, bà con giúp đỡ, còn tôi không có ai hết. Tôi sống ở TP HCM một mình, ở trong căn phòng 4 bức tường. Ngày nào cũng đối diện với nó, tôi sợ lắm. Ở trong đó, tôi chỉ nghĩ tới chuyện tự tử thôi. Tôi từng tự tử, nhưng vì cơ thể kháng thuốc nên bị ói và đã không sao.
Điều gì đã kéo anh lại khoảng thời gian ấy?
Thời đó, tôi còn nghĩ cho mẹ, nhưng giờ thì không. Không phải tôi bất hiếu mà vì mẹ biết tôi đã chịu đựng rất nhiều. Tôi nghĩ mẹ hiểu và mẹ sẽ thông cảm, không trách nếu tôi chọn cách đó. Tôi không còn động lực nào nữa từ khi ba mất. Ba là vị trí vững chãi cho tôi dựa vào nên khi ba qua đời, mọi thứ trong tôi đã sụp đổ.
Thời gian ấy, nhiều người cũng quan tâm động viên. Trên mạng, có người cho tôi lời khuyên nhưng họ không ở trong hoàn cảnh của tôi nên những lời khuyên ấy vô nghĩa thôi.
Anh có tìm bác sĩ tâm lý?
Tôi quen một tiến sỹ tâm lý. Khi nào bị stress, tôi luôn tìm đến để cô cho những hướng suy nghĩ và tôi tự giải quyết. Tới giờ, tôi vẫn quý và thi thoảng vẫn liên lạc với cô. Thực ra khi chia sẻ, tôi không cần ai dạy dỗ mà chỉ cần họ lắng nghe thôi.
Mọi điều tôi chia sẻ trên mạng xã hội cũng vậy, tôi chỉ muốn có người đồng cảm với mình. Tôi chẳng còn gì cả đâu. Cuộc sống của tôi vẫn tiếp diễn và áp lực vẫn ở đó, tôi sẽ cố gắng vượt qua. Nếu không vượt qua được thì đó không phải cuộc sống của tôi. Nhiều khi tôi khóc, có người lại chỉ trích này nọ. Mọi người không hiểu rằng, đó là khi tôi đã hết chịu nổi và phải chịu đựng nhiều lắm rồi. Tuy nhiên, một số người thân thiết khi gặp vẫn ôm tôi và động viên, điều đó đủ để lấp đầy khoảng trống trong tôi.
Cảm ơn anh!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận